TPHCM: Dạy thêm học sinh của mình sẽ bị đuổi việc

Quy định vi phạm về dạy thêm, học thêm sẽ bị đuổi việc khiến nhiều giáo viên bị sốc.
Quy định vi phạm về dạy thêm, học thêm sẽ bị đuổi việc khiến nhiều giáo viên bị sốc.
TP - Giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa trong bất cứ trường hợp nào đều bị Sở GD & ĐT TPHCM kỷ luật đuổi việc. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều trường băn khoăn việc cấm dạy thêm học thêm sẽ làm giảm chất lượng, thiếu công bằng với giáo viên…

Đó là nội dung tại buổi làm việc ngày 31/8 giữa Ban Văn hóa Xã hội của HĐND TPHCM với Sở GD&ĐT TPHCM về quản lý việc dạy thêm, học thêm.

Cấm dạy thêm, chất lượng sẽ giảm?

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Tân Túc, Bình Chánh nói, dù còn nhiều băn khoăn nhưng khi có lệnh cấm của cấp trên thì phải nghiêm túc thực hiện. Theo bà chất lượng đầu vào của trường khá thấp, nhiều thầy cô muốn giúp học sinh trả bài, hiểu bài cũng không có thời gian bởi chương trình học hiện nay quá nặng trong khi thi cử lại đánh đố.

 “Nhiều người nói giáo viên dạy thêm là vụ lợi cá nhân, bản thân tôi không đồng ý. Như trường tôi, giáo viên mới ra trường cộng trừ tất cả các khoản thì lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Còn dạy thêm tại trường thì mỗi tháng cũng tối đa thêm 3 triệu đồng. Cộng cả hai khoản thì thu nhập của giáo viên cũng chưa đầy 6 triệu đồng”, bà Chương nói. 

Ngoài ra, bà Chương còn trăn trở về việc quản lý dạy thêm học thêm bởi nếu dạy thêm trong nhà trường còn quản lý được chứ giờ để giáo viên ra ngoài dạy thêm thì rất khó quản lý. “Tôi không muốn cùng với chính quyền địa phương đi tìm hay đến tận nhà giáo viên lập biên bản dạy thêm sai quy định”- bà nói và cho biết cấm dạy thêm học thêm sẽ gây biến tướng, thậm chí là có sự phân biệt giàu nghèo giữa các học sinh. Do đó, cấm nhưng cần có lộ trình.

“Trong báo cáo của Sở GD&ĐT chỉ có 10% dạy thêm, học thêm biến tướng, tại sao chúng ta không quản lý mà chỉ vì 10% này lại đi cấm, làm ảnh hưởng đến những người còn lại…?” 

Bà Nguyễn Thị Tú, đại biểu HĐND TPHCM

Ông Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng trường THPT Lê Minh Xuân, Bình Chánh bày tỏ quan điểm: “Như trường tôi có khoảng 60 giáo viên dạy thêm thì có khoảng 1-2 giáo viên o ép học sinh phải đi học. Với những trường hợp này chúng tôi quản lý rất chặt, không thể vì 1- 2 giáo viên này mà cấm dạy thêm học thêm làm ảnh hưởng đến gần 60 giáo viên còn lại”.

Ngoài ra, ông Tòng còn băn khoăn vì nếu cấm dạy thêm học thêm ngay lúc này sẽ làm cho chất lượng giảm sút. “Trường chúng tôi dạy học 2 buổi/ ngày, không dạy thêm nhưng vì nhu cầu, học sinh vẫn đi học thêm. Việc thi cử như hiện nay, nếu không đi học thêm, học sinh của trường giỏi lắm cũng chỉ làm được 6- 7 điểm”, ông Tòng nói. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình cho rằng, với đề thi THPT như năm 2016, nếu học sinh của trường không học thêm thì giỏi lắm cũng chỉ làm được đến 6- 7 điểm. Theo ông Hòa chuyện đậu tốt nghiệp, đại học là chuyện tương lai của một con người chứ không còn là chuyện của thành tích.

Chỉ 10% biến tướng, sao cấm tất cả?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hiện nay TP có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa; hơn 190.000 học sinh trung học đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học thêm bên ngoài nhà trường.

 “Nguyên nhân dạy thêm học thêm có hai dạng. Thứ nhất, do xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh để đáp ứng yêu cầu của thi cử và kiến thức, số này chiếm đa số. Bên cạnh đó, sĩ số học sinh hiện nay còn cao, một giáo viên giỏi cỡ mấy cũng không thể truyền đạt hết kiến thức đến từng em và cho các em tập luyện được. Thứ hai, là do biến tướng từ dạy thêm, xuất phát từ một số tiêu cực như o ép học sinh... nhưng số này chỉ chiếm khoảng 10%”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết Sở sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về ngưng dạy thêm. Trong thời gian chờ điều chỉnh, Sở không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường. Giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc.

“Hiệu trưởng cũng chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc giáo viên ép buộc học sinh tham gia học thêm”, ông Hiếu nói và cho biết Sở ngừng cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm trong trường đồng thời phối hợp với các quận huyện thanh kiểm tra nhằm chấm dứt dạy thêm sai quy định. 

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn khẳng định, tất cả các hoạt động dạy học ngoài giờ học chính trong nhà trường được xem là dạy thêm. Ông Sơn thừa nhận, không có cơ sở vật chất nào cho việc dạy thêm tốt hơn ở trong trường nên việc các trung tâm bên ngoài tổ chức dạy thêm gây nhiều băn khoăn. Chấm dứt dạy thêm và học thêm trong trường là cần thiết.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, việc cấm dạy thêm, học thêm theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là phù hợp. 

“Tuy nhiên, điều chúng ta lo lắng là tác động của dư luận cả tích cực và chưa được. Vì thế, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý cho cán bộ giáo viên; ổn định tâm lý, tuyên truyền mục đích, mục tiêu trong về việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho phụ huynh, học sinh để tạo được sự đồng thuận, mong muốn thầy cô giáo hướng dẫn kỹ năng tự học cho các em…”- bà Nhung nói.

MỚI - NÓNG