TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Nhiều môn học bắt buộc không cần thiết

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến
TPO - Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT đưa có quá nhiều môn học bắt buộc với học sinh và trải nghiệm sáng tạo không phải là một môn học riêng rẽ.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng ông không rõ dự thảo dựa trên cơ sở nào để đưa các môn học bắt buộc bao gồm giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất và hoạt động sáng tạo.

“Theo tôi, giáo dục quốc phòng và an ninh tuy rất quan trọng nhưng nên tập trung thực hiện trong phạm vi nghĩa vụ quân sự, như vậy hiệu quả, chất lượng hơn. Giáo dục thể chất cũng như giáo dục nghệ thuật nên giành cho các hoạt động CLB phù hợp với sở thích và năng khiếu từng cá nhân” – TSKH Tiến nêu ý kiến.

Đối với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, TS Tiến cho biết đây là các hoạt động mới được đưa vào chương trình với mục đích chính là chuyển hóa kiến thức, kỹ năng, thái độ thành năng lực. Vì vậy, đó không phải là hoạt động riêng biệt mà chủ yếu là hoạt động gắn liền với từng môn học.

Đó là một phần của chương trình giáo dục môn học mà dự thảo cần nói rõ và có sự phân bổ hợp lý ngay trong từng lĩnh vực giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình môn học hướng tới các năng lực chung cũng như năng lực đặc thù môn học.

“Hoạt động này do các giáo viên bộ môn thực hiên ngay trong tiến trình lên lớp hoặc phối kết hợp với các giáo viên bộ môn khác tổ chức thực hiện nhằm hướng tới việc xây dựng các năng lực chung. Tuy nhiên trong dự thảo hiện nay hoạt động này có vị trí, vai trò như một môn học riêng biệt” – TSKH Tiến bình luận.

Player Loading...

Chính vì vậy, ông cho rằng vấn đề đặt ra là giáo viên nào sẽ là giáo viên phụ trách môn học này và liệu các trường sư phạm có phải xây dựng chương trình đào tạo giáo viên chuyên về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo không?

Do đó, theo ý kiến cá nhân của mình, ông Tiến khẳng định hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần được coi là hoạt động nhất thiết phải có trong từng môn học.

“Vì những lý do trên, tôi thấy không nhất trí với cách xác định các môn học bắt buộc của dự thảo. Trái lại, tôi thấy cách lựa chọn trước đây về các môn học bắt buộc sau đây là hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đó là các môn: Ngữ văn, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ” – TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nói.

Nói thêm về Dự thảo, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, về tính mở của CT, ông băn khoăn, trong dự thảo không thể hiện được điều này.

“Định hướng thì rất tốt nhưng thực tế được thể hiện trong dự thảo CT thì không được như vậy. Tôi lấy ví dụ phần nói để dành cho địa phương thì chỉ chiếm khoảng 5% trong thổng số thời lượng dạy học. Như vậy không hơn gì CT hiện nay.  Rồi mở cho người viết CT-SGK thì càng không rõ” – ông Tiến khẳng định.

Hơn nữa, theo ông Tiến, đánh giá đầu ra của CT không rõ.  Vì CT chỉ liệt kê các năng lực và biểu hiện của các năng lực.

“Tiếc rằng trong dự thảo sự thay đổi về phương pháp đánh giá được đề cập đến rất mờ nhạt, chưa cho thấy được bước chuyển căn bản của phương pháp đánh giá ngày na trong giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực. Vì vậy, tiểu mục này cần làm rõ hơn về việc kết hợp ba phương pháp đánh giá (đánh giá quá trình, tự đánh giá và đánh giá kết quả) để định hướng cho cả người viết SGK lẫn nhà trường và nhà giáo trong tổ chức thực hiện” – TS. Tiến đề xuất.

Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể. Tổng chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình được xây dựng theo phương pháp đi từ xác định chuẩn đầu ra về nhu cầu phát triển của đất nước, nhu cầu nhân lực... để xác định nội dung, phương pháp giảng dạy.

Xem và tải về toàn bộ dự thảo TẠI ĐÂY

Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý dự thảo từ nay cho đến ngày 29/4/2017.  

MỚI - NÓNG