Tuyển sinh lớp 10: Phụ huynh nháo nhào tìm phương án dự phòng

Thí sinh chuẩn bị trước giờ vào làm bài thi lên lớp 10 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu
Thí sinh chuẩn bị trước giờ vào làm bài thi lên lớp 10 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Căng thẳng vì tỷ lệ “chọi” cao, thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 năm nay luyện thi cật lực. Nhiều phụ huynh chia sẻ, đang nháo nhào tìm hiểu trường dân lập làm phương án dự phòng nếu con trượt suất học ở trường công ở Hà Nội.

Chỉ còn ít ngày nữa, gần 80.000 học sinh tốt nghiệp THCS bước vào kỳ thi vượt cấp lên lớp 10. Hầu hết các trường học đã đóng cửa nghỉ hè, riêng học sinh lớp 9 vẫn miệt mài đèn sách ôn tập.

Chị Vân Dung, có con học ở Trường THCS Cát Linh, tâm sự: “Mặc dù cô giáo dặn các con thời điểm này phải đi ngủ trước 22 giờ đêm, ăn uống đủ chất để chuẩn bị thi cử nhưng càng gần ngày thi cả con và bố mẹ đều thấy căng thẳng hơn. Ngoài thời gian ôn luyện ở các trung tâm, con không hề rời bàn học”.

Chị Dung cho hay, con gái chị học khá thuộc top đầu lớp, nhưng vì đăng thi vào Trường THPT Chu Văn An, với tỉ lệ chọi năm nay là 1/5, nên gia đình xác định tinh thần cho con là rất khó để nếu có trượt, con cũng đỡ hụt hẫng. “Tuy nhiên, con rất quyết tâm thi đỗ trường này nên ôn luyện căng thẳng lắm. Ngoài kiến thức sách giáo khoa, cô giáo ở trung tâm ôn luyện cho con làm rất nhiều bài tập đến đêm khuya cũng không hết”, chị Dung nói.

Một học sinh Trường THCS Marie Curie chia sẻ, khoảng 2 tháng nay, lịch học thêm của em kín mít từ sáng đến đêm muộn. Trong khi đó, phụ huynh của em lại vất vả với hành trình đưa đón con đi học thêm và mất số tiền không nhỏ cho việc ôn luyện các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Anh Quang Trung (Trung Hòa, Cầu Giấy), phụ huynh học sinh lớp 9, nói rằng, học phí một buổi khoảng 2 giờ ôn luyện môn Toán, Ngoại ngữ với các thầy cô giáo có tiếng không dưới 1 triệu đồng. “Những tháng cận kề kỳ thi, gia đình bỏ ra gần 20 triệu/tháng đầu tư cho con học, lịch học dày đặc con rất mệt mỏi, bố mẹ xót lắm nhưng không học lại lo trượt”, anh Trung nói.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, cho hay, nếu thi tuyển lớp 5 lên lớp 6, học sinh trong trường được ưu ái thông cấp thì học sinh lớp 9 lên lớp 10 phải theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội là thi tuyển và xét tuyển. Trước khi nghỉ hè, trường đã tổ chức thi thử hai môn Toán, Văn và học sinh của trường đạt số điểm khá cao. “Tuy nhiên, cũng có thể vì lượng thí sinh đăng ký vào trường quá cao, tỷ lệ “chọi” lớn nên học sinh có nhiều áp lực dẫn đến đi ôn luyện ở các trung tâm bên ngoài”, ông Khang nói.

Hoang mang lựa chọn trường tư

Theo quy định của Sở GD&ĐT, mỗi học sinh được đăng ký hai nguyện vọng trong cùng khu vực. Tuy nhiên, với lượng thí sinh tăng vọt năm nay, nhiều phụ huynh không yên tâm với hai nguyện vọng nên quáng quàng đi tìm hiểu các trường dân lập.

Chị Bích Phương ở quận Đống Đa nói: “Rất nhiều trường THPT dân lập phát tờ rơi, gọi điện mời chào, quảng cáo, nhưng không biết lấy căn cứ nào để tìm hiểu chất lượng các trường”. Theo chị Phương, các trường đều quảng cáo, đào tạo có trọng tâm, cam đoan thi đỗ đại học tỷ lệ lớn, tiếp cận phương pháp đào tạo tiên tiến, học tăng tiết… thậm chí có trường còn cam đoan cho học sinh tiếp cận chương trình lớp 12 ngay khi còn học lớp 11.

Trên mạng, phụ huynh học sinh còn lập diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm tìm trường dân lập cho con nếu con trượt suất học ở trường công. Theo chia sẻ của các phụ huynh, những trường THPT dân lập thuộc nhóm có truyền thống quản lý tốt, giáo viên được tuyển chọn, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước phải kể đến: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành, Lomonoxop… Mức học phí của những trường này dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những trường này do lượng thí sinh đăng ký khá cao, chỉ tiêu tuyển sinh ít nên học sinh không dễ vào được. Ví dụ, THPT Marie Curie năm nay chỉ tuyển sinh 260 học sinh lớp 10, trong khi thí sinh đăng ký hơn 1.000 em.

Theo một chuyên gia giáo dục, Hà Nội có hơn 70 trường THPT dân lập, ngoài một số trường chất lượng cao, số còn lại lâu nay vẫn “khát” học sinh. Năm nay, ngoài quan tâm về học phí, phụ huynh có thể lựa chọn trường tốt cho con em mình vào học dựa trên kết quả đào tạo của những năm trước theo các tiêu chí như: tỷ lệ học sinh đỗ đại học, tỷ lệ đạt học sinh giỏi các cấp, học sinh giành được học bổng du học…

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 là gần 80.000, tăng 10.000 so với năm trước. Các trường được điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển nhưng với tỷ lệ rất nhỏ. Dự kiến, hơn 50.000 học sinh trúng tuyển vào trường công lớp 10. Như vậy, gần 30.000 thí sinh khác phải lựa chọn trường dân lập.

Gần 78 nghìn thí sinh TPHCM dự thi lớp 10

Ngày 5/6, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ có 77.726 thí sinh (TS) dự thi, tăng hơn 9.000 em so với năm 2014. Trong đó có 70.471 TS thi vào lớp 10 THPT thường và 7.255 TS dự thi vào lớp 10 chuyên. TPHCM có 135 hội đồng coi thi với 3.315 phòng thi, trong đó có 11 hội đồng thi chuyên với 335 phòng thi. Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra vào hai ngày 11 và 12/6. Môn đầu tiên TS phải có mặt lúc 6g30 sáng để làm lễ khai mạc, các môn sau TS chỉ cần có mặt trước giờ bắt đầu làm bài 30 phút.              

Nguyễn Dũng

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.