Thủ khoa dạy suốt hè kiếm tiền lo học phí

Mang bệnh tim trong người, gia cảnh khó khăn nhưng Hương cáng đáng hết việc nhà và học rất giỏi
Mang bệnh tim trong người, gia cảnh khó khăn nhưng Hương cáng đáng hết việc nhà và học rất giỏi
TP - Đó là “cô giáo” nhỏ Hoàng Thị Thùy Hương (lớp 12A5, trường THPT Đông Hà, Quảng Trị), vừa đậu thủ khoa khối C trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Hương chia sẻ: “Khi thi về, em tính mình được 20 điểm, hôm đọc trên mạng thấy tên mình là thủ khoa em bất ngờ vô cùng, phải mở đến 3, 4 trang báo khác mới tin. Ba mẹ em cả đêm vui mừng không ngủ được”.

Trong ba môn học, Hương đam mê nhất môn Văn. Ngày còn nhỏ, Hương bị hở van tim phải nằm điều trị triền miên trong bệnh viện Trung ương Huế. Không có bạn bè, không được đi chơi, những cuốn truyện theo Hương lớn từng ngày, bất kể tiểu thuyết, cổ tích, truyện tranh… cứ thấy là Hương đọc. 

Đọc nhiều, Hương tiếp thu và hiểu nhanh hơn các tác phẩm văn học học ở trường. “Học Văn tốt hay không chủ yếu là nhờ cảm xúc, cần phải đọc nhiều để tìm ra được nhiều cảm nhận khác nhau ở mỗi bài viết. Với dạng đề Văn mở như hiện nay, người học cần theo dõi thêm ti vi, sách báo… để đưa thông tin vào bài làm cho có chiều sâu và tính thuyết phục. Em thường giải đề văn mới, lạ và dò thử đáp án xem mình làm được bao nhiêu, rút ra kỹ năng gì. Đó là cách để mình không bỡ ngỡ với bất kì dạng đề nào”, Hương tâm sự.

Suốt 12 năm đi học, Hương giành rất nhiều giải về môn Văn, từ giải nhì Văn cấp thị xã lớp 4, giải nhất Văn cấp tỉnh lớp 5, giải khuyến khích Văn cấp thành phố lớp 11, 12 và từng nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Năm nay, điểm thi môn Văn khối C của Hương cao nhất trong các thí sinh thi vào trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. 

Vẻ ngoài hay cười và rất hoạt bát, ít ai nghĩ cô thủ khoa này lại có hoàn cảnh rất éo le. Ba Hương là cựu chiến binh, mất sức lao động, hôm nào khỏe, có người gọi thì đi bốc hàng, chở hàng kiếm vài ba chục ngàn. Mọi chi tiêu trong nhà đều trông vào quán tạp hóa nho nhỏ của mẹ.

Nhà đã khó, cách đây 4 năm hai anh trai của Hương lần lượt vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Nông lâm Huế, đành phải vay tiền sinh viên để trang trải, đến nay vẫn chưa trả được. 

Thương ba mẹ, Hương cáng đáng tất cả việc nhà, bảo ban em út học tập. Hè năm nào Hương cũng “chiêu sinh” lũ trẻ học cấp 1 trong xóm lại mở lớp dạy học, ban đầu chỉ vài ba em, nhưng thấy “cô” Hương kèm khá hơn hẳn nên phụ huynh truyền tai nhau đưa con đến ngày một đông và gửi tiền học phí đàng hoàng. Số tiền ấy Hương dành để đóng học phí, mua sách vở học cả năm trời chứ không tiêu một đồng nào.

“Nếu không mang tiền sử bệnh tim trong người, em sẽ đi làm thêm, việc gì cũng được để tự lo cho bản thân mình”.

Hoàng Thị Thùy Hương

Hoàn cảnh của Hương cũng được các thầy cô giáo trong trường biết đến nên cho em đi ôn thi ĐH không lấy tiền.

Chưa đầy hai tháng nữa, Hương sẽ thành tân sinh viên của ngành Quản lý nhà nước, cũng là thêm bao khó khăn sẽ chồng lên đôi vai gầy của mẹ. Hương thủ thỉ: “Nếu không mang tiền sử bệnh tim trong người, em sẽ đi làm thêm, việc gì cũng được để tự lo cho bản thân mình”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.