Bàn giao hồ sơ dự thi ĐH, CĐ khu vực phía Bắc năm 2006:

Trường tốp 1 "hạ giá", tốp giữa lên ngôi

Trường tốp 1 "hạ giá", tốp giữa lên ngôi
Đó là ghi nhận của PV tại cuộc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi, đĩa dữ liệu và lệ phí tuyển sinh của 29 Sở GD-ĐT với hơn 100 trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc diễn ra ngày hôm qua (6/5).
Trường tốp 1 "hạ giá", tốp giữa lên ngôi ảnh 1
Các Sở đã chuẩn bị sẵn biên bản bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường. Phía trường chỉ việc nhận, kiểm và ký. Ảnh : Quí Hiên.

Đây là công tác thường niên chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh. Trên cơ sở tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự tuyển này, nhiều nhà chuyên môn trong ngành cho rằng: Mùa thi đại học, cao đẳng năm nay, phần lớn các thí sinh đã tự lượng sức mình khi chọn trường cũng như nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trong xã hội.

Các trường tốp 1 hạ giá

Mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng theo đánh giá của các địa phương trong cả nước, lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay đều tăng so với năm trước. Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và thậm chí cả những tỉnh vùng sâu vùng xa như Lào Cai, số hồ sơ đều tăng.

Tại Bắc Giang lượng hồ sơ dự thi tăng 15% so với năm trước, Nam Định tăng 10%. Theo nhiều nhà chuyên môn, sự gia tăng này là do lượng học sinh tốt nghiệp lớp 12 năm nay tăng, ngoài ra cũng phải kể đến tình trạng 1 thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào các trường cũng không ít.

Buổi bàn giao sáng nay, sự "đắt hàng" hay "ế khách" được thể hiện rõ rệt. Trong khi cán bộ bàn giao của các trường đại học tốp 1 như: Bách khoa, Y, Dược, Khoa học Tự nhiên, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương... thu gom hồ sơ và hoàn thành công việc tiếp nhận một cách nhàn hạ và nhanh chóng thì những trường ĐH: Nông nghiệp 1, Thái Nguyên, ĐH Hùng Vương... phải làm việc rất vất vả bởi số hồ sơ đăng ký dự tuyển quá nhiều.

Thanh Hóa là một tỉnh có số lượng hồ sơ đông nhất phía Bắc (trên 100.000) nhưng số đăng ký vào ĐH Bách Khoa chỉ là 740 hồ sơ, so với năm 2005 là hơn 1.000 hồ sơ. Theo ghi nhận bước đầu số hồ sơ dự thi trung bình của các tỉnh nộp vào các trường tốp 1 như: Học viện Bưu chính Viễn thông mỗi tỉnh khoảng 30 hồ sơ; Bách Khoa gần 200 hồ sơ. Cả tỉnh Lai Châu chỉ có khoảng 5 hồ sơ nộp vào hai trường trên.

Đặc biệt, đối với trường ĐH Răng - Hàm - Mặt, cả thành phố Hải Phòng không có thí sinh nào dám dự thi vào trường này. Theo ông Vương Văn Phát, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái, trong hơn 11.000 thí sinh tỉnh này nộp hồ sơ dự thi, phần lớn trong số hơn 11.000 hồ sơ dự thi của tỉnh mình nộp vào trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên và một số ngành của các trường sư phạm có mức điểm chuẩn năm trước chỉ bằng mức điểm sàn.

Ông Trần Văn Cảnh, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: Năm nay, thí sinh Hải Phòng rất sợ các trường tốp 1, có lẽ thí sinh của nhiều tỉnh khác cũng chung tâm trạng này bởi Hải Phòng vốn là một tỉnh thuộc diện khá trong cả nước mà thí sinh còn không dám thì thí sinh của những tỉnh vùng núi, những vùng khó khăn cũng khó tránh khỏi tâm lý này.

Không chỉ riêng phía Bắc xảy ra tình trạng "hạ giá" của các trường tốp 1, tại phía Nam một số trường tốp 1 như: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM… lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay cũng giảm đáng kể (ĐH Kinh tế TP.HCM giảm khoảng 10.000 hồ sơ so với năm trước).

 Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH (Bộ GD-ĐT) kết quả trên là một tín hiệu khả quan, vì điều này thể hiện rằng trong mùa tuyển sinh năm nay thí sinh đã tự biết lượng sức mình khi chọn trường, chọn nghề.

Các trường tốp giữa, đại học vùng, cao đẳng lên ngôi

Năm nay thực sự là 1 cuộc lội ngược dòng của các trường vốn được coi là kém thu hút, đó là lượng hồ sơ dự thi đổ vào các trường tốp giữa, đại học vùng, cao đẳng rất nhiều.

Cụ thể là: trong hơn 8 vạn hồ sơ dự thi vào ĐH Thái Nguyên riêng thí sinh của tỉnh Thái Nguyên đã chiếm tới hơn 15.000 hồ sơ; tại ĐH Hải Phòng thí sinh của Hải Phòng nộp gần 10.000 hồ sơ; ĐH Hồng Đức, số thí sinh Thanh Hoá là hơn 11.000 hồ sơ...

Đáng chú ý là năm nay đã đánh dấu sự "lên ngôi" với lượng hồ sơ tăng vọt của các trường tốp giữa như: ĐH Mở, ĐH Công Ngiệp HN, ĐH Sư phạm... Hệ CĐ cũng đại thắng không kém, trường CĐ Văn thư Lưu trữ Trung ương nhận được trên 2 vạn hồ sơ; các trường CĐ Giao thông vận tải, CĐ Sư phạm trung ương 1, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 1, CĐ Tài chính Kế toán... cũng đều có số hồ sơ dự thi tăng đáng kể so với những năm trước.

 Toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 42.000 hồ sơ dự thi, trong đó có gần 15.000 hồ sơ dự thi hệ CĐ; Hưng Yên có 30.000 hồ sơ, trong đó có gần 13.000 hồ sơ dự thi CĐ.

Ông Nguyễn Hữu Nga, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: tại Nghệ An số hồ sơ đăng ký vào trường ĐH Giao thông vận tải là 1.700 trong khi số đăng ký vào CĐ Giao thông vận tải là 1.800. Đặc biệt, 4 trường CĐ tại Nghệ An đã nhận được hơn 10.000 bộ hồ sơ trong khi số học sinh tốt nghiệp lớp 12 khoảng 40.000 em.

Theo Bộ GD-ĐT, tại phía Nam, riệng hệ CĐ, thu hút được nhiều thí sinh năm nay là các trường khối kinh tế. Các trường như CĐ Hoa Sen, CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Sư phạm… cũng nhận được nhiều hồ sơ.

Ngoài ra, lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ mà Sở GD-ĐT T.P Hồ Chí Minh nhận được năm nay cũng tăng hơn 22.000 bộ so với năm ngoái mà trong đó số lượng tăng chủ yếu là ở các trường CĐ.

Ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: số khá đông thí sinh các tỉnh như Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên... "đầu quân" về các trường ở khu vực mình sinh sống cũng phản ánh rất rõ nét sự lên ngôi trong mùa tuyển sinh năm nay của các trường đại học vùng.

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, số hồ sơ đăng ký dự thi trên chưa thể khẳng định được rõ rệt mùa tuyển sinh năm nay bởi tình trạng thí sinh ảo năm nào cũng vẫn còn khá lớn.

Tuy nhiên, số lượng hồ sơ được thể hiện qua buổi bàn giao sáng nay cũng phần nào phản ánh được xu hướng phân luồng trong mùa tuyển sinh năm nay, thông qua việc các thí sinh và gia đình đã tự lượng sức mình để chọn trường, chọn nghề không nhất nhất chạy theo những trường vượt quá trình độ, khả năng của mình.

Theo Tuấn Cường

TTXVN

MỚI - NÓNG