Vụ “Vợ lính Trường Sa 3 lần chuyển trường”: Cô Huế trong mắt đồng nghiệp

Vợ chồng cô Đỗ Thị Hồng Huế trong một lần tố cáo vụ việc với PV Tiền Phong.
Vợ chồng cô Đỗ Thị Hồng Huế trong một lần tố cáo vụ việc với PV Tiền Phong.
TP - “Cô Huế là một người không bình thường, là dị nhân, không quan tâm đến thành tích của nhà trường mà chuyên phá bĩnh…”. “Cô Huế là một người phi thường trong môi trường giáo dục hiện nay, dám đứng lên chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải” - Đó là 2 nhóm ý kiến trái chiều của các giáo viên tại Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi nói về cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, người vừa bị miễn nhiệm phó hiệu trưởng, chuyển đi trường khác.

“Dị nhân”

Trong quá trình đi tìm đâu là nguồn cơn, liên quan việc miễn nhiệm cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế một cách bất thường của UBND huyện Lệ Thủy, PV Tiền Phong âm thầm tiếp xúc với một số giáo viên của Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy. Có thể phân thành 2 nhóm ý kiến: Nhóm tẩy chay cô Huế và nhóm ủng hộ việc làm của cô. Cả 2 nhóm đều yêu cầu PV giấu danh tính cho họ.

Nhóm tẩy chay cô Huế cho rằng, cô là người cao ngạo, coi thường cấp trên, đe dọa cấp dưới, suốt ngày bới lông tìm vết, không chịu làm việc. Từ khi về trường, cô Huế tạo ra một không khí làm việc căng thẳng, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Nhóm này dẫn chứng: “Họp hành chẳng hạn, cô Huế thường rất hay coi thường cô Tươi hiệu trưởng. Cô Huế đập bàn vỗ ghế, cắt lời hiệu trưởng, cướp phiếu bình bầu cuối năm… Lớp con gái của mình đang họp phụ huynh, cô Huế xông vào quay phim, chụp ảnh, giành phần cô chủ nhiệm điều hành cuộc họp, khiến phụ huynh bất bình đuổi cô Huế ra khỏi phòng họp”, một giáo viên nói.

Theo một giáo viên khác, cô Huế rất lười làm việc. Là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, chủ tịch công đoàn nhưng cô chẳng làm gì. Trường đang chuẩn bị đón danh hiệu Chuẩn quốc gia mức độ 2, lấy cớ đi học tiếng Anh, cô Huế bỏ đi chơi. Đã thế, cô Huế thường xuyên gây áp lực lên giáo viên. “Tôi chưa thấy một hiệu phó nào như cô Huế, cứ sáng ra, cô đứng trên tầng 2, quay phim những giáo viên đến trường muộn. Trường thì đang xây dựng chuẩn quốc gia, mà có chuyện gì là cô ấy lại báo lên Phòng Giáo dục. Chuyện xấu người ta giấu không được, còn mình thì cứ phơi ra, chẳng ra thể thống gì cả”, vị giáo viên này nói.

Khi được hỏi, những câu chuyện liên quan cô Huế nói trên, có chứng cứ gì không, mọi người lắc đầu. “Rứa mới dại đó, giờ mới bị cô Huế chơi đó. Bọn tôi thì vô tư, cô Huế thì hiểm độc, ai mà ngờ được. Khi cô Huế chuyển về đây (trường số 2 Liên Thủy), thầy Hiệu trưởng Tân Thủy điện về tâm sự với tôi, hắn chuyển đi mà tau béo lên được mấy cân mi ơi”, một giáo viên nói.

Nói về thành tích vượt trội của cô Huế, các giáo viên này cho rằng, do chạy chọt mà ra. Họ nói, cô Huế rất thoáng trong chi tiêu chạy chọt, cho nên được cấp trên ưu ái, chứ thực chất cô chẳng có thành tích gì.

Phi thường

Nhóm ủng hộ việc làm của cô Huế tỏ ra dè dặt hơn trong câu chuyện, yêu cầu PV phải bí mật danh tính, nếu không, họ sẽ bị trù dập. Họ khẳng định, cô Huế là một hiệu phó giỏi về chuyên môn, sống tình cảm với đồng nghiệp, rất ngay thẳng và ghét tiêu cực. Theo họ, cô Tươi hiệu trưởng chuộng tiền bạc, thích thành tích, bao che sai phạm của cấp dưới… nên đã tìm cách trù dập cô Huế.

Một giáo viên kể: “Mọi chuyện bắt đầu từ chiếc máy tính của cô Huế bị hỏng. Không thay thế linh kiện gì nhưng cô Tươi cũng lập phiếu chi 5,8 triệu đồng, bắt cô Huế ký vào. Cô Huế không ký, hai người to tiếng. Tui thấy cô Huế ôm mặt vừa khóc, vừa đi. Tui nói với cô Huế, thì cô cứ ký đi, ai ăn người ấy chịu, chị mà không ký là không xong với bà ấy đâu. Và mọi chuyện đã diễn ra đúng như dự đoán của tui”.

Theo nhóm giáo viên này, trong cuộc sống, cô Huế là người rất tình cảm, biết chia sẻ với mọi người. Nhà cô Huế vườn rộng, trồng được nhiều rau sạch, mỗi lần đến trường, cô Huế hái rau mang theo, để ở văn phòng, ai cần thì lấy về dùng. Ban đầu nhiều người quý cô Huế, nhưng sau vụ “máy tính”, họ dần xa lánh cô Huế, có người còn vào hùa với cô Tươi để trù dập cô Huế. Thậm chí, có giáo viên ỷ thế cô Tươi, ỷ thế có người nhà làm lãnh đạo, rút dép đòi ném cô Huế trong cuộc họp.

Với mỗi câu chuyện mà nhóm giáo viên này đề cập, họ đều đưa ra được bằng chứng. Họ tố cáo cô Tươi ăn tiền trong mua sắm cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, tiền xây dựng trường của cha mẹ học sinh… Họ đưa ra bằng chứng về bệnh thích thành tích, bao che sai phạm của các giáo viên thuộc ê kíp của mình.

Một giáo viên kể: Thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, hai người trong ê kíp của cô Tươi là cô, thầy không đạt trong 2 vòng đầu tại trường, nhưng cô Tươi vẫn báo lên huyện là đạt để 2 người này thi vòng 3. Hay như cuộc thi Ngày hội học sinh tiểu học, trong phần thi viết chữ đẹp, sau khi xem bài thấy học sinh viết không đạt, cô Tươi tổ chức cho các học sinh nói trên viết lại trước khi gửi đi dự thi… Tất cả những tiêu cực nói trên đều bị cô Huế phát hiện, ngăn cản.

Những giáo viên này nói rằng, họ có nhiều bằng chứng về sai phạm của cô Tươi hiệu trưởng, nhưng họ không dám đấu tranh. Họ không tin thanh tra của huyện nhưng nếu có đoàn thanh tra từ tỉnh hoặc trung ương về, họ sẵn sàng cung cấp. “Một thực tế trong ngành giáo dục hiện nay, áp lực của bệnh thành tích càng đè nặng lên vai mỗi giáo viên như chúng tôi, thì quyền hành của hiệu trưởng ngày càng lớn. Việc đấu tranh chống tiêu cực trong nhà trường là rất khó, phải là một con người phi thường như cô Huế mới dám làm điều đó”, một giáo
viên nói.

Ngày 25/5, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình kiểm tra, xử lí và báo cáo nhanh về trường hợp cô Huế trước ngày 30/5.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.