Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%: Có nên bỏ kỳ thi THPT?

Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia
Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia
TPO - Nhiều địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần 100%, có ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia.

"Mưa" điểm 10 và nhiều tỉnh/thành phố chạm “đỉnh”

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay “xôn xao” bởi việc điểm 10 tăng cao khi có tới hơn 4.000 điểm (năm ngoái chỉ gần 100 điểm). Chỉ riêng hai tỉnh/thành phố như Hà Nội, TP.HCM có tới hàng nghìn điểm 10 xuất hiện.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. 

Đơn cử,  Phú Thọ có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 99,1%;  Cao Bằng là 91,39%; Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tỉnh Nam Định có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,53%. Cũng trong kỳ thi THPT quốc gia, tại Nam Định có đến 45/73 trường THPT, Trung tâm GDTX có số thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%; 

Hòa Bình có 96,94% thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017; Thái Nguyên trên 96,5% học sinh tốt nghiệp; 

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp nhiều tỉnh phía Nam gần 99%. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Bình Dương đạt 99,83%, Bến Tre là 99,06%, Bình Phước đạt 98,8%... Nhìn chung tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay cao hơn từ 1-2% so với năm trước.

Tỉ lệ cao vì đề dễ hay thí sinh có “phao cứu sinh”

Thống kê của một trường đại học cho thấy, nếu chỉ tính điểm thi với mức điểm tốt nghiệp trung bình là 5 điểm thì tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước chỉ đạt hơn 58%.

Tuy nhiên với cách tính điểm xét tốt nghiệp dựa vào điểm học lớp 12 và điểm thi như hiện nay bắt đầu từ năm 2014 thì tỷ lệ tốt nghiệp tăng vọt trên 90%

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, nếu không có "phao cứu sinh" này, thì tỉ lệ học sinh tốt nghiệp chưa tới 60%.

Khi sử dụng điểm học tập để xét tốt nghiệp, thí sinh thi chỉ cần bài thi không bị điểm liệt là đủ điểm để tốt nghiệp. Vì chỉ cần thí sinh được 4 điểm thi thì với 6 điểm học, công các điểm ưu tiên, khuyến khích là đủ tốt nghiệp.

Thậm chí là với điểm thi bằng 2 nhưng điểm học của thí sinh đó là 8 thì thí sinh vẫn có thể đủ tốt nghiệp.

Trong khi đó, với các bài thi hầu hết là theo phương thức trắc nghiệm như năm nay, theo lý thuyết thì thí sinh chỉ làm đủ bài cũng được từ 2-2,5 điểm

TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng băn khoăn, việc duy trì thi THPT là cần thiết nhưng phải với một tỉ lệ hợp lí hơn. "Nếu hơn 90% tốt nghiệp thì cần gì phải thi, như vậy sẽ gây lãng phí và vô ích"- Ông Nhĩ nhấn mạnh.

Theo GS Phạm Tất Dong, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, liên tiếp giữ vững trong nhiều năm trở lại đây cũng phần nào thấy được tâm lý thành tích của xã hội. Bởi qua nhiều lần cải cách thi cử, phương thức ra đề thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn luôn cao. Vậy, có nên tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển ĐH,CĐ?

Còn theo TS Lê Viết Khuyến, nhìn vào những nước còn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng ít nước nào có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao như Việt Nam. Ở Pháp, tỉ lệ này chỉ khoảng 70%. Thực tế có một số nước trên thế giới đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

MỚI - NÓNG