Người “hiện đại” rượu cần và thổ cẩm

Người “hiện đại” rượu cần và thổ cẩm
Nguyễn Văn Quân quê ở Nghệ An, 26 tuổi có thâm niên về kinh nghiệm và độ nhạy bén trong kinh doanh.
Người “hiện đại” rượu cần và thổ cẩm ảnh 1
Nguyễn Văn Quân (trái) với kho chứa ghè rượu cần Bù Lạch

Khi còn học ở Trường CĐ LĐTB&XH, anh đã bươn chải để mưu sinh và gây dựng một cơ sở nhôm – kính - inox mang tên Hoàng Quân tại TX Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) trước khi tham gia dự án tri thức trẻ tình nguyện (TTT TN).

Đến xã Đồng Nai (Bù Đăng) gặp Điểu Khu- Bí thư xã Đoàn; Cao Thị Thủy (SV ĐH Luật – Hà Nội quê Thanh Hoá) TTT TN “chuyên gia” tư pháp cho xã cùng với Trương Công Cẩn “chuyên gia” về công tác thanh niên các bạn đều cho rằng mọi chuyện phải hỏi anh Quân.

Từ Đồng Xoài, Quân “phi” một mạch đến Đồng Nai, lưng đầm đìa mồ hôi, thế mà miệng vẫn cười tươi như không hề mệt nhọc gì. Quân cho biết: dự án khôi phục làng nghề truyền thống Dệt thổ cẩm- Nấu rượu cần ở Đồng Nai là một chọn lựa đúng hướng.

Đồng bào dân tộc Mơ nông, Stiêng, Châu mạ… sau mùa rẫy, thu hoạch điều lộn hột xong vụ có thêm việc làm và thu nhập. Dự án còn đón trước việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái khu Trảng Cỏ (xã Đồng Nai) với trên 500 ha rừng sinh thái.

Kinh phí từ TW Đoàn cấp  cho dự án là 50 triệu, anh em “cổ phần” thêm 30 triệu, cả thảy 80 triệu đồng. Một mình  Quân xoay như chong chóng. Nào là tìm bà con nấu rượu cần giỏi trong xã để đặt họ vào rừng hái lá, tìm nguyên liệu, ủ men, chế biến sao cho ngon, cho lâu.

Nào là về Bình Dương đặt cơ sở gốm làm  ché, ghè nhiều loại kích cỡ khác nhau, in địa chỉ quảng cáo, tiếp thị tìm đầu ra... Chưa kể đến việc TTT TN cùng Quân xuống tận nhà nghệ nhân dệt thổ cẩm khéo nhất để đặt vấn đề dệt các món thổ cẩm làm các loại túi xách, khăn, áo, ví…quà lưu niệm cho khách du lịch. Dự án khởi động chính thức từ tháng 11/2004 nhưng thật ra mọi chuẩn bị Quân và anh em chạy  đôn đáo, lo toan  từ trước đó khá lâu.

Rượu cần Bù Lạch, Thổ cẩm Đồng Nai ra đời trên cơ sở nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nhưng có nhiều công đoạn hiện đại do chính Quân nghĩ ra. Nguyên liệu vải, sợi mua từ thành phố, nhưng lá, rễ, men nấu rượu cần phải do đồng bào tìm từ rừng mang về.

Để có hôm nay, mỗi tháng 300 hũ rượu cần xuất đi giao cho các đầu mối du lịch các nơi là một nỗ lực không ngờ của 4 bạn TTT TN mà Quân làm  “giám đốc độc quyền” vừa lo sản xuất, vừa lo tiêu thụ, quản lý từ chất lượng đến hình thức, tiếp thị.

Tranh thủ gặp nhau, Quân  và anh Nguyễn Ngọc Lương- Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện phụ trách dự án TTT TN, từng là cựu TTT TN  bàn ngay chuyện tổ chức lớp tập huấn dệt thổ cẩm  cho hơn 40 thanh niên và đồng bào dân tộc trong Tháng Thanh niên.

Giáo trình tập huấn do chính Lương và các bạn xuống tận thôn nghe nghệ nhân kể lại và ghi chép cẩn thận, nghiên cứu thêm tài liệu hướng dẫn để thành giáo  trình tập huấn, dạy nghề dệt thổ cẩm. Chính Quân và các bạn TTT TN đã khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong thanh niên và đồng bào các dân tộc ở Đồng Nai.

Trong các lễ cưới hỏi, ma chay, các đêm hội tưng bừng… thanh niên Đồng Nai uống rượu cần Bù Lạch,  mặc thổ cẩm do mình dệt và hát múa những bài hát truyền thống. Điều này đã góp phần giữ gìn văn hoá truyền thống của địa phương, để nó còn mãi với thời gian, năm tháng.

MỚI - NÓNG