Làng thanh niên biên giới Kỳ Sơn

Làng thanh niên biên giới Kỳ Sơn
Đó đây mọi người đang ngày đêm xẻ rừng, bạt núi để khai hoang sản xuất... Đó là cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến “Làng thanh niên biên giới” - tức Tổng đội TNXP 8, đóng tại bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ-Kỳ Sơn (Nghệ An).
Làng thanh niên biên giới Kỳ Sơn ảnh 1
Các đội viên đang tập trung làm nhà cho anh Giềnh Hoàng Mai

Suốt chặng đường dài hun hút toàn núi rừng hiểm trở, ì ạch mãi chiếc xe Minsk mới vào đến Huồi Tụ. Xung quanh toàn những đồi núi trọc, buổi tối trời lạnh cắt da cắt thịt, ban ngày nắng nhễ nhại mồ hôi. Đó đây mọi người đang ngày đêm xẻ rừng, bạt núi để khai hoang sản xuất... Đó là cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến “Làng thanh niên biên giới” - tức Tổng đội TNXP 8, đóng tại bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ-Kỳ Sơn (Nghệ An).

Mầm  xanh trên đồi núi trọc

Nằm sát vùng biên giới giáp với huyện Xiêng Khoảng nước bạn Lào, Kỳ Sơn là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An. Trước đây Kỳ Sơn không có gì khác ngoài đồi núi trọc và cây thuốc phiện, vì thế cuộc sống của đồng bào luôn gặp nhiều khó khăn.

Cách đây chưa đầy 5 năm, một đội thanh niên không quản ngại gian khó, quyết tâm lên Kỳ Sơn thành lập Làng thanh niên nơi biên cương của Tổ quốc. Buổi ban đầu Làng thanh niên này vỏn vẹn chỉ có 12 người bao gồm các anh: Nguyễn Trọng Cảnh, Vương Trung Uý, Hà Văn Tân, Nguyễn Văn An...

Tất cả trong số họ đều là người miền xuôi, được tách ra từ Tổng đội TNXP 2-cũng là đơn vị nằm ở biên giới thuộc khu vực Hạnh Lâm- Thanh Chương (Nghệ An). Để đi vào Huồi Tụ, ngày đầu tiên các anh ngoắc một chuyến xe ôm từ Mường Xén, trong ba lô toàn là mì tôm và lương khô, nhưng trong sâu thẳm đáy lòng lại nặng trĩu những nghĩ suy, trăn trở... làm thế nào để sớm ổn định và giúp đồng bào vùng biên cương này ngày một đi lên.

Sau khi ổn định chỗ ở, anh em triển khai khảo sát địa hình và tham khảo mô hình trồng các loại rau, cây ăn quả, lúa nước. Chẳng bao lâu các mô hình của thanh niên đã có kết quả tốt, anh em lập tức hướng dẫn đồng bào trong vùng cùng tham gia sản xuất.

Không những thế mà còn phát hiện vùng đất đồi trọc này trồng được cả giống chè tuyết, Tổng đội đã huy động đồng bào trồng trên vùng đất Huồi Tụ, Mường Lống, Phà Đánh...và nhanh chóng xoá bỏ cây thuốc phiện mà xưa nay đồng bào cho là cây chủ lực của họ.

Đến nay Tổng đội đã trồng được 100 ha chè tuyết, kế hoạch năm nay sẽ trồng tiếp 100 ha, bên cạnh đó còn hướng dẫn cho bà con dân bản trồng thêm được 60 ha. Để làm được điều này, nơi đây đã được tỉnh Nghệ An và dự án T/F (tức chương trình xoá bỏ cây thuốc phiện) đầu tư giống, cây con.

Để tìm đầu ra cho ngày thu hoạch chè, Tổng đội đã lắp đặt xong một dây chuyền sản xuất chế biến chè với công suất trên 2 tấn một ngày. Dự kiến sản xuất xong số chè này sẽ được đem đi xuất khẩu. Không riêng gì cây chè, chỉ mới ngần ấy thời gian thôi mà vùng núi này đã bạt ngàn rau xanh phục vụ bốn mùa cho đồng bào vùng biên giới.

Anh Vương Trung úy-Bí thư chi đoàn Tổng đội TNXP 8 phấn khởi dẫn chúng tôi đi xem 4 khu vườn ươm cây trồng xanh tốt và đưa tay chỉ ra những ruộng bậc thang cho hay, nơi ấy trước đây toàn đồi trọc khô hạn mà giờ đây đã trở thành 10 ha cây ăn quả toàn là bưởi Phúc Trạch, cam Vinh, chanh tứ mùa, xoài, nhãn, vải... xanh tươi phủ kín cả một vùng. Nhờ thế mà nơi đây bây giờ không còn bóng dáng một cây thuốc phiện nào nữa .

Làng  thanh niên  được hình thành

Chẳng bao lâu, vùng đất này đã trở thành một làng thanh niên. Để  góp phần xây dựng Làng thanh niên nơi biên cương này, 12 người trong số các anh đều phải xa nhà, xa vợ con, có người một năm mới có dịp về xuôi một lần.

Để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương... sau những ngày lao động mệt nhọc, các anh lại tụ tập trong khuôn viên của tập thể ở rừng cùng hát vang lên những bài ca kết đoàn... sau đó mới dần chìm vào giấc ngủ bình yên.

Đến nay toàn Tổng đội đã có 40 đội viên, hầu hết trong số này đều là các chàng trai đến từ miền tây xứ Nghệ. Ngoài khuôn viên trung tâm của Tổng đội, nơi đây còn được phát triển xây dựng thêm một Làng thanh niên mới khác bao gồm 25 hộ gia đình.

Hầu hết những cặp vợ chồng trẻ này đều là con em đồng bào Mông, họ được Tổng đội mời tập trung về đây sinh sống, lập nghiệp. Khi được anh em đến thăm, vợ chồng đội viên Giềnh Hoàng Mai đem cả vò rượu quý ra mời mỗi người một chén rồi vui vẻ nói: “Từ ngày vào đây ta sống thích hơn ở trong bản Huồi Khả, ta đi làm với anh em thì có lương, mỗi tháng 750.000 đồng, có lúa ăn, làm nhà được anh em hỗ trợ, vợ ta chỉ việc ở nhà nuôi con và may vá...”.

Không riêng gì gia đình của Giềnh Hoàng Mai mà hầu hết các đội viên vào đây đều được anh em TNXP hướng dẫn cho cách làm ăn, tăng gia sản xuất. Đứng trên đồi cao, hướng tầm mắt vào Làng thanh niên ắt thấy những nếp nhà mới xinh xắn, khuôn viên sạch sẽ khang trang.

Để xây dựng được Làng thanh niên, Tổng đội đã hỗ trợ tấm lợp, làm đường giao thông, san ủi mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu, còn gỗ lạt thì hầu hết đều được anh em tự túc tìm lấy. Để cuộc sống nơi đây ngày một đổi mới, anh em Tổng đội đã tận dụng nhiều khe đập, xây dựng trạm thuỷ điện nhỏ phục vụ cho mọi gia đình.

Được biết, trước đây đồng bào dân bản phải mất vài tiếng đồng hồ mới đi mang nước về được thì đến nay Tổng đội đã xây 2 bể nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho bà con trong vùng cũng như anh em trong khu vực Làng thanh niên.

Trước lúc về xuôi, chúng tôi có gặp một số đồng bào, ai ai cũng cho biết, họ rất tin tưởng vào những việc làm của các chàng trai thanh niên từ miền xuôi vào rừng sâu nơi đây. Bởi trong một điều kiện tự nhiên đầy khắc nghiệt như thế, các anh vẫn nỗ lực không những làm đổi thay cuộc sống mà còn giữ được bình yên cho một vùng quê nơi biên cương của Tổ quốc. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.