Khó khăn lớn nhất là kinh phí

Khó khăn lớn nhất là kinh phí
Theo đánh giá chung của một số đại biểu dự hội thảo "ứng dụng CNTT trong nghiên cứu, quản lý, dạy và học của tuổi trẻ các trường ĐH Sư phạm toàn quốc", khó khăn lớn nhất khi Đoàn tham gia công tác đào tạo trong các trường học là kinh phí

Gần đây, tại Hà Nội, lần đầu tiên hội thảo “ứng dụng CNTT trong nghiên cứu, quản lý, dạy và học của tuổi trẻ các trường ĐH Sư phạm toàn quốc” được tổ chức. Tuy chỉ là một hoạt động khoa học thông thường nhưng điều đáng chú ý ở chỗ: đơn vị đứng ra tổ chức hoạt động trên chính là tổ chức Đoàn của một trường ĐH.

Lần đầu tiên, nhưng đã có 9/10 trường ĐH SP trên toàn quốc tham gia. Điều này thể hiện phần nào sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía chủ nhà (Đoàn trường ĐHSP Hà Nội). 36 trong số 44 công trình được gửi đến đã được lựa chọn để đăng trong kỷ yếu hội thảo.

Các báo cáo được đánh giá là có tính thực tiễn - phần lớn đều tập trung đến việc ứng dụng CNTT trong việc dạy và học ở từng chuyên ngành riêng, phù hợp với tính đặc thù của từng bộ môn ở mỗi địa phương.

Tham gia tọa đàm gồm có các trưởng phó đoàn; đại diện Đảng ủy - Ban giám hiệu, thường vụ Đoàn trường ĐHSP HN; đại diện TW Đoàn, thành Đoàn TP HN, một số nhà tài trợ...

Sau cuộc tọa đàm, phóng viên Báo Tiền Phong đã gặp một số đại diện Đoàn trường để phỏng vấn. Câu hỏi chung dành cho các cán bộ Đoàn là: Khi tổ chức những hoạt động mang tính chuyên môn, vấn đề kinh phí sẽ là một khó khăn như thế nào cho tổ chức Đoàn trong một trường ĐH?

Trần Thị Kim Oanh (UV Ban thường vụ Đoàn trường ĐHSP Vinh): Khi nói tới tổ chức Đoàn, người ta thường nghĩ đó là nơi tổ chức các hoạt động bề nổi. Trên thực tế, Đảng ủy và BGH các nhà trường giao trọng trách rất lớn cho Đoàn, đó là nâng cao chất lượng học tập – nghiên cứu của SV, chất lượng giảng dạy của cán bộ trẻ.

Tuy nhiên, kinh phí của tổ chức Đoàn rất hạn hẹp. Tôi có nghe nói rằng, hiện nay Vụ KHCN của Bộ GD&ĐT có chính sách hỗ trợ những cuộc hội thảo khoa học dành cho SV. Hy vọng rằng nó sẽ góp phần bớt đi gánh nặng tài chính để Đoàn trường có thể đứng ra tổ chức những hoạt động có tính chuyên môn.

Phương Diễm Hương (Bí thư Đoàn trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh) : Yếu tố tài chính có chi phối đến sự thành công của một cuộc hội thảo khoa học. Hiện nay, kinh phí hoạt động dành cho các Đoàn trường thường chỉ đủ để tổ chức những hoạt động bề nổi. Phụ trách công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên thì có một phòng chức năng là Phòng KHCN. Chúng tôi đã liên kết với phòng này để có thể sử dụng kinh phí của phòng phục vụ cho những hoạt động NCKH.

Với tính chất và quy mô của một cuộc hội thảo mang tính toàn quốc thì có khó khăn hơn vì ngay cả phòng KHCN cũng không tự quyết được chi phí mà phải là BGH. Khó khăn của các trường SP là không thu học phí. Vì thế, về kinh phí, trường phải “liệu cơm gắp mắm”.

BGH tuy ủng hộ nhưng kinh phí dành cho SV NCKH thì không thể ở mức độ thoải mái như mình mong muốn. Giải pháp của chúng tôi là kêu gọi tài trợ từ các đơn vị có tiềm lực kinh tế. Tất nhiên, không phải cứ mời gọi là được.

Theo tôi, nếu để những cuộc hội thảo ở quy mô toàn quốc do các tổ chức Đoàn đứng ra đảm nhiệm thành một hoạt động thường niên thì cần thiết có sự bảo trợ của Bộ GD&ĐT hoặc TW Đoàn. Chẳng hạn như hỗ trợ một số giải thưởng cũng như một số kinh phí để tổ chức.

Đặng Hùng Vĩ (Phó Bí thư thường trực Đoàn trường ĐHSP Đà Nẵng): Đơn vị chúng tôi sẽ đảm nhiệm việc đăng cai tổ chức hội thảo này lần thứ 2. Việc này đã được thống nhất từ trước. Trước khi ra HN, chúng tôi đã báo cáo với Đảng ủy và BGH và đã được chấp nhận. Như thế, dĩ nhiên BGH sẽ cung cấp nguồn tài chính cho Đoàn trường tổ chức hội thảo.

Ngoài ra, hàng năm chúng tôi đều tổ chức những hội thảo cấp trường. Tất cả các cuộc đó đều rất được nhà trường ủng hộ và giúp đỡ về tài chính. Vì vậy, có thể nói, vấn đề tài chính để cho Đoàn trường tổ chức các hoạt động mang tính chuyên môn ở trường chúng tôi không khó khăn lắm.

Chu Cẩm Thơ (Phó Bí thư Đoàn trường ĐHSP HN): Trường ĐHSP HN cấp cho Đoàn và Hội để chi phí tất cả mọi hoạt động khoảng 200 triệu/ năm. Trong khi đó, chúng tôi có khoảng 7000 SV. Với số kinh phí ít ỏi đó quả là khó để có một hoạt động gì đó quy mô và chất lượng được.

Mặt khác, nếu như hoạt động Đoàn không thu hút được sự đầu tư của xã hội thì trước hết không đảm bảo được tính rộng rãi, chất lượng nội dung mà phía mình sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính. Do đó, chúng tôi phải tìm một hướng đi: phần cứng thì phụ thuộc vào BGH; phần khác phải kết hợp với các tổ chức có quan tâm tới phong trào.

Ví dụ như ở hội thảo này, nếu như mình chỉ coi hoạt động NCKH chỉ là quy mô cấp Đoàn thôi thì không thể có được đầu tư nhiều hơn của nhà trường. Vì thế, về mặt KH và mặt nội dung thì chúng tôi tìm đến sự bảo trợ của Phòng KH.

Các công trình được đăng trong kỷ yếu đều phải có mã số KH. Khi có mã số KH thì các trường tham dự hội thảo mới đầu tư thích đáng cho các công trình. Như thế là mình đã có phần kinh phí cứng. Còn nếu mình muốn hỗ trợ SV ngay từ đầu để họ có công trình thì mình phải tìm tài trợ của các doanh nghiệp. 

Nói chung là phải dựa cả “trong” lẫn “ngoài”. Tuy nhiên, nếu bị chi phối bởi vấn đề kinh phí nhiều quá thì tôi e rằng sẽ giảm tính chính trị và tính GD của hoạt động. Do đó luôn phải cân nhắc.

Trong cuộc tọa đàm tại hôi thảo, nhiều ý kiến tán thành việc thành lập một tổ chức của các Bí thư Đoàn trường SP. Tôi thấy đó là ý tưởng rất hay. Khi mình có tiếng nói của tập thể rồi thì việc huy động tài trợ sẽ có quy mô chứ không nhỏ lẻ nữa.

Thứ 2, cần có sự liên kết mạnh hơn cho các đơn vị tham gia tổ chức. Theo tôi biết, sắp tới sẽ có sự đầu tư của Vụ KHCN vào những hoạt động như thế này. Sắp tới TW Đoàn lại có hướng tổ chức những festival về công nghệ. Mình phải tranh thủ những dự án ấy để có được kinh phí hoạt động mang tính chuyên môn cho Đoàn.

MỚI - NÓNG