Lần đầu tiên Việt Nam giành 3 HCV Olympic Vật lý:

Trò nghèo làm rạng danh đất nước

Các bạn trẻ chia vui với thí sinh giành huy chương Vàng Olympic Vật lý Ảnh: Nguyễn Hà
Các bạn trẻ chia vui với thí sinh giành huy chương Vàng Olympic Vật lý Ảnh: Nguyễn Hà
TP - Chiều 22/7, Đội tuyển Quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 45 tại Kazakhtan về đến sân bay Nội Bài với chiến thắng vang dội 3 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB). Đáng chú ý, đa số học sinh đoạt giải cao đều là con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Thế Khôi, Trưởng đoàn Olympic Vật lý quốc tế cho biết, cuộc thi có 85 đoàn tham gia với khoảng 380 thí sinh. 

Đoàn Việt Nam có 5 thí sinh thì có đến 3 HCV, 2 HCB. Vũ Thanh Trung Nam, học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam là thí sinh nhỏ tuổi nhất đoạt HCV. Riêng thí sinh đạt giải vàng Cao Ngọc Thái, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An) có điểm thành tích cao đứng thứ 3 thế giới.

Đặc biệt, Đỗ Thị Bích Huệ, trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên bên cạnh đạt HCV còn giành cú đúp 2 giải thưởng danh giá: Nữ sinh châu Á đạt giải thưởng cao nhất của Hiệp hội Vật lý châu Á và giải Nữ sinh đạt giải cao nhất toàn cuộc thi.

Với chiến thắng này, Huệ là nữ sinh thứ 2 của Việt Nam đạt HCV (sau Nguyễn Thị Phương Dung đạt HCV năm 2005).

Trò nghèo làm rạng danh đất nước ảnh 1

Đỗ Thị Bích Huệ được mẹ đón tại sân bay 
Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Quý Trung

Đào Phương Khôi tuy mới chỉ giành HCB nhưng là thí sinh có điểm số cao nhất trong số người đạt giải bạc. Đứng sau Khôi là Phạm Nguyễn Tuấn Anh, trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM.

Ông Khôi nhấn mạnh, lần này, Việt Nam là 1 trong 6 đoàn giành cùng lúc 3 HCV. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có 3 thí sinh cùng lúc đạt HCV ở kỳ thi quốc tế. Trong khi đó, có nhiều đoàn chỉ đạt giải thấp, thậm chí không có giải.

Phát biểu chúc mừng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nói: “Với chiến thắng này, Việt Nam khẳng định màu cờ sắc áo tại sân chơi trí tuệ quốc tế. Các em đã mang vinh quang về cho gia đình, nhà trường, đất nước, là niềm tự hào của
dân tộc”.

Bố lái xe, mẹ bán thịt bò, con HCV Vật lý quốc tế

Ngồi phòng chờ đón con gái, ông Đỗ Đức Vĩnh, bố thí sinh Đỗ Thị Bích Huệ, không giấu nổi sự thấp thỏm. Dõi ánh mắt về phía cửa, ông chia sẻ: “Biết tin con đạt giải cao, 2 vợ chồng hồi hộp không ngủ được mấy hôm nay”. Ngày con trở về, cả gia đình nghỉ việc để đi đón. Ông cho hay, việc học ở nhà hay ở lớp đều do Huệ tự ý thức, nỗ lực vươn lên. 

Bố làm nghề lái xe thuê, mẹ bán thịt bò ngoài chợ không có điều kiện bảo ban việc học hành. Ấy nhưng, Huệ lại có niềm đam mê sách vở, luôn là học sinh giỏi trong các kỳ thi. “Cứ về nhà là ôm sách và đeo tai nghe vừa học vừa hát tiếng Anh, bố mẹ chẳng hiểu gì”, ông kể với ánh mắt lấp lánh tự hào. Năm 2014, Huệ giành giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và giải Nhì kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

Người đàn ông đen đúa vì nắng gió miền trung Cao Ngọc Hà ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), bố của thí sinh Cao Ngọc Thái, lại tỏ ra không mấy sốt ruột khi đứng một góc xa đợi con. Ông thổ lộ: “Thái xa nhà tự lập với cuộc sống từ bé nên tôi thường xuyên dõi theo con từ phía xa. Nhưng tôi hoàn toàn yên tâm về con”.

Thái thi đỗ vào trường chuyên THPT Phan Bội Châu, trường xa nhà 40 km, nên bố Thái từng ngăn cản con vì sợ con sẽ bị bạn bè xấu lôi kéo. Nhưng Thái đã trấn an gia đình bằng những thành tích vượt bậc trong trường, và các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Trò nghèo làm rạng danh đất nước ảnh 2

Các thí sinh đoạt huy chương vàng Vật lý quốc tế được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Nguyễn Hà

Trở về sau chiến thắng, Cao Ngọc Thái khiêm tốn chia sẻ, “dù đạt HCV và điểm thành tích đứng thứ 3 thế giới nhưng đây mới chỉ là thành công bước đầu, em còn phải cố gắng nhiều”.

Thái là con đầu trong gia đình 2 anh em, mẹ làm nghề nông, bố lái xe tải. Trả lời câu hỏi “động lực nào khiến em dành được kết quả cao như hôm nay?”, Thái quả quyết, “gia đình nghèo nhưng từ bé bố mẹ dành tất cả thời gian cho em học, luôn coi việc học của em là nhất nên em ý thức được học là việc quan trọng”. 

Ngoài ra, người thầy trực tiếp dạy dỗ, dìu dắt Thái cũng chính là người truyền đam mê môn học. “Em học từ thầy sự cần cù, tập trung, biến khó khăn thành hành động và lấy động lực làm nấc thang bước tiếp”, Thái chia sẻ.

MỚI - NÓNG