Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Thí điểm xóa bỏ viên chức ở những nơi có điều kiện

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
TPO - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.

Những ngày qua, thông tin về việc có thể thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên đã nhận được nhiều luồng ý kiến từ dư luận. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn về thời điểm thực hiện, cách thức triển khai.

Theo Bộ trưởng Nhạ chia sẻ, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn

“Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên”- Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng.

“Để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm’- Ông Nhạ nói.

“Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo, vì vậy, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng”- Ông Nhạ chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết, những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra.

“Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành Giáo dục’- Ông Nhạ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG