Cuộc thi tìm hiểu “Công an nhân dân vì bình yên cuộc sống”

Cuộc thi tìm hiểu “Công an nhân dân vì bình yên cuộc sống”
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, Bộ Công an phối hợp với TW Đoàn và các bộ, ban ngành Trung ương tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Công an nhân dân Việt Nam vì bình yên cuộc sống”.

Cuộc thi được tổ chức từ ngày 3/2 đến 3/7/2005, tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng CAND. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc thi, tạo điều kiện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia viết bài dự thi, báo Tiền Phong sẽ lần lượt đăng tài liệu phục vụ cuộc thi do Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (Bộ Công an) chuẩn bị.

Hoàn cảnh ra đời của Công an nhân dân Việt Nam

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.  Trong cao trào cách mạng 1930 –1931, Đảng đã tổ chức “Đội tự vệ đỏ” để chống địch khủng bố, trấn áp bọn phản cách mạng bảo vệ chính quyền Xô viết và giữ gìn  an ninh trật tự. Từ đó trở đi, tổ chức “Đội tự vệ đỏ” đã xuất hiện trong các cuộc đấu tranh của quần chúng.

Từ cuối năm 1939 trở đi, Đảng thành lập An toàn khu (ATK) và các “Ban công tác đội” để bảo vệ An toàn khu, bảo vệ cán bộ của Đảng, trừ diệt bọn phản động tay sai của Pháp – Nhật. Tháng 11/1941, Đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở Cao Bằng, sau đó phát triển ở khắp nơi làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, giữ vững giao thông liên lạc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đấu tranh diệt trừ bọn phản động, mật thám, tay sai của địch.

Tháng 6/1945, Tổng bộ Việt Minh thành lập khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Các “Đội danh dự trừ gian” (sau đổi là Đội danh dự Việt Minh), “Đội hộ lương diệt ác”, “Đội trinh sát” – những tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam lần lượt ra đời làm nhiệm vụ tiễu trừ Việt gian, trừng trị bọn lưu manh. ở Hà Nội, “Đội danh dự Việt Minh” hoạt động rất tích cực, đã trừng trị nhiều tên mật thám tay sai của Nhật như Hoàng Sĩ Nhu, Trương Anh Tự, Nga Thiên Hương, Phán Sinh. Tại Hải Phòng, “Đội danh dự Việt Minh” đã trừng trị những tên Việt gian gây nhiều tội ác với nhân dân như Hồ Sĩ Trừ, Hải Ân, Đỗ Đức Phin, Chánh tổng Cận; vây bắt, xóa tụ điểm của bọn phản động Đại  Việt do tên Trần Tự cầm đầu tại làng Cổ Tri, Vĩnh Bảo.

Giữa năm 1945, xuất hiện điều kiện quốc tế và trong nước thuận lợi cho tổng khởi nghĩa. Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Đêm 13/8, Trung ương Đảng lập  ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang quyết định thành lập ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong vòng nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám  1945 đã thành công trong cả nước. Cùng với việc chiếm lĩnh, đập tan các cơ quan đàn áp của địch, thiết lập chính quyền cách mạng, ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát. Ngày 25/8/1945, đồng chí Chu Đình Xương, đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương được cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ.

Các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ nơi nào giành được chính quyền đều thành lập Ty Liêm phóng, Ty cảnh sát. ở Trung Bộ, lập Sở Trinh sát. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Thường vụ Xứ ủy được cử làm Giám đốc Sở Trinh sát Trung Bộ. ở các tỉnh thuộc Trung Bộ đều thành lập Ty Trinh sát. ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Đồng chí Dương Bạch Mai được cử làm ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc. Các tỉnh thuộc Nam Bộ đều lập Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh.

Trong bão táp Cách mạng Tháng Tám 1945, các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam ra đời. Tuy tên gọi ở ba miền có khác nhau, nhưng những tổ chức ấy đều làm nhiệm vụ đấu tranh trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền các cấp. Trước yêu cầu cần phải có một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp  các lực lượng liêm phóng và cảnh sát toàn quốc thành “Việt Nam Công an Vụ”. Từ đây, các lực lượng làm công tác giữ gìn an ninh, trật tự trong cả nước mang một tên gọi chung là Công an.  

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".