Tiềm ẩn nguy cơ loạn thu trong trường học

Tiềm ẩn nguy cơ loạn thu trong trường học
TP - Bước vào năm học 2009 – 2010, mọi chi phí đều tăng nhưng các khoản thu của trường học đều không tăng, tiềm ẩn tái diễn nạn loạn thu như từng xảy ra từ nhiều năm nay ở nhiều trường học.

>> Hà Nội không thu tiền xây dựng trường

Tiềm ẩn nguy cơ loạn thu trong trường học ảnh 1
Phụ huynh chăm sóc các em học sinh truờng Tiểu học Quang Trung.
Ảnh: Hồng Vĩnh

Tiền xây dựng trường chưa đủ để quét vôi lớp học

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều là một trong những trường học lớn nhất trong khu vực quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trường có 46 lớp với trên 2.000 học sinh. Năm học vừa qua, theo quy định của UBND TP Hà Nội, trường vẫn được phép thu tiền xây dựng trường với mức thu 40.000 đồng/học sinh/năm học. Vị chi trường thu được 80 triệu đồng/năm học từ khoản này.

Tuy nhiên, theo thầy Đặng Đình Đại, hiệu trưởng nhà trường, khoản tiền đó chưa đủ để quét vôi làm mới toàn bộ trường. “Để chi được khoản tiền này, tôi phải ký mỏi tay với đủ loại giấy tờ, thủ tục: thiết kế, thẩm định, tư vấn, kiểm toán.

Mà càng nhiều giấy tờ thì chi phí càng bị đội lên. Thành thử, với 80 triệu, trường chỉ có thể quét vôi bên ngoài dãy nhà bốn tầng là hết tiền, trong khi trường còn có hai dãy hai tầng khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng”, thầy Đại chia sẻ.

Về học phí, trường được thu 270.000đồng/học sinh/năm học (9 tháng). Tổng cộng 540 triệu đồng/ năm. Theo nghị định 204 của chính phủ (ban hành năm 2004), trường phải trích trong khoản này 216 triệu để trả lương cho giáo viên.

Nguồn thu lớn nhất của trường là từ ngân sách nhà nước. Theo định suất, trường được cấp khoản chi thường xuyên khoảng 3,76 tỷ đồng/năm. Phần lớn (hơn 80 phần trăm) trong số này được chi cho lương.

Trường chỉ còn khoảng gần một tỷ đồng (kể cả từ nguồn học phí) chi cho tất cả mọi hoạt động của một nhà trường như điện, nước sinh hoạt, trả lương giáo viên, nhân viên hợp đồng, các hoạt động chuyên môn (họp hành, hội thảo, ngoại khóa...), tăng cường cơ sở vật chất dạy học, hỗ trợ giáo viên, quỹ phúc lợi,v.v...

“Trong trường phổ thông, nhà nước chỉ cho biên chế nhân viên phục vụ rất ít (khoảng năm người gồm bảo vệ, kế toán, thủ quỹ, nhân viên y tế, nhân viên phòng thí nghiệm...).

Trong khi đó, với một trường lớn như Nguyễn Gia Thiều, bốn nhân viên bảo vệ vẫn là thiếu. một nhân viên y tế làm việc từ 7 giờ kém 15 phút buổi sáng đến 5 giờ chiều là quá sức với họ. một nhân viên phòng thí nghiệm lẽ ra chỉ phục vụ tối đa 28 lớp (trường loại I) thì Nguyễn Gia Thiều có tới 46 lớp”, thầy Đại nói.

Tiềm ẩn nguy cơ loạn thu trong trường học ảnh 2
Học sinh trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Chờ mong tài thu vén và lương tâm của hiệu trưởng

Tuy nhiên, thầy Đại và nhiều hiệu trưởng khác đều thừa nhận, định suất chi ngân sách cho giáo dục của Hà Nội thuộc diện cao so với các địa phương khác trong cả nước nên các trường khó có thể yêu cầu nhiều hơn.

Nguồn có thể thu tăng là học phí nhưng, hơn mười năm nay, mức học phí không thay đổi. Trong khi đó, so với mười năm trước, các hoạt động phục vụ dạy học ngày càng nhiều và hoạt động nào cũng cần có tiền để tổ chức.

Đơn cử, so với trước, đề kiểm tra hiện nay phần nhiều là đề trắc nghiệm, rất dài và phải phát mỗi học sinh một bản. Để làm được điều này, cần phải có tiền photo. Hoặc điện thắp sáng, trước đây mỗi phòng học chỉ có hai bóng đèn thì nay là 10 bóng. Hoặc như hiện nay trường nào cũng có hàng chục máy tính, thiết bị mười năm trước hoàn toàn vắng bóng trong trường học.

Định suất chi ngân sách cho các trường học của Hà Nội

Dù các khoản thu thì theo các quy định trước khi mở rộng địa giới hành chính nhưng định suất chi ngân sách thì các trường thuộc Hà Tây cũ đều được nâng lên ngang bằng các trường thuộc Hà Nội cũ. Cụ thể:  

Tiềm ẩn nguy cơ loạn thu trong trường học ảnh 3

Một lãnh đạo trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân so sánh: “Học phí một tháng của học sinh cấp THPT chỉ bằng tiền mua hai bát phở loại rẻ nhất và chưa bằng tiền học một ca hai tiếng mà một học sinh phải đóng tại các trung tâm học thêm”.

Vì thế, ở những năm học trước, nhiều trường phải thu thêm những khoản mà theo quy định là không được phép thu như tiền điện, tiền trông xe, tiền vệ sinh lớp học...

Một hiệu trưởng trần tình: “Năm ngoái, một học sinh trường tôi bị mất xe. Không thể bắt đền bảo vệ được vì, về danh chính ngôn thuận, bảo vệ chỉ phải chịu trách nhiệm trông giữ tài sản của nhà trường. Năm nay, trường phải thuê thêm bảo vệ để họ trông xe cho học sinh (có phát/thu vé khi xe ra, vào) và không còn cách nào khác là phải thu tiền của các em”.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT, chủ trương của thành phố là đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đạt cơ cấu tối thiểu 20/80 (hoạt động dạy học/lương giáo viên). Nhưng do ngân sách giao ổn định trong ba năm, còn mức lương tối thiểu trong ba năm qua tăng liên tục (từ 350.000 đồng lên 650.000 đồng). Do đó thành phố chỉ đáp ứng được đủ lương.

Còn khoản cấp cho hoạt động dạy học vẫn chỉ giữ nguyên như năm 2007. Do vậy, thực tế cơ cấu chi trong trường học hiện nay không thể đạt tỷ lệ 20/80.

“Khoản tiền được cấp đủ cho các trường hoạt động hay không, câu hỏi này rất khó trả lời. Nếu hiệu trưởng khéo tính toán, tổ chức các hoạt động ở mức độ vừa phải thì đủ. Còn nếu tổ chức nhiều hoạt động thì chắc chắn là thiếu”, bà Mai lo ngại.

Tuy nhiên, theo một cán bộ quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngành giáo dục, tình trạng thiếu tiền cho các hoạt động, dẫn đến lạm thu thường xảy ra ở các đơn vị quá tích cực.

“Trường thích tổ chức nhiều hoạt động, muốn khang trang để gây dấu ấn mạnh mẽ với học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội thì phải chấp nhận thu thêm của học sinh. Tổ chức hoạt động tốt, thu chi minh bạch thì không sao. Dở và mập mờ thì phụ huynh có ý kiến, lợi bất cập hại”.

Cũng theo vị cán bộ này, một kinh nghiệm nữa để trường tránh tình trạng lạm thu là cần biết cân đối tài chính. Những khoản chi lớn (mua sắm thiết bị, đầu tư sửa chữa lớn) nên có kế hoạch, lập dự toán xin cấp trên để không phải dùng đến tiền chi thường xuyên. Nếu trường lấy khoản chi thường xuyên chi cho các khoản này thì tiền vơi rất nhanh, dẫn đến việc không có tiền cho các hoạt động thiết yếu trong chuyên môn và buộc phải tìm cách thu của học sinh. 

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.