Vụ lấy bục giảng làm bàn: 'Bệnh thành tích' hoành hành

 Không chỉ dùng bục giảng làm bàn, các em học sinh ở trường Tiểu học số 1 An Ninh còn phải chồng ghế làm bàn để ghi bài
Không chỉ dùng bục giảng làm bàn, các em học sinh ở trường Tiểu học số 1 An Ninh còn phải chồng ghế làm bàn để ghi bài
TP - Sau khi nhiều tờ báo, trong đó có Tiền Phong phản ánh sự thiếu thốn cơ sở vật chất ở trường chuẩn quốc gia Tiểu học số 1 An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), ngành giáo dục tỉnh này liên tục có công văn phản ứng gửi các cơ quan chức năng và báo chí.

Trong lúc đó nhiều hiệu trưởng trường chuẩn trên địa bàn chia sẻ: Tất cả đều do bệnh thành tích!

Từ tờ công văn khó hiểu

Sau khi báo chí đăng và nhận được công văn của trường Tiểu học số 1 An Ninh cũng như văn bản báo cáo của đoàn kiểm tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phản bác tất cả các nội dung báo chí nêu, ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở này, cùng với đoàn kiểm tra đã có buổi gặp gỡ các PV viết bài để trao đổi. Tại cuộc gặp, đoàn kiểm tra một mực cho rằng, cơ sở vật chất của trường Tiểu học số 1 An Ninh đầy đủ, đảm bảo của một trường chuẩn. Bức ảnh các em ngồi chép bài trên nền lớp là dàn dựng.

Sau khi xem qua các tài liệu mà PV cung cấp, bà Hồ Thị Hồng Hà (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học) phân bua: “Mình là người chỉ đạo không đặt bàn ghế trong phòng nghệ thuật ở các trường. Nhà sạch thế này, các em ngồi như thế cũng không sao!”. Tuy nhiên, ông Đoàn Đức Liêm cho rằng: Cần phải nhìn thẳng vào sự thật, trong các băng ghi âm, hiệu trưởng trường này đã thừa nhận đang thiếu thốn về cơ sở vật chất như: Có 6 phòng học cấp 4 xuống cấp, thiếu nhà vệ sinh, thiếu bàn ghế đạt chuẩn, trong đó phòng nghệ thuật không có bàn ghế.

Ông Liêm khẳng định: “Bức ảnh này không thể nói là dàn dựng, nhìn các cháu ngồi chép bài rất tự nhiên. Ngồi học như thế này là phản giáo dục!”. Đồng thời ông Liêm yêu cầu đoàn kiểm tra phải kiểm tra lại thật khách quan để có cơ sở xử lí.

Dù vậy, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình lại có công văn gửi các cơ quan chức năng và báo chí tiếp tục phản bác nội dung các bài báo, do ông Trương Đình Châu, Phó giám đốc Sở ký. Liên quan đến công văn trên, ông Đoàn Đức Liêm cho biết: Khi xem dự thảo công văn do ông Châu trình lên, ông đã không đồng tình và ghi ý kiến ở góc yêu cầu viết lại đúng sự thật khách quan. Tuy nhiên, không hiểu sao ông Châu vẫn gửi nguyên bản thảo cho các cơ quan, ban, ngành và báo chí.

Ông Liêm thừa nhận, công văn do ông Châu ký có nhiều điểm mâu thuẫn, phần đầu khẳng định cơ sở vật chất của trường Tiểu học số 1 An Ninh đạt chuẩn, nhưng phần cuối lại đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, cấp vốn để xây dựng nhà vệ sinh, đóng mới bàn ghế và xây mới để thay thế các phòng học cấp 4 đã bị xuống cấp...

Đến lộ diện nhiều trường chuẩn không đạt chuẩn

Trước thông tin của ông Nguyễn Đức Lý, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Ninh: Nếu xét theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ở Quảng Bình không có trường nào đạt chuẩn, PV Tiền Phong đã tiếp cận một số trường ở các địa bàn khác trong tỉnh để tìm hiểu thêm.

Tại trường THCS Quy Đạt, huyện Minh Hóa, một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất tốt nhất huyện Minh Hóa, ông Phan Văn Trương, Hiệu trưởng cho biết: Trường đạt chuẩn từ năm 2009 và đang chuẩn bị công nhận lại. Điều khiến ông lo lắng nhất vẫn là cơ sở vật chất do các phòng học cấp 4 đã quá cũ nát và không đủ diện tích theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, các phòng học bộ môn như thực hành, công nghệ, âm nhạc, vi tính, tiếng Anh... thiết bị xuống cấp do không có kinh phí để mua sắm mới. Theo ông Trương, nếu xét theo đúng quy chuẩn thì trường ông thiếu 2 tiêu chí là cơ sở vật chất và bộ thiết bị dạy học. Tuy nhiên, ông Trương vẫn tự tin sẽ tiếp tục được công nhận lại vì xét về số lượng vẫn đủ.

Vụ lấy bục giảng làm bàn: 'Bệnh thành tích' hoành hành ảnh 1

Quyết định cấp vốn của UBND huyện Quảng Ninh cho trường Tiểu học số 1 An Ninh xây nhà vệ sinh sau khi báo chí phản ánh

Ở trường Tiểu học Huyền Thủy, xã Thạch Hóa, ông Lê Vĩnh Hằng, Hiệu trưởng cho biết: Trường đạt chuẩn từ năm 2010, tháng 5/2015 này sẽ công nhận lại. Trường có 8 phòng học thì có 6 phòng cấp 4 xây dựng cách đây hơn 20 năm. Trường không có phòng máy vi tính và thiếu phòng dạy tiếng Anh, bộ thiết bị dạy học... Đây là các tiêu chí quan trọng của một trường chuẩn. Ngoài ra, hàng rào bao quanh chỉ mới được kiên cố ở phía trước còn phía sau vẫn không có, nhà vệ sinh đang được đầu tư xây dựng mới...

Ông Hồ Vũ Thường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa cho biết, địa phương hiện có 29 trường đạt chuẩn quốc gia và sẽ có thêm 11 trường nữa sẽ đạt chuẩn trong năm 2015 này. Việc xây dựng trường chuẩn và duy trì đạt chuẩn khó nhất vẫn là cơ sở vật chất. Các trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện chỉ đạt 70% theo các tiêu chí mà Bộ đề ra, tuy nhiên khi các đoàn về đánh giá thì có châm chước để phấn đấu thêm. Theo tiêu chí của Bộ, ví dụ như các trường THCS, tối thiểu phải có 3 phòng chức năng và mỗi phòng phải rộng gấp rưỡi phòng học bình thường.

Hiện đầu tư mỗi phòng như vậy tương đương 1 tỷ đồng thì ngân sách không đủ, chưa nói đến phòng nhạc, phòng tiếng Anh, phòng tin học... Theo tôi được biết, cả vùng Bắc Quảng Bình này chỉ duy nhất trường THPT Đồng Lê là có nhà đa chức năng, do tỉnh đầu tư để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cụm. Theo tiêu chí của Bộ, trên địa bàn huyện tất cả các trường đạt chuẩn vẫn chưa ổn lắm, khó lắm” - ông Thường tiết lộ.

Ông Thường thừa nhận, trong đánh giá thi đua hằng năm của cá nhân, tập thể từ ngành giáo dục đến chính quyền các cấp, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là một tiêu chí. Hằng năm, chính quyền và ngành giáo dục đều có kế hoạch xây dựng các trường đạt chuẩn, nếu không hoàn thành thì địa phương đó, tập thể, cá nhân trong ngành giáo dục không hoàn thành nhiệm vụ.

Tiếp xúc với nhiều hiệu trưởng của trường chuẩn quốc gia, hầu hết họ đều cho rằng việc xây dựng trường chuẩn hiện nay đang chạy theo phong trào, chạy theo thành tích. Thậm chí, có hiệu trưởng, bí thư, chủ tịch của một xã phải cắm thẻ đỏ của nhà mình vào ngân hàng để vay tiền xây trường chuẩn quốc gia theo đúng kế hoạch. “Hiện có 3 bộ tiêu chuẩn trong ngành giáo dục buộc phải làm rởm vì chạy theo thành tích: Xây dựng trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục và công tác kiểm định chất lượng giáo dục” - một hiệu trưởng tâm sự.

Theo đó, trường nào nằm trong kế hoạch mà không đạt chuẩn thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm. Đơn giản nhất là bị điều đi trường khác khó khăn hơn, buộc các hiệu trưởng phải tìm mọi cách để trường mình đạt chuẩn. Ví dụ, cơ sở vật chất chưa đạt thì mượn của trường này, trường kia, chất lượng học sinh thì phải đánh giá không đúng thực chất để đạt theo tiêu chí khá, giỏi mà một trường chuẩn phải có...

Sau khi báo chí phản ánh trường chuẩn quốc gia Tiểu học số 1 An Ninh thiếu thốn cơ sở vật chất, từ nhà trường, ngành giáo dục và chính quyền địa phương một mực khẳng định trường vẫn đảm bảo cơ sở vật chất của một trường chuẩn, thậm chí thừa. Tuy nhiên, mới đây UBND huyện Quảng Ninh đã ra quyết định cấp ngân sách 73 triệu đồng để trường Tiểu học số 1 An Ninh xây dựng nhà vệ sinh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.