Thí sinh: Đề Hóa khó, Ngữ văn mở

Thí sinh: Đề Hóa khó, Ngữ văn mở
TPO - Sáng nay 10/7, sau 90 phút làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa (khối B) và 180 phút làm bài Ngữ văn (khối C, D), thí sinh cả nước đã kết thúc các môn thi cuối cùng của kỳ tuyển sinh 2014. Nhiều thí sinh cho biết, đề Hóa học khó, còn Ngữ văn mở.

Tại điểm trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ĐH Y Hà Nội..., nhiều thí sinh cho rằng, đề Hoá khối B khó hơn khối A.

Thí sinh Văn Thành, dự thi vào trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho biết, đề Hóa năm nay khó và hơi dài.

“Những câu khó thuộc về phần hữu cơ. Phần lý thuyết không quá khó, nhưng hơi dài, phải tập trung cao mới giải hết được đề” - Thành nói.

Còn Nam Khánh, dự thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, em làm bài thi môn Hóa vừa đủ thời gian. Nội dung trong đề thi nằm trong chương trình. Đề thi có khoảng 50% câu hỏi lý thuyết, phần lớn tập trung vào phần hóa vô cơ và hữu cơ.

Khánh cũng nói thêm, có câu hỏi chưa từng được ôn qua. Khi làm, em không thể tìm ra công thức của chất nên phải chọn đáp án theo phán đoán.

Nhiều thí sinh dự thi  vào Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho rằng, đề Ngữ văn bám sát chương trình sách giáo khoa, câu hỏi mở khá hay có thể đạt điểm cao.

Bạn Phương Thảo (Thanh Hóa) dự thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn nhận xét, đề văn khối C không quá khó, câu 1 và câu 3 kiến thức trong SGK, câu 2 là câu hỏi nghị luận xã hội.

Hoàng Thị Tuyết, dự thi vào Học viện Ngoại giao, cho rằng, đề Ngữ văn khối D năm nay không khó, em làm khá tốt bài thi.

Ghi nhận tại TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, đa số thí sinh dự thi khối B, nhận xét, câu bài tập thuộc phần hóa vô cơ của đề thi môn Hóa hơi phức tạp.

Bạn Cao Duy Tồn (ở Kiên Giang) dự thi ngành Công nghệ thực phẩm, nói: “Nhiều câu bài tập, em chọn đáp án theo cảm tính vì không nghĩ ra hướng giải"

Thí sinh Phan Thị Mỹ Tâm dự thi ngành Công nghệ chế biến thủy sản, Trường Đại học Sư Phạm Kĩ thuật nói: Có khoảng 20 câu hỏi khó, nhưng cũng có những câu lý thuyết khá dễ.

Thí sinh: Đề Hóa khó, Ngữ văn mở ảnh 1

Thí sinh xem gợi ý bài giải trên báo

Trong khi đó, ở đề thi môn Ngữ văn khối D, thí sinh Lưu Chí Dũng, dự thi ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh Tế - Luật, cho rằng: “Đề thi này khá hay, đòi hỏi thí sinh phải nắm được kiến thức trong SGK và có kiến thức trong cuộc sống, em khá tự tin với bài làm môn Ngữ văn năm nay”.

Còn Đồng Hoài, dự thi ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, câu nghị luận văn học khá lạ, còn câu nghị luận xã hội hấp dẫn.

“Nghị luận xã hội năm nay không chỉ bám sát thực tế mà còn gây hứng thú cho em, vì vậy nên em dành bốn mặt giấy để làm câu này”, Hoài nói.

Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi, thí sinh Lê thị Hương cho biết, đề Ngữ văn khối C năm này nằm hoàn toàn trong chương trình học của lớp 12.

“Đề có 3 câu nhưng em chỉ làm hết khoảng 2/3 thời gian, tuy không có dạng đề mang tính chất thời sự nhưng nhiều câu hỏi cũng đặt cho thí sinh về các vấn đề lối sống”, Hương nói.

Cũng theo Hương, có nhiều thí sinh khá lúng túng khi gặp bài “Đò Lèn” của tác giả Nguyễn Duy trong đề thi, vì bài thơ này nằm trong phần giảm tải nên rất ít thí sinh để ý tới. Đề thi còn yêu cầu thí sinh phân tích sự vô tâm của người cháu và nỗi cơ cưc của bà, nên đòi hỏi thí sinh phải nhập tâm vào nhân vật nhiều hơn.

MỚI - NÓNG