Thiệt nhất vẫn là thí sinh!

Thiệt nhất vẫn là thí sinh!
Nhiều trường “xé rào”, gửi những thông báo trúng tuyển không đúng theo quy định chung cho thí sinh (TS), khiến nhiều em lỡ dở cơ hội xét tuyển vào cả những trường khác...

>> Trường “xé rào”, thí sinh vuột cơ hội vào đại học

Kỳ thi tuyển sinh năm 2008 đã kết thúc, các tân SV đã tựu trường. Nhưng mùa tuyển sinh năm nay đã để lại một dư âm không ngọt ngào đối với cơ quan quản lý giáo dục, với dư luận và cả không ít thí sinh - những người trực tiếp trong cuộc phải chịu hậu quả từ những vụ “xé rào” của một số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Có thể nói, năm nay, tình trạng các trường ĐH, CĐ “xé rào” tăng đột biến và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với thí sinh. Đó là những trường đã thực hiện quy trình xét tuyển một cách tùy tiện: gọi vượt nhiều lần chỉ tiêu được phép tuyển để phòng hờ rồi áp dụng nguyên tắc “ai đến trước xét trước”, đủ chỉ tiêu thì... thôi, lộn xộn như ngoài chợ.

Khi tung tăng “xé rào”, gửi những thông báo trúng tuyển không đúng theo quy định chung cho TS, các trường đã khiến hàng ngàn em rơi vào cảnh dở khóc dở cười, cầm giấy báo đến trường mà không được nhập học, lỡ dở cơ hội xét tuyển vào những trường khác.

Trên thực tế, tình trạng vi phạm quy chế tuyển sinh chủ yếu diễn ra ở các trường ngoài công lập và ở những trường mới thành lập. Có thể khẳng định, sự nôn nóng tận dụng tối đa chỉ tiêu được phép tuyển, tình trạng “bóc ngắn cắn dài” của các trường ngoài công lập, nhất là các trường mới thành lập, không gì khác ngoài mục tiêu lợi nhuận.

Có lẽ khi loay hoay tìm cách tuyển được nhiều TS, các trường đã không nghĩ rằng, chỉ tiêu tuyển sinh không phải là mục tiêu duy nhất mà trường nhất thiết phải đạt cho bằng được.

Các trường khi “xé rào” cũng quên mất việc phải giữ gìn uy tín, danh dự của nhà trường. Nếu “vơ bèo vạt tép” cho đủ số chỉ tiêu, hẳn những chuyện tai tiếng đó sẽ tiếp tục làm nhà trường mất điểm trong mắt TS và phụ huynh. Năm sau, trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh do TS, xã hội đánh giá thấp..., bởi rõ ràng trong thời đại thông tin như hiện nay, cách tuyển sinh cũng là một kênh phản ánh uy tín, chất lượng của nhà trường.

Một quan chức của Bộ GD-ĐT cho rằng, các trường ĐH, CĐ mới thành lập đã quá nôn nóng, muốn tuyển được tối đa chỉ tiêu đã định, khi nhà trường chưa kịp xây dựng tên tuổi và uy tín để TS và xã hội biết đến mà chọn lựa. Điều đó đúng, nhưng liệu có phải lỗi chỉ đến từ phía trường? Vì sao các trường lại có thể coi thường quy chế tuyển sinh như vậy?

Có lẽ, vì hình thức chế tài đối với những vi phạm quá nhẹ nhàng. Năm 2007, hàng chục trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, có trường tái phạm và tuyển vượt gần gấp đôi, nhưng tất cả chỉ bị phạt tiền rồi cho tồn tại, năm nay không hề bị cắt giảm chỉ tiêu.

Với mức phạt 40 - 60 triệu đồng cho vài trăm, thậm chí đến con số ngàn SV “tuyển thêm”, rõ ràng là quá dễ chịu so với hàng tỉ đồng thu được từ số SV này.

Hơn nữa, trong phương thức quản lý công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT còn không ít kẽ hở để các trường có thể “xé rào”. Đó là cách vận dụng điều 33 của quy chế (cho phép mở rộng điểm cách biệt giữa các khu vực và đối tượng) chưa thật rõ ràng, mỗi năm xét duyệt một khác, thiếu chuẩn mực chung, nặng về “xin - cho”.

Đồng thời, tuy một mặt Bộ không cho phép các trường còn tuyển thiếu chỉ tiêu được hạ điểm chuẩn vì “gây rối loạn cho việc xét tuyển NV2 của những trường khác”, nhưng lại cho phép một số trường được tuyển chỉ tiêu hệ ngoài ngân sách, thực chất là hạ điểm chuẩn, tuyển thêm.

Rõ ràng khi còn thiếu một khung chế tài chặt chẽ, nghiêm minh, khi trong phương thức tuyển sinh vẫn còn những điều “vận dụng”, những quyết định của bộ còn thiếu sức thuyết phục và chưa thật sự đảm bảo công bằng giữa các cơ sở đào tạo thì tình trạng vi phạm kiểu “xé rào” của các cơ sở đào tạo có thể còn tái diễn trong mùa thi sau. Và thiệt thòi nhất vẫn chỉ là TS.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG