Tin hot giáo dục: Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên

Tin hot giáo dục: Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên
TPO - Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng, Hiệu phó trường Nam Trung Yên; Bộ GD&ĐT nói gì việc điều chuyển 26000 giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non hay Cử nhân không viết nổi một cái đơn là những tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua.

Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên


Bà Tạ Thị Bích Ngọc - nguyên Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương - nguyên Hiệu phó trường tiểu học Nam Trung Yên bị khai trừ Đảng vì thiếu trung thực trong vụ tai nạn của học sinh Trần Chí Kiên.

Theo đó, Thường trực Quận ủy nhận được Báo cáo số 37/BC-UBND của UBND quận Cầu Giấy về việc xử lý cán bộ vi phạm trong việc học sinh bị tai nạn tại trường Tiểu học Nam Trung Yên và đề nghị xử lý kỷ luật Đảng đối với đảng viên Tạ Thị Bích Ngọc và đảng viên Nguyễn Thị Hương.

Ngày 22/2/2017, Thường trực Quận ủy Cầu Giấy đã ký Thông báo số 111-TB/QU, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm điểm, xử lý kỷ luật Đảng viên liên quan đến vụ tai nạn tại Trường tiểu học Nam Trung Yên ngày 1/12/2016 đối với đồng chí Tạ Thị Bích Ngọc - Bí thư chi bộ, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên và đảng viên Nguyễn Thị Hương, nguyên Hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên.

(Xem chi tiết tại đây

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vụ việc Nam Trung Yên không hề nhỏ

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra hôm 1/3, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vụ việc Trường tiểu học Nam Trung Yên là trường hợp cá biệt, rút kinh nghiệm cho ngành giáo dục.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã cảm ơn báo chí quan tâm vụ việc hết sức cá biệt, nhưng cũng rất đáng tiếc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua. Có thể nói, vụ việc này là cá biệt, nói là nhỏ nhưng cũng không hề nhỏ, vì động chạm đến đạo đức của người thầy. Việc này thu hút sự quan tâm rất lớn của các gia đình, các cháu học sinh, dư luận, ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, lòng tin với người thầy.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có thái độ cương quyết xem xét làm rõ vi phạm của Hiệu trưởng, Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Đã có hình thức thi hành kỷ luật đối với Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương.

Sau khi có kết luận kiểm tra và thông báo kỷ luật, dư luận rất đồng tình, gia đình học sinh đồng tình về cách xử lý quyết liệt minh bạch của lãnh đạo Thành phố.

(Xem chi tiết tại đây)

Tin hot giáo dục: Khai trừ Đảng nguyên Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên ảnh 1

Học sinh gãy chân ở trường Nam Trung Yên bị thương tật 32%

Chiều 2/3, trao đổi với phóng viên, anh Trần Chí Dũng, bố cháu Trần Chí Kiên, học sinh bị taxi đâm gãy chân trong sân trường Tiểu học Nam Trung Yên cho biết, kết quả giám định thương tật của cháu Kiên được xác định là 32%.

Anh Trần Chí Dũng cho hay, bên Phòng Cảnh sát hình sự bước đầu thông báo cho gia đình 3 vấn đề. 

Thứ nhất, cháu Kiên bị tai nạn trong sân trường, bị taxi đâm phải. Thứ hai, tỷ lệ thương tật của cháu là 32%. Thứ ba, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, cô Hiệu trưởng, Hiệu phó có mặt trên xe taxi gây tai nạn.

Cũng theo anh Dũng, đó mới chỉ là thông báo ban đầu: “Khi cơ quan điều tra chính thức có kết luật điều tra, gia đình sẽ căn cứ vào đó để có các quyết định tiếp theo”- anh Dũng cho hay.

Anh Dũng nói, quan điểm của gia đình ngay từ đầu là đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của các cá nhân liên quan, ai có lỗi đến đâu phải chịu hình thức xử lý phù hợp.

(Xem chi tiết tại đây)

Điều chuyển 26.000 giáo viên: Chỉ là giải pháp tình thế

 Một trong những vấn đề nóng ngành giáo dục ưu tiên giải quyết là xử lý số lượng lớn các giáo viên phổ thông bị dôi dư trên toàn quốc với con số khoảng 26.000 giáo viên. Câu hỏi đặt ra đây là một chỉ đạo nhân văn hay chỉ là sai từ phía Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế mà Bộ bắt buộc phải đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên thiếu tính toán ở một số địa phương.

Một nguyên Vụ trưởng của một Vụ GD&ĐT nhận định, việc điều chuyển này chưa thực sự chuẩn. 

(Xem chi tiết tại đây)

Bộ GD&ĐT nói gì việc điều chuyển 26000 giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non

Ngày 3/3, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi những ý kiến về việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy bậc học mầm non.

(Xem chi tiết tại đây)

Cử nhân không viết nổi cái đơn, vì sao?

Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản, chẳng hạn như thảo một cái đơn hay công văn, nhưng nhiều kỹ sư, cử nhân mới ra trường vẫn rất yếu. Trước thực trạng này các trường đại học (ĐH) đang tìm các giải pháp để hỗ trợ sinh viên, giúp sinh viên thích ứng nhanh hơn với thị trường lao động.

Tại hội thảo khoa học quốc gia đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm do trường ĐH Thương mại tổ chức hôm qua,  vấn đề việc làm cho sinh viên được đưa ra bàn luận và tìm hướng giải quyết. 

Theo ThS. Nguyễn Duy Đạt, trường ĐH Thương mại, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn đối với người sử dụng lao động. Phần lớn người sử dụng lao động cho rằng, việc tuyển dụng lao động là một thách thức vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp.

“Cá nhân tôi có hay phỏng vấn các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, họ cho biết : Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản chỉ cần đạt ở mức độ vừa phải thì sinh viên của chúng ta lại rất yếu, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian... Có sinh viên không thể viết được một cái đơn theo yêu cầu. Đây là điều rất đáng lo ngại” – ông Đạt khẳng định. 

Trong khi đó, ông Đạt cho hay, nhiều sinh viên cũng đã nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng, họ tự tìm kiếm các trung tâm đào tạo kỹ năng ở bên ngoài để học tập. “Nếu các trường làm tốt được công việc này thì sẽ rất tốt cho sinh viên” – ông Đạt cho hay.

Ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, là đơn vị sử dụng lao động nhưng thấy sinh viên các trường đào tạo ra na ná giống nhau, không có bản sắc riêng của mỗi trường. “Ví dụ cùng đào tạo kinh tế, thì ĐH Thương mại sinh viên học xong phải có yếu tố nào đó mà ĐH Ngoại thương không có, hoặc ngược lại. Có như thế mới biết từng trường đang đứng ở đâu” – ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, sinh viên Việt Nam thực tập 3 tháng là quá ít. “Thời gian ngắn, sinh viên lao vào công việc thì ít, đầu óc thì lười. Vì sao doanh nghiệp nước ngoài họ làm được chuyện là tạo môi trường làm việc cho sinh viên? Vì họ xây dựng được vị trí việc làm thực sự. Sinh viên đến thực tập như đi làm, được trả lương. Còn doanh nghiệp của chúng ta nhận sinh viên đến thực tập nhiều khi vì nể” – ông Bình khẳng định.

(Xem chi tiết tại đây)

MỚI - NÓNG