Tin hot giáo dục: Bỏ biên chế giáo viên mới chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT

TPO - Bỏ biên chế giáo viên mới chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT; còn 138.800 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp; từ 2017, các trường được phép tuyển sinh quanh năm và Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là những thông tin giáo dục nổi bật nhất trong tuần qua.

Còn 138.800 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp

Cả nước hiện có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 8.300 người so với quý 4/2016. Trong đó, điểm đáng lưu ý là nhóm có trình độ đại học trở lên thất nghiệp đạt 138.000 người, giảm mạnh so với quý 4/2016.

Đây là kết quả Khảo sát của Bản tin thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê vừa công bố.

Theo thống kê của Bản tin thị trường lao động Việt Nam, quý 1/2017, cả nước có 1.101.700 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 8.300 người so với quý trước đó, tuy nhiên vẫn tăng 29.500 người so với quý cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động giảm nhẹ, còn 2,3%. (Xem chi tiết tại đây)

Bỏ biên chế giáo dục mới chỉ là đề xuất

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng đây mới là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội nghị trung ương 6 sẽ xem xét vấn đề này.

Đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chiều 15/6, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu chất vấn về vấn đề chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng, đang được quan tâm nhiều trong thời gian qua, ra sao? 

Về việc này, Phó Thủ tướng cho biết, đề xuất nghiên cứu bỏ biên chế, ký hợp đồng với viên chức, cơ quan đề xuất nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. (Xem chi tiết tại đây)

Từ 2017, được phép tuyển sinh quanh năm

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay là năm thứ ba trong quá trình đổi mới thi THPT quốc gia. Thí sinh đăng ký xét tuyển sớm hơn hai năm trước. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong tổng số 866.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia có gần 73.9% thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH.

Trong số đó, có 50% chỉ đăng ký từ 1 – 3 nguyện vọng (có 13%  trong số này chỉ  đăng ký 1 nguyện vọng), 30% đăng ký 3-5 nguyện vọng. Từ 6-10 NV là 18%. Như vậy  có 98% thí sinh  đăng ký từ 1-10 nguyện vọng.  2% thí sinh còn lại đăng ký từ  11 nguyện vọng trở lên trong đó, có 0.3% đăng ký trên 15 nguyện vọng, có 1 thí sinh đăng ký nhiều nhất là 48 nguyện vọng. (Xem chi tiết tại đây)

Thủ tướng ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Hội đồng có 6 tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban giáo dục mầm non, Tiểu ban giáo dục phổ thông, Tiểu ban giáo dục đại học, Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp, Tiểu ban phát triển nhân lực, Tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời.

Theo quy chế, Hội đồng họp toàn thể định kỳ 6 tháng một lần, họp chuyên đề 3 tháng một lần, khi cần thiết có thể tổ chức họp đột xuất do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tham gia vào các hoạt động chung của Hội đồng, thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về công tác được phân công.
Ý kiến tư vấn, đề xuất của Hội đồng được thảo luận tập thể và do Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định.

Đối với chủ trương và chính sách quan trọng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quyết định mở rộng thành phần mời họp Hội đồng.

Đối với những đề án, chương trình trọng điểm, Hội đồng giao cơ quan thường trực của Hội đồng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà báo, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trước khi đưa ra Hội đồng thảo luận.

Hội đồng tổ chức họp bằng các hình thức: Họp tập trung, họp trực tuyến, họp chuyên đề với các tiểu ban chuyên môn; lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng bằng văn bản hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 26 thành viên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực là tổ chức tư vấn, có nhiệm vụ tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết về sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực; chỉ đạo hoàn thiện và triển khai các Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, các chiến lược phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.