Cách nhìn về quá khứ

Cách nhìn về quá khứ
Trong cuộc đời, nếu có một sự việc hay vấn đề gì đó đã xảy ra rồi thì chúng ta phải biết cách làm chủ được nó, để thỉnh thoảng có nhớ về nó thì cũng cho vui vậy thôi.

Nếu bạn không làm chủ được quá khứ mà ngược lại để nó làm chủ thì rất tai hại. Ví dụ, hồi nhỏ lúc mới bảy tuổi, bạn bị người bạn trai hàng xóm cậy lớn đánh mấy bạt tai. Tức quá, bạn cố đánh lại nhưng đánh không được vì cậu ta lớn hơn. Sự việc đó đã qua, bây giờ bạn ngồi nghĩ lại cho vui thì được, chứ nghĩ lại để giận hờn, trách móc và đánh giá mình hoặc người ta thì không đúng. Chẳng hạn như trách móc tại sao bạn nhỏ con, tại sao không to lớn để đánh lại họ. Hoặc bạn đánh giá người ta ỷ lớn ăn hiếp mình… Tóm lại, mình chỉ nghĩ lại những chuyện quá khứ cho vui vậy thôi, không thì suy nghĩ, cảm xúc gợi lên rất nguy hiểm. Phải coi chừng suy nghĩ về quá khứ.

Nếu suy nghĩ về quá khứ thì hãy suy nghĩ xem hồi đó ý tưởng gì là chủ đạo của đầu óc mình. Hãy nhớ lại, tìm lại nó để rút ra bài học hay sự chứng nghiệm cho chính bản thân mình. Và mình tự tìm hiểu xem nguồn gốc của suy nghĩ, ý tưởng đó có từ đâu và nó đã hoành hành như thế nào. Ví dụ, hồi bạn 18, 19 tuổi, ý tưởng kinh doanh là ý tưởng chính. Bạn suy nghĩ nhiều về cách tổ chức buôn bán, mở cửa hàng kinh doanh… Dù làm gì hay có thể có những ý tưởng khác đi nữa, thì ý tưởng kinh doanh lúc đó vẫn là chủ đạo và mạnh nhất, nó chi phối mình hoàn toàn. Vì ý tưởng kinh doanh là chủ đạo nên để thực hiện nó, các bạn kiếm chỗ, kiếm nghề, việc làm… hoặc bằng cách nào đó mở ra một cửa hàng buôn bán. Khi đó, ý tưởng quyết liệt kinh doanh đó đã điều hành mọi suy nghĩ và hành động của bạn, dù người khác nói gì cũng không nghe. Vậy nên, hãy đặt câu hỏi, ý tưởng kinh doanh đó từ đâu mà có, tại sao nó tồn tại và làm chủ được bạn?

Khi bạn lớn lên và già đi, dù ý tưởng kinh doanh vẫn còn nhưng một ý tưởng khác cũng mạnh mẽ không kém bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn đó là đi tu. Ý tưởng kinh doanh lúc ấy vẫn còn tồn tại, song lại không đủ mạnh. Trong khi đó, ý tưởng đi tu càng ngày càng mạnh lên, hình thành một quyết tâm tu hành. Đó có thể là tu theo kiểu tâm bình an hay tu để tìm đường giải thoát. Thật ra nhiều khi, chúng ta có ý tưởng đi tu nhưng cũng chẳng biết mình làm thế để làm gì! Tu để giải thoát, để lên thiên đàng hay để cho đầu óc được nhẹ nhàng và gặp nhiều may mắn! Còn nhiều chuyện khác nữa chung quanh chữ “tu” nhưng cũng không biết để làm gì.

Duy Tuệ

Trích trong sách “Người Việt Nam, Hồn Việt Nam” của tác giả Duy Tuệ, được phối hợp ấn hành năm 2012 bởi NXB Văn Hóa Thông Tin và Công ty CP Đầu tư Giáo dục Minh Triết

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG