Thi THPT quốc gia sẽ được tiếp tục trong các năm 2018, 2019

Thi THPT quốc gia sẽ được tiếp tục trong các năm 2018, 2019
TPO - Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong đó có  những nội dung về đổi mới phương thức thi - phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017

Theo Bộ trưởng Giáo dục, xuất phát từ thực tiễn trên, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những điểm hạn chế của kỳ thi năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn). Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính.

Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, sẽ tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với giáo dục thường xuyên).

Kết quả chấm thi các bài thi tổ hợp sẽ cho biết điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới). Điểm liệt đối với mỗi bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 1,0 điểm.

Cụ thể hơn, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.

Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Tiếp tục thi THPT để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH trong năm 2018,2019

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, với phương thức như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh. Những trường có yêu cầu cao, trường có ngành đặc thù, năng khiếu có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi môn năng khiếu theo quy định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp.

Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trong phương án thi, tuyển sinh, Bộ Giáo GD&ĐT vẫn dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng Bộ sẽ xây dựng phần mềm phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”.

 Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông…

“Như vậy, những điều chỉnh trong phương án thi, tuyển sinh năm 2017 đã có sự thay đổi về cách tổ chức thi, môn thi, thời gian thi, chấm bài thi… Đây là những giải pháp khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh”- Bộ trưởng khẳng định.

Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh.

Ngày 6/10, Bộ GD&ĐT đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017 để giáo viên và học sinh tham khảo. Dư luận xã hội đánh giá tích cực về nội dung cũng như về phương thức thi trắc nghiệm khách quan.

“Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt”- Bộ trưởng khẳng định.

MỚI - NÓNG