TPHCM dự chi 251 tỷ 'níu chân' giáo viên mầm non: Sự thật phũ phàng

Thu nhập thấp, áp lực công việc cao là một trong những nguyên do khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ việc.
Thu nhập thấp, áp lực công việc cao là một trong những nguyên do khiến nhiều giáo viên mầm non bỏ việc.
TPO - Nhiều trường mầm non công lập tại TPHCM dù thiếu giáo viên nhưng nhiều lần đăng tuyển không được. Đã thế, 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn thành phố có hơn 1.000 giáo viên mầm non bỏ việc. Sự thực về lí do khiến nhiều giáo viên phải 'dứt áo' bỏ trường đã dấy lên những bất ổn phũ phàng của nghề trông trẻ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, toàn TP hiện có 1.100 trường mầm non công và ngoài công lập, hơn 1.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Trong đó có hơn 3.000 nhóm nhà trẻ và hơn 10.000 lớp mẫu giáo với tổng số giáo viên gần 23.000 người.

Thiếu hơn một vạn giáo viên mầm non

Theo yêu cầu của thông tư 6/2015 của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ giáo viên mầm non/nhóm, lớp là 1,5, trong khi tỷ lệ này của TPHCM chỉ đạt từ  0,5 đến 1,0 giáo viên/lớp.

Nếu đáp ứng được quy định số trẻ/nhóm, lớp trong quy định thì số giáo viên còn thiếu lên đến 11.014 người, khối công lập còn thiếu đến 3.319 giáo viên. 

Dù thiếu hụt giáo viên nhưng việc tuyển dụng hiện vô cùng khó khăn, nhiều nơi thông tin tuyển liên tục nhưng vẫn không tuyển ra giáo viên mầm non. Cụ thể, năm học 2014- 2015, TP có nhu cầu tuyển 1.837 giáo viên nhưng chỉ có tuyển được 1.335 người và thiếu 502 người.

Năm học 2015- 2016, nhu cầu tuyển là 1.675 người nhưng chỉ tuyển được 1.304 người, đặc biệt năm 2016- 2017, nhu cầu tuyển đến 2.383 người song chỉ tuyển được 1.760 người và còn thiếu đến hơn 600 người…

Đáng nói hơn, việc giáo viên mầm non bỏ việc, nghỉ việc ngày một gia tăng, trung bình mỗi năm khoảng 1.046 người.

TPHCM dự chi 251 tỷ 'níu chân' giáo viên mầm non: Sự thật phũ phàng ảnh 1
Lương không đủ sống, nhiều giáo viên bỏ công sáng tư

Theo khảo sát, nhiều giáo viên ở bậc mầm non ra trường thu nhập chỉ hơn 2,2 triệu đồng, nhiều trường hợp tăng tiết hay phụ cấp thêm thì cũng trên dưới 3 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập này là rất khó để cho giáo viên mầm non trang trải trong cuộc sống, đặc biệt khi đã có gia đình thì lại càng khó khăn hơn.

Chị Nguyễn Thị G., hiện là giáo viên mầm non của một trường tư thục ở quận Tân Bình cho biết, ra trường chị xin vào dạy hợp đồng cho một trường mầm non công lập trong quận, nhưng sau gần 2 năm chị phải nghỉ ở đây để xin ra ngoài đi dạy vì thu nhập không đủ sống.

Theo chị G., lương lúc đó mới ra trường của chị chưa được 2 triệu, công thêm các khoản khác thì lên gần 2,5 triệu/ tháng. Công việc bắt đầu hàng ngày của chị từ 6h30 bắt đầu đón trẻ cho đến 17h. “Qủa thật, với thu nhập như thế tôi sống rất khó khăn. Nhiều lúc, bản thân cũng nghĩ đến đi làm thêm nhưng không đủ thời gian lẫn sức khỏe nên đành chắt bóp chi tiêu”, chị G. kể.

Sau đó một thời gian, chị G. quyết định xin nghỉ ở trường mầm non công lập và chuyển sang một trường dân lập khác với mức lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng.

Thời gian làm việc dài, cường độ làm việc cao

Ngoài thu nhập thấp thì áp lực công việc cao và tuyển dụng theo hộ khẩu, KT3 cũng là một nguyên nhân dẫn đến TPHCM thiếu giáo viên mầm non. Cụ thể, theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, thời gian làm việc của GVMN/ngày rất lớn, cường độ làm việc quá cao.

Trung bình mỗi GVMN cần dành 10 giờ /ngày để thực hiện được các yêu cầu của chăm sóc, giáo dục trẻ và nhiệm vụ quản lý nhóm, lớp (do đặc thù công việc giáo viên phải đi sớm 1 giờ để làm vệ sinh lớp từ phòng sinh hoạt đến phòng vệ sinh trẻ hàng ngày lau 3 lượt, vệ sinh đồ dùng cá nhân trẻ hằng ngày, chuẩn bị đón trẻ… và về trễ 1 giờ trả trẻ …)

Ngoài ra, áp lực công việc còn tăng thêm khi GVMN còn phải tham gia thường xuyên các hoạt động khác, trung bình GVMN cần dành thêm khoảng 2giờ/ngày để thực hiện (làm đồ dùng, đồ chơi, chuẩn bị giáo án… phục vụ các hoạt động giáo dục)

Tổng cộng: GVMN cần khoảng 10 - 12 g/ngày để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Rõ ràng áp lực công việc quá lớn đối với người GVMN, nhất là khi giáo viên đó có con nhỏ, cần được người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.

Trong khi quy định của Bộ GD&ĐT về chế độ làm việc đối với GVMN dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần...

Về nguồn nhân lực, mỗi năm TP có hơn 2.600 sinh viên sư phạm tốt nghiệp từ hệ trung cấp đến ĐH trong khi số lượng sinh viên ngành mầm non nhập học hằng năm đến trên dưới 5.000 em. Trong số 2.600 sinh viên tốt nghiệp thì chỉ có khoảng 30% em có hộ khẩu tại TP. Như vậy, nếu TP tuyển hết số lượng sinh viên được đào tạo thì nguồn tuyển vẫn hạn chế bởi riêng năm 2016- 2017, TPHCM có nhu cầu tuyển hơn 2.300 giáo viên mầm non.

Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT TPHCM có theo tờ trình gửi HĐND TP đề xuất hàng loạt giải pháp từ khâu đào tạo đến thực tế công tác.

Cụ thể, Sở đề xuất cần bổ sung số giáo viên/lớp đủ theo quy định bằng việc cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, sử dụng ngân sách TP để chi trả, điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho giáo viên bằng cách hỗ trợ để khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn cao; nâng mức hỗ trợ thêm 35% tiền lương do tính chất công việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên (tăng 10%). Tổng kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non hằng năm là hơn 251 tỉ đồng/năm.

Ngoài ra, Sở cũng đề xuất nhiều giải pháp khác như có cơ chế tuyển dụng giáo viên mầm non không gắn với yêu cầu hộ khẩu TP; TP cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non (cả học phí và chi phí sinh hoạt).

Sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở mầm non công lập ở TP và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác.

MỚI - NÓNG