'Vòng đời' anh Chí, nàng lọ lem đi vào trường học: Sự kỳ diệu của sáng tạo

Học sinh và giáo viên trường THPT Phan Huy Chú đang thử nghiệm một sản phẩm của học sinh liên quan đến vật lý - ảnh Nghiêm Huê
Học sinh và giáo viên trường THPT Phan Huy Chú đang thử nghiệm một sản phẩm của học sinh liên quan đến vật lý - ảnh Nghiêm Huê
TPO - Các mô hình trải nghiệm sáng tạo được thầy và trò trường THPT Phan Huy Chú chuẩn bị từ hơn một năm nay.

Mô hình “vòng đời” của anh Chí, nàng Lọ Lem và cô Tấm xỏ chân chung một chiếc giày, mô hình trồng rau mầm sạch, học tiếng Anh qua những cuốn lịch ghi nhớ… đó là những sản phẩm sáng tạo của học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội.

Vòng đời của anh Chí

Thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội cho biết các mô hình trải nghiệm sáng tạo được thầy và trò nhà trường chuẩn bị từ hơn một năm nay.

Từ mô hình trồng rau sạch, làm bánh, làm thạch của học sinh tổ sinh học. Rồi chiếc cốc thần kỳ của học sinh tổ ngoại ngữ. Chiếc cốc nhìn bên ngoài thật bình thường nhưng sự kỳ diệu chỉ xuất hiện khi đổ nước nóng, lập tức chiếc cốc đổi màu và các từ tiếng Anh được hiện lên. Hay những cuốn lịch được dùng để học từ mới.

“Đây là những mô hình  để  giúp chúng em học ngoại ngữ được tốt hơn. Chúng em có thể học học được từ mới, ngữ pháp bất cứ lúc nào” – một học sinh chia sẻ. 

Nhưng có lẽ bất ngờ nhất vẫn là tổ Ngữ văn. Khi nhìn thấy mô hình vòng đời của Chí Phèo, cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên dạy văn trường THCS& THPT Đinh Thiện Lý, Thành phố Hồ Chí Minh trong lần ra thăm trường quá ngỡ ngàng và ngạc nhiên. “Tôi mê nhất mô hình này. Có được mô hình này, học sinh học văn sẽ rất dễ nhớ các mốc thời gian trong cuộc đời của Chí Phèo” – cô Ngọc nhấn mạnh.

Theo lý giải của các cô giáo trong tổ Ngữ văn của trường Phan Huy Chú, cuộc đời của Chí Phèo giống như một vòng định mệnh. Điểm bắt đầu là cái lò gạch cũ, đến kilomet số 1.5 là cuộc gặp gỡ  Bá Kiến, rồi đến kilomet tiếp theo là tha hóa, vào tù, ra tù, gặp Thị Nở, thức tỉnh lương tri… cho đến khi Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn xuống bụng  lùm lùm của mình lại thấy cái lò gạch cũ.

Học sinh của trường đã phác thảo ra mô hình này thật đầy đủ và rất dễ nhớ, dễ học khi nhìn vào. Cũng tại tổ Ngữ văn, một sản phẩm khác của học sinh gây  ấn tượng không kém đó mô hình cô Tấm Việt Nam và nàng Lọ Lem của trời Âu xỏ chân chung một chiếc giày.

Chiếc giày thủy tinh của nàng Lọ Lem và chiếc hài của cô Tấm là ước mơ hạnh phúc của con người nhưng nó cũng cho thấy chung mô típ trong truyện dân gian của Việt Nam và các nước.

Theo thầy Hà Xuân Nhâm, các thầy cô giáo trong trường đã biên soạn chương trình theo hướng cá nhân hóa người học. Để tăng cường sự tự chọn cho học sinh theo chuyên đề nâng cao, chuyên đề liên môn, chuyên đề văn hóa, nghệ thuật. Năm học 2016-2017 vào khung giờ 2 tiết cuối buổi chiều, mỗi học sinh được chọn mô học theo sở trường, sở thích của mình.

Khi các dự án từ trang sách bước ra đời thường

Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên Ngữ văn, trường THCS&THPT Đinh Thiện Lý, TP HCM cho biết ở trường cô, tất cả các giáo viên từ đầu năm học đều phải chọn cho mình một dự án để triển khai. Các dự án sẽ được công bố công khai để học sinh chọn tùy theo sở thích và sự phù hợp. Cách đây 4 năm, cô Ngọc đã chọn dự án dạy văn để sống.

Qua mỗi học kỳ, sẽ có một chủ đề riêng cho dự án này như dự án tôi chọn trung thực, chuyện trách nhiệm, khi môi trường lên tiếng, ruy băng đỏ, Làng nghề Việt.... Mấu chốt của mỗi dự án là đưa học sinh vào thực tế để trải nghiệm. Ví dụ như dự án làng nghề Việt, học sinh sẽ về thực tế tại các làng nghề của Việt Nam đang trong quá trình bị mai một và sắp biến mất để ghi nhận.

Kết thúc khóa trải nghiệm, học sinh sẽ phải viết báo cáo và điểm sẽ được tính vào môn Công nghệ. “Ở trường THCS&THPT Đinh Thiện Lý, với mỗi giáo viên đều có bắt buộc phải có dự án học tập. Nhưng qua mỗi dự án, học sinh học được rất nhiều. Và đây được coi như là một môn học bắt buộc trong trường” – cô Ngọc khẳng định.

Cô Ngọc cũng cho biết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại TPHCM không chỉ riêng trường Đinh Thiện Lý. Ở trường THCS Văn Lang cũng có dự án Chuyện đời quanh em. Cô Ngọc cho hay, chính nhờ dự án này mà cuộc sống của một cô giáo khuyết tật đã có những thay đổi.

Đó là chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Hường (34 tuổi). Cô là giáo viên Toán đang dạy hợp đồng  tại  một trường ở TPHCM. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh ra trường, cô không thể xin việc được ở một trường nào vì cánh tay bị liệt lúc 9 tháng tuổi.

Rồi một trường THPT ở Quảng Ninh cũng đón nhận cô. Tại đây, cô gặp và yêu một đồng nghiệp. Nhưng do mẹ của người yêu không đồng ý, nên chỉ cách ngày sinh 10 ngày, người yêu đã bỏ lại mẹ con cô. Sinh đôi hai con gái, con được 6 tháng, cô gửi con lại quê nhà, một mình vào TPHCM lập nghiệp.

Từ chuyện đời quanh em mà hai con gái cô Hường đã được một tổ chức giáo dục cấp học bổng toàn phần, còn hiệu trưởng trường THCS Văn Lang thì sẵn sàng tiếp nhận cô vào giảng dạy tại trường. Theo cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, đó là chuyện cổ tích giữa đời thường và đó cũng là những giá trị mà bài học cuộc sống mang lại cho học sinh.

Còn theo thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, để học sinh có thêm thời gian học chương trình trải nghiệm sáng tạo, buộc các trường phải điều chỉnh chương trình  học cho phù hợp. “Ví dụ như trường THPT Phan Huy Chú, hàng năm có chỉnh sửa điều chỉnh chương trình nhà trường theo văn bản 791 của Bộ GD&ĐT (hướng dẫn thực hiện thí điểm chương trình giáo dục nhà trường phổ thông).

Ban biên soạn rất vất vả để có được chương trình thực hiện và phải chuẩn bị từ gần cuối năm học trước. Trường đầu tư xây dựng chi tiết chương trình nhà trường thì mới thực hiện được. Nếu bộc phát thì không thể thực hiện vì sẽ phải “cấu” thêm thời gian của hoạt động khác” – thầy Nhâm cho hay.

MỚI - NÓNG