Thi trắc nghiệm: Lãng phí nhiều, rủi ro cao?

Thi trắc nghiệm: Lãng phí nhiều, rủi ro cao?
TP - Mặc dù các nhà thiết kế luôn luôn khẳng định rằng thi trắc nghiệm khách quan là rất khách quan nhưng các nhà quản lý GD ĐH– những người trực tiếp thừa lệnh lại có cách nghĩ khác...
Thi trắc nghiệm: Lãng phí nhiều, rủi ro cao? ảnh 1
Thi trắc nghiệm rủi ro cao hơn thi tự luận?

Máy chấm thi trắc nghiệm (TN) ba bốn trăm triệu đồng, dùng chấm thi trong 1 tiếng đồng hồ/năm rồi đắp chiếu để đấy thì lãng phí lắm; không cẩn thận việc gian lận thi cử bằng điện thoại di động sẽ bùng nổ...

Không chỉ thí sinh lo lắng mà ngay cả nhiều nhà quản lý giáo dục cũng lo lắng, khi mà lần đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2007 có tới 4 môn thi TN.

Thầy lo, trò lo

Ông Ngô Thế Chi, GĐ Học viện Tài chính (HV) cho biết HV đang phải chuẩn bị từng khâu rất bài bản vì năm nay lần đầu tiên thi TN nhiều môn như thế. Công tác coi thi rất quan trọng, cán bộ coi thi cũng phải chuẩn.

Khoảng cách bàn ghế, chỗ ngồi của thí sinh... nếu quản lý không chặt chẽ thì việc dùng điện thoại di động hoặc các phương tiện khác để tiêu cực trong thi cử rất dễ xảy ra, vì thí sinh chỉ “tích” trong 5 phút là xong.

Khâu chấm thi, theo ông, cũng phải tính toán cẩn thận, thể nghiệm trước để khi sơ xuất còn có tình huống mà xử lý. HV sẽ phải đầu tư 2-4 chiếc máy chấm (khoảng 170-189 triệu đồng/máy). TN là rất phức tạp, năm nay lại là năm đầu tiên thi nhiều môn, thí sinh chưa quen, đặc biệt, thí sinh các vùng nông thôn đang nháo nhào cả lên (bài luận trả lời sai còn gạch đi, viết lại; bài TN sai, nếu sửa không đúng máy không chấm!). Đó cũng chính là thông tin nhiều trường ĐH nhận được từ đại đa số các thí sinh ở khu vực xa trung tâm.

Ông Ngô Thế Chi dự báo: Có thể kỳ thi năm nay sẽ ảnh hưởng đến kết quả nói chung.  Mọi năm HV này thường lấy điểm chuẩn từ 23,0 điểm trở lên. Thi TN thế này không biết được điều gì sẽ xảy ra,  bởi vì,  có thể có những thí sinh rất giỏi nhưng vẫn bị trượt như thường. Theo ông, thi TN là tốt nhưng phải chuẩn bị kỹ từng khâu để tránh rủi ro.

Lãng phí, để Bộ làm!

Trường ĐH Hà Nội (ĐH Ngoại ngữ HN cũ) sẽ trao gửi việc chấm thi TN cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT vì lý do đơn giản: mua máy móc ba bốn trăm triệu, dùng chấm thi trong một tiếng/năm rồi đắp chiếu để đấy thì lãng phí lắm.

Trả lời câu hỏi vì sao không mua rồi dùng trong giảng dạy cho đỡ lãng phí, ông Lê Ngọc Tường, Phó HT cho biết trường ông dùng phần mềm máy tính tiện ích, chính xác và công bằng hơn rất nhiều trong quá trình kiểm tra đánh giá sinh viên.

Cũng như ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương không mua máy vì muốn tiết kiệm tiền bạc. Những người có trách nhiệm của trường này tính toán: Theo dự kiến đến năm  2009 bỏ bớt 1 kỳ thi vào ĐH nên mấy trăm triệu chỉ dùng 2 lần thi nữa thì thật lãng phí.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết đến nay trường ông vẫn đang phân vân giữa 2 phương án: nhờ Bộ GD-ĐT chấm hoặc thuê máy để chấm (hiện đã có công ty kinh doanh ngỏ ý chuyên cho thuê máy để chấm thi TN).

Trắc nghiệm khách quan có... thực sự khách quan ?

Mặc dù các nhà thiết kế luôn luôn khẳng định rằng thi TN khách quan là rất khách quan nhưng các nhà quản lý GD ĐH– những người trực tiếp thừa lệnh lại có cách nghĩ khác.

Số là, khi đi thi, thí sinh dùng bút chì để làm bài chứ không phải dùng bút mực. Câu hỏi được đặt ra là liệu bài làm của thí sinh có bị thay đổi vì mục đích này hay mục đích khác khi mà thí sinh làm bài thi bằng chì vào phiếu trả lời  và phiếu này hoàn toàn không rọc phách. 

“Dễ tiêu cực hơn, chúng tôi đang đặt vấn đề như thế”, là câu trả lời của một nhà quản lý ĐH. Theo ông, muốn đảm bảo khách quan, dù thi TN khi chấm vẫn phải rọc phách.

Ngoài ra, thi TN cũng dễ gặp rủi ro. Đó là ý kiến của một nhà giáo dục tại Hà Nội. Một số trường gặp phải hiện tượng lỗi là bài làm của thí sinh bị gấp hoặc quăn mép làm cho kết quả chấm bị sai lệch (nguồn tin này khẳng định, Cục Khảo thí cũng từng gặp vấn đề ngay từ buổi chấm đầu tiên dẫn đến trục trặc phải chấm lại thủ công do kết quả chấm máy và chấm thủ công để kiểm tra lại khác nhau tương đối xa).

Những lỗi thí sinh hay mắc phải là tô sai SBD, mã đề thi, 1 câu tô 2 ô chọn, tô không tròn hết ô, tô xong rồi tẩy không hết... máy không đọc được do độ nhạy cao. Những bài máy chấm không được sẽ thải bài ra ngoài và phải có ngay một hội đồng  chấm ngay tại chỗ.

Tìm một cách làm thiết thực

Dường như lường trước được  những khó khăn do việc chấm thi TN mang lại nên cho đến giờ phút này khá nhiều trường đã quyết định trao gửi việc chấm  thi cho Cục Khảo thí Bộ GD-ĐT (ĐH Mở HN, ĐH Hà Nội...) hoặc lưỡng lự giữa 2 phương án “nhờ” Bộ và tự chấm (ĐHBK, ĐH Thái Nguyên...).

Có một cách làm, thiết thực hơn như của ĐHQG TP HCM, như ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết,  là: ĐHQG TP chuẩn bị một Ban chấm thi TN và liên hệ với các trường trong khu vực xem trường nào dự kiến chấm chung với ĐHQG TP để có thể sử dụng chung thiết bị và in phiếu chấm điểm.

Bộ GD-ĐT tổ chức chấm cho nhiều trường và  nhiều trường trong một khu vực tổ chức chấm chung để mỗi trường đỡ phải bỏ ra hàng trăm triệu cho một đôi lần sử dụng thiết bị một cách lãng phí là điều mà Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu và có tiếng nói chung với tư cách nhà quản lý, nhà tổ chức là điều nên làm.

Học sinh sẽ ngày càng yếu trong việc thể hiện văn bản vì thi trắc nghiệm

Học viện Tài chính quyết định đầu tư mua máy chấm do không chỉ dùng máy vào việc tuyển sinh. Ông Ngô Thế Chi, GĐ HV Tài chính cho biết, mỗi năm HV có khoảng 100 môn học và bắt đầu từ năm nay khoảng 30% các môn học sẽ thi TN để tiến tới thi TN tất cả các môn học.

Như vậy trong tương lai chúng ta sẽ tạo ra những con người chỉ biết xử lý những thứ làm sẵn bằng cách tích các câu trả lời đúng trong bài thi TN thôi?

Trả lời câu hỏi này, ông Chi buông câu trả lời: Nhưng theo xu hướng thi TN như hiện nay, có thể từ bé, các học trò đã quen tích đúng, sai thì sau này sẽ khó có được những người viết văn bản hoàn chỉnh do không có tư duy văn viết. Chắc lúc đó, trình độ xã hội phải cao để có những người chuyên môn cao về lĩnh vực này.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.