Tiếp bài <A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=45096&amp;ChannelID=71">Cắt xén chương trình: “Bệnh” nhờn “ thuốc” :</A>

Xử lý các hiệu trưởng cho phép cắt xen chương trình

Xử lý các hiệu trưởng cho phép cắt xen chương trình
TP - Quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội là các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện quy chế của Bộ GD&ĐT, trong đó có yêu cầu phải dạy đúng phân phối chương trình.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong, ông Nguyễn Hữu Độ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – cho biết.

Ngay trước khi báo Tiền phong có bài phản ánh, trong công văn gửi Hiệu trưởng các trường THPT về việc ôn tập học kỳ II và tổng kết năm học (công văn số 784/CV-SGD&ĐT, ngày 25/4/2006) chúng tôi nhấn mạnh nội dung:

“Thực hiện việc kiểm tra học kỳ II theo đúng phân phối chương trình của từng môn” (mục 2); “Thực hiện đúng biên chế năm học của Bộ. Các trường không được phép: Cắt xén chương trình các môn không thi, chỉ bố trí trong thời khoá biểu các môn thi tốt nghiệp THPT; Thu tiền của HS để tổ chức thi thử, để bồi dưỡng cho GV dạy tăng tiết các môn thi tốt nghiệp THPT và chi cho các khoản ngoài quy định” (mục 3).

Ngay sau khi đọc báo Tiền phong số 83, chúng tôi đã yêu cầu phòng chuyên môn kiểm tra những trường được báo nêu và kiểm tra đột xuất đến một số trường để nắm tình hình và chấn chỉnh những sai phạm.

Ngày 28/4, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp với các cụm trưởng (khối THPT) để yêu cầu phổ biến tinh thần chỉ đạo của Sở về việc bắt buộc dạy đúng chương trình. Môn nào đã bị cắt hoặc bị dạy tắt thì nhà trường phải bố trí để dạy bù cho học sinh (HS). Các trường phải đảm bảo để HS được học đủ các tiết theo chương trình của từng môn học.

Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm. Được biết, Sở GD&ĐT, thậm chí cả Bộ GD&ĐT đã đi kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn không chấm dứt được triệt để. Tại sao vậy, thưa ông?

Tôi nghĩ, vấn đề có lẽ là ở khâu kiểm tra giám sát. Sắp tới, cần phải tăng cường hoạt động này. Đọc báo Tiền phong, tôi thấy có một hiệu trưởng phát biểu, vì Sở chưa xử lý kiên quyết, chưa có những biện pháp mạnh đối với các trường hợp vi phạm.

Đó là một ý kiến mà chúng tôi sẽ quan tâm. Thực ra Sở cũng đã đưa ra quy chế làm việc: Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về những sai phạm ở đơn vị mình. Sắp tới, có thể chúng tôi phải dùng đến những biện pháp mạnh như xử lý Hiệu trưởng nếu để trường xảy ra tình trạng cắt chương trình, học tắt, học lệch.

Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ tồn tại tình trạng này là vì các trường thiếu tự tin với việc dạy học ở đơn vị mình?

Tôi không nghĩ như thế. Kết quả học tập của HS Hà Nội tương đối cao so với mặt bằng chung trong cả nước. Kỳ thi tốt nghiệp là một kỳ thi quan trọng, nhưng cũng không phải là quá sức với các em HS của chúng tôi. Do đó, sức ép của kỳ thi không lớn. Nhưng tôi cũng hiểu nỗi lo của một số hiệu trưởng.

Năm nay, Bộ bỏ chế độ điểm thưởng với HS có kết quả tốt nghiệp THPT loại giỏi. Vì thế nảy sinh tư tưởng chủ quan với một số HS. Các em sẽ học tập lơ là hơn. Trong khi đó, muốn hay không muốn, kết quả thi cử cũng phản ánh quá trình học tập của HS. Do đó, nhiều trường đã lo lắng. Nhưng lo lắng đến mức phải học dồn, học lệch là thái quá và vi phạm quy chế của Bộ.

Ông có tin rằng tình trạng này sẽ không lặp lại vào năm sau?

Tôi tin là như thế. Ngoài những biện pháp mạnh, chúng tôi sẽ tiếp tục đả thông tư tưởng cho các hiệu trưởng, yêu cầu các hiệu trưởng cũng như các giáo viên (GV) đặt lên hàng đầu lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. Chúng tôi cũng biết khó khăn của các trường.

Gần đến ngày thi rồi, HS chỉ muốn tập trung vào ôn thi nên sao nhãng việc học những môn khác. Nhưng đã làm nghề sư phạm thì ai cũng phải hiểu, học cũng như ăn, không thể nhồi nhét được và phải tạo cho HS khả năng tự học. Đừng nghĩ cứ cho HS ôn tập dồn dập, học dày kín các môn cần thi là sẽ đạt kết quả cao. Dạy đủ và dạy tốt tất cả các môn học cho HS là vì quyền lợi của chính các em.

Mặt khác, với trách nhiệm lãnh đạo Sở, chúng tôi sẽ có ý kiến tham mưu đề xuất với Bộ GD&ĐT đổi mới cách đánh giá thi cử để giải quyết tận gốc tình trạng học đối phó.

Cảm ơn ông!

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) nói về quy định của Bộ GD&ĐT:

Khẩu phục, tâm không phục

Trường THPT Nguyễn Trãi là một trong những đơn vị “tuy cố gắng duy trì thời khóa biểu cũ nhưng đến các tiết học được gọi là “phụ” vẫn để cho HS “tự quản”.” Về việc này, ông Kiều Trung Tiến - hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi nói:

Sự việc mà báo nêu nếu có ở trường tôi thì chỉ là hiện tượng ở một vài lớp trong khối 12. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm của Ban giám hiệu, tôi đã nói:

Nhờ có báo Tiền phong nêu lên hiện tượng đó mà chúng ta sẽ dễ thuyết phục giáo viên (GV) hơn (trong việc duy trì thời khóa biểu cũ – PV). Quả thực, chúng tôi bị sức ép từ anh em rất nhiều. Trong các hội nghị GV chủ nhiệm hoặc GV bộ môn khối 12, anh em đều có ý kiến (thay thời khóa biểu – PV).

Nhưng phải chấp hành quy định của Sở cũng như của Bộ chứ không có cách nào khác. Chi bộ cũng đã nghị quyết như thế từ đầu năm học. Nhưng có thể trong quá trình thực hiện, một số GV (những môn không thi tốt nghiệp – PV) đã không quản lý được giờ dạy.

Ngay sau khi báo nêu, chúng tôi định mời bí thư, lớp trưởng khối 12 lên để nghe các em phản ánh việc dạy học từng bộ môn ở lớp của các em thế nào. Sau đó là làm việc với các GV. Phát hiện trường hợp nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.

Một số GV cho rằng nếu họ thực hiện theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT thì sau ngày 31/3 (ngày Bộ GD&ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp) quản lý HS rất khó khăn. Lý do là vì nhiều trường thực hiện không nghiêm nên HS lấy đó để so bì?

Đúng thế, sau 31/3, một số trường đã thay thời khóa biểu cho khối 12. Họ chỉ cho HS học 6 môn có thi tốt nghiệp. Chính vì thế mà chúng tôi phải chịu nhiều sức ép. Theo tôi, Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải công bố các môn thi vào ngày 31/3 hàng năm trong điều kiện áp lực về thi cử còn nặng nề như ở ta.

Trả lời báo chí, anh Lê Quán Tần (Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT– PV) nói việc công bố vào một thời điểm như thế là bình thường, các nước đều vậy. Tôi cho rằng, chẳng việc gì phải học tập các nước nếu điều đó chỉ mang lại sự khó khăn cho các cơ sở. Nếu Bộ nêu ra được những lợi ích cụ thể nào để công bố các môn thi vào ngày đó thì chúng tôi tâm phục, khẩu phục ngay.

Còn như hiện tại, chúng tôi chấp nhận nhưng nói thật là cảm thấy rất khó khăn. HS học hành rất chểnh mảng. Lúc nào các em cũng bị ám ảnh bởi những môn thi tốt nghiệp. Không chỉ trường tôi mà trường nào cũng đều thấy thế. Mình đã coi môn nào cũng quan trọng, môn nào cũng đều cần ôn tập có chất lượng thì nên lùi thời gian công bố lại (vào cuối tháng 4 chẳng hạn).

Cảm ơn ông! 

Quý Hiên (thực hiện)

MỚI - NÓNG