Thời gian thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 vẫn giữ nguyên?

Buổi họp báo của Bộ GD&ĐT chiều 4/7. Ảnh: Như Ý
Buổi họp báo của Bộ GD&ĐT chiều 4/7. Ảnh: Như Ý
TPO - Ngay sau cuộc họp báo chiều 4/7, thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trao đổi cùng phóng viên báo Tiền Phong về chấm thi thế nào để đảm bảo năng lực sáng tạo của học sinh và về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016.

Ông đánh giá thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

Thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 29: đổi mới kỳ thi  tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ nhàng nhưng đảm bảo đánh giá đúng trình độ người học, đảm bảo xét tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Kỳ thi đã diễn ra an toàn tốt đẹp. 

Tuy nhiên hạn chế cố hữu của các kỳ thi từ trước đến nay vẫn còn, dù giảm; ví dụ, việc vi phạm quy chế thi, việc giám thị chưa thông thạo nghiệp vụ thi làm ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh đã gây khó khăn cho thí sinh và gia đình, hoặc một số khó khăn do việc tổ chức đi lại cho học sinh vẫn có.

Có ý kiến cho rằng, đề thi năm nay được ra theo phương án “an toàn” để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp, ông bình luận gì?

Đề thi năm nay đã được xác định có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức vận dụng và vận dụng cao. Đề thi cũng đã có đề minh họa, đã được thử thách và cả xã hội đồng tình với mức độ như vậy chứ không phải là chọn phương án an toàn.

Dư luận cho rằng mức độ phân hóa của đề thi chưa rõ ràng, mức điểm khá sẽ tương đối nhiều, gây lo lắng cho bức tranh tuyển sinh, ông có bình luận gì?

Nhiều học sinh khá, ít học sinh giỏi là chuyện bình thường và theo quy luật chung. Điều này phù hợp với các trường ĐH có mức điểm khác nhau: có trường lấy điểm rất cao, trường lấy điểm khá và trường trung bình.

Ngành có chỉ đạo nào để công tác chấm thi đảm bảo công bằng giữa các cụm thi, đặc biệt khi số bài lớn và thời gian chấm thi ngắn?

Đã có các hướng dẫn chầm phù hợp với từng bộ môn để đảm bảo chấm chính xác khả năng làm bài của học sinh,  đánh giá đúng sự sáng tạo, ý kiến riêng của từng học sinh nhất là môn khoa học xã hội. Cac hội đồng chấm tổ chức học tập biểu điểm, chấm thử để thống nhất cách vận dụng, xem xét các tình huống có thể xảy ra với thí sinh. Trong quá trình chấm thi ngoài việc chấm 2 vòng độc lập, còn có tổ chấm thanh tra phục vụ cho việc khắc phục những vấn đề phát sinh. Thời gian chấm nằm trong khuôn khổ mọi năm và nhiều trường còn cho biết có thể cung cấp kết quả sớm hơn ngày 20/7.

Có thể hình dung kỳ thi quốc gia năm sau sẽ diễn ra như thế nào?

Sự thay đổi lớn thì đã thay đổi rồi và chúng ta đã làm được; thí sinh đã làm quen ngay với cách thức này do có được chuẩn bị chu đáo từ việc đổi mới dạy học, việc đổi mới kiểm tra đánh giá đến việc có ma trận đề thi và đề thi minh họa. Việc thí sinh có môn thi tự chọn hay thi tại các cụm thi đã được chuẩn bị tốt từ trước. Năm nay chúng ta thực hiện được thì sang năm thí sinh sẽ chủ động hơn nhiều và hy vọng sẽ có kết quả tốt hơn.

Đợt nắng nóng vừa qua cho thấy, thí sinh phải làm bài thi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không ít thí sinh ngất xỉu trong phòng thi. Vậy năm sau, Bộ có tham khảo ý kiến của cơ quan khí tượng để thay đổi lịch thi hay không?

Thời gian tổ chức kỳ trùng với với thời gian thi ĐH, CĐ hàng năm. Thời tiết nắng nóng thì chúng ta không thể lường trước được.

Chân thành cám ơn ông!

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".