Trường ĐH, Sở GD&ĐT nói gì về phương án thi THPT quốc gia 2018

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.
TPO - Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn chính thức về việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy từ năm 2018. Trong đó, Bộ khẳng định từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017. Ngay lập tức, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đã lên tiếng bày tỏ quan điểm trước quyết sách của Bộ cũng như đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết của mình cho phương án thi 2018.

Phù hợp với lộ trình cải cách, đổi mới giáo dục phổ thông

Nhận xét về phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng: Bộ GD&ĐT công bố phương án tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018 là phù hợp với lộ trình cải cách, đổi mới giáo dục phổ thông. Đây là một quyết định kịp thời, đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội nói chung.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, phương án thi năm 2018 có 2 vấn đề rất đáng quan tâm. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

“Có thể nói, Bộ đã đặt vấn đề rất đúng và trúng. Và nhìn một cách tổng thể, phương án thi năm 2018 đã đặt ra các vấn đề “nóng” cần giải quyết như: Tính ổn định của kỳ thi, rà soát, qui hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên,…”, ông Triệu phân tích.

Điều đó cho thấy, Bộ GD&ĐT đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, các trường đại học, phổ thông, các em học sinh và dư luận xã hội.

Cũng theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Bộ đã xây dựng được phương án thi ổn định cho 3 năm. Đây là điều mà xã hội rất quan tâm và mong mỏi. Mặt khác, với việc thông báo phương án thi sớm ngay từ đầu năm học, sẽ tạo được tâm lý thoải mái cho các trường và các em học sinh.

Từ đó, các trường chủ động hơn trong việc dạy, học và bồi dưỡng học sinh, còn học sinh sẽ có kế hoạch học tập để chọn “điểm rơi” tốt nhất.

Môn thi tổ hợp đảm bảo tính bao phủ

Ghi nhận những kết quả tích cực của việc đổi mới phương thức tuyển sinh, GS.TS Phạm Văn Lình - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho rằng, khâu xét tuyển của kỳ thi THPT quốc gia đã hạn chế được những bất cập, đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh nhất là thí sinh có điểm thuộc nhóm cao. Môn thi tổ hợp, giúp rút ngắn thời gian cho kỳ thi nhưng vẫn đảm bảo được tính bao phủ.

“Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng trong việc xác lập các tổ hợp xét tuyển, cũng như các trường xây dựng tiêu chí phụ trong xét tuyển thì phương án một bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn là phù hợp hơn” - ông Lình nhấn mạnh.

Cho rằng cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, GS.TS Phạm Văn Lình đề xuất, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để từng bước tiến tới xét công nhận tốt nghiệp THPT và dành nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, đối với chính sách xét tuyển thẳng, nên xem xét lại chính sách xét tuyển thẳng cho các thí sinh thuộc các huyện nghèo để sinh viên tốt nghiệp quay về phục vụ địa phương.

“Cho phép các trường xây dựng tiêu chí riêng mang tính đặc thù để đảm bảo chất lượng đào tạo cho một số ngành; việc xét cử học sinh diện xét tuyển thẳng vào các trường do UBND các tỉnh phụ trách, đồng thời tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí để sau tốt nghiệp sinh viên về phục vụ cho huyện nghèo; chỉ tiêu xét tuyển thẳng không nằm trong chỉ tiêu mà trường tự xác định”, ông Lình chia sẻ.

Chuẩn hóa đề để phân loại thí sinh tốt hơn

Khẳng định cần tạo sự ổn định cho kỳ thi, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, năm 2017 kỳ thi THPT quốc gia đã đổi mới căn bản về phương thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực, vì vậy, ông ủng hộ chủ trương tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017.

“Phương án thi năm 2017 vừa đảm bảo tính toàn diện vừa phát huy được năng lực, sở trường của từng học sinh. Kết quả bài thi tổ hợp cũng đã được tách ra kết quả các môn thành phần phục vụ rất tốt cho xét tuyển đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng đã làm quen việc hướng dẫn học sinh làm bài thi tổ hợp trên cơ sở cách thi truyền thống như mọi năm nên không có thay đổi quá lớn” - ông Tường cho hay.

Liên quan đến quy định giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017, theo ông Nguyễn Minh Tường, mỗi môn thành phần thí sinh có đề riêng biệt sẽ đỡ nhầm lẫn trong lúc làm bài.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh, điều quan trọng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không phải là việc tổ chức lại bài thi tổ hợp, mà chỉ cần điều chỉnh một số mặt về kỹ thuật để phương án thi hoàn thiện hơn.

Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện khâu ra đề thi, chuẩn hóa ngân hàng đề thi để có khả năng đánh giá chính xác trình độ và phân loại thí sinh, nhất là tăng mức độ khó và đòi hỏi tư duy cao hơn đối với câu hỏi ở mức độ vận dụng cao.

MỚI - NÓNG