Người dám sống với “ma” để thoát nghèo

Người dám sống với “ma” để thoát nghèo
5000m2 ao nuôi tôm, cua; gần 2000m2 ao nuôi cá và số diện tích đất còn lại trồng hoa màu. 4 năm trước, nơi đây còn là cồn đất hoang vu, chỉ toàn cây cỏ lác quen chịu mặn cắm rễ sinh sôi.
Người dám sống với “ma” để thoát nghèo ảnh 1
Hồng đang chăm sóc đầm tôm

Bí thư Đoàn xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) dẫn tôi ra tận khu trang trại của Trần Văn Hồng để giới thiệu về một người thà ở cùng “ma”, chứ không chịu sống với cái nghèo. Hồng đang cùng mọi người lóp ngóp vét lại ao để nuôi cá giống. Sinh năm 1976, dáng người to cao, đen nhẻm; quần ống thấp, ống cao trèo lên bờ.

Từ ngày cửa lạch Vạn hẹp và cạn dòng; nghề đi khơi, đi lộng không còn; cả xã Diễn Vạn gần như bế tắc với chuyện làm kinh tế. Đất đai thì ít, nghề làm muối vất vả nhưng mồ hôi người sản xuất  ra nó còn mặn đắng hơn sản phẩm làm ra. Đã thế, tứ bề xã đi đâu cũng sông sâu cách trở. Người dân ở đây không ít phen lao đao với cái nghèo.

Hồng lớn lên cũng từ những bữa cơm độn khoai với sắn. Lấy vợ, được cha mẹ “hồi môn” cho cả một vùng đất đang khai hoang mấp mô, nhiễm mặn và gần bãi tha ma, có tên gọi là Giếng Tiềm. Như một sự thử thách lòng kiên nhẫn, nhiều người dân trong xã nhìn Hồng ái ngại. Có người còn giễu cợt: “Có các vàng cũng nỏ (không) ra chỗ ni. Thằng Hồng ra đó để ở với ma đấy”.

Thanh niên trong xã thì hầu như kiếm đường lên thành phố hoặc phiêu bạt tứ xứ kiếm ăn. Hồng lầm lũi như con kiến, hết đào mương thau chua rửa mặn, rồi đắp bờ giữ đất. Hàng ngày một mình chăm chỉ cuốc bộ đến vùng khai hoang. Đất không phụ lòng người, Hồng đã có thu từ trồng hoa màu. Thấy nếu chỉ mãi như thế này thôi, mọi thứ sẽ về “mo”.

Năm 2000, Hồng lại “khăn gói quả mướp” đi học Trung cấp Thuỷ sản. Cả gia tài lúc ấy chỉ có 3 triệu đồng, chi phí cho học hành đã mất đứt 1,5 triệu. Học xong, Hồng “giấu” vợ đào ao với chi phí 15 triệu đồng. Thật may, đúng dịp dự án SUMA của chính phủ Đan Mạch tài trợ cho những địa phương nghèo nước ta. Hồng được vay 30 triệu đồng. “Sống rồi đây!”, Hồng thốt lên.

Được đi Thái Bình tham quan những mô hình làm ăn kinh tế trang trại, Hồng mạnh dạn đầu tư con giống thuỷ sản. Mới đầu là một ao nhỏ khoảng vài trăm m2 nuôi nhỏ lẻ. Giờ đây là gần 10 nghìn m2 ao nuôi tôm, cua, cá. Để tiện việc làm ăn, Hồng đã đưa cả gia đình ra ở cùng…ma.

Hồng kể: “Trang trại của em là một chu trình khép kín: trồng rau nuôi lợn; phân lợn nuôi cá; bán cá giống lấy tiền mua thức ăn nuôi tôm, cua.  Có thể chu trình này ở nhiều nơi không mới, nhưng tại Diễn Vạn là đầu tiên đấy anh ạ”. Tôi đứng trên mảnh đất nhiều ao chuôm của Hồng cảm thấy trong gió có vị mặn. Người dân ở đây cho biết, gió biển hun da đồng.

Tôi nói vui: “Giờ thì chắc dư giả lắm nhỉ?” “Chưa đâu anh ạ; mặc dù mỗi vụ chỉ tính riêng tôm, cua, em đã có lãi hơn 50 triệu. Em đang tính chuyện đầu tư lâu dài. ở đây nhà em chỉ thừa…gió thôi”. Chăm những giống này còn hơn cả bản thân mình. Hồng tiết lộ: “Nhiều đêm, mưa gió phải ra mép ao rải vôi nhằm ngăn sự xâm nhập của phèn, bị sét đánh lộn cổ xuống ao”.

Xung quanh trang trại của Hồng, hiện nay đã xuất hiện nhiều hộ học tập nuôi trồng thủy sản. Những gò đất nhiễm mặn bỏ hoang năm xưa đang được nhiều thanh niên tận dụng triệt để. Thậm chí, cả đồng muối nghèo cũng đang dần được chuyển đổi cơ cấu sang nuôi thủy sản. Những người ngày xưa chê “đất ma” cứ tiếc hùi hụi khi chứng kiến cơ ngơi bề thế của Hồng.

Bí thư Đoàn xã, Hoàng Ngọc Sơn cho biết: “Hồng là người có nhiều đất nhất xã đấy. Thanh niên xã này chỉ ao ước được như anh thôi”. Thấy nhiều thanh niên ở đây thi nhau nuôi thuỷ sản nhờ sự hỗ trợ của dự án SUMA, tôi cứ băn khoăn về “đầu ra”. Cả Bí thư Đoàn và Hồng đều cho biết, sản phẩm còn lâu mới đủ nhu cầu của thị trường.

Có thể câu chuyện làm kinh tế này không lạ với nhiều nơi, nhưng Diễn Vạn vốn là nơi người dân chỉ quen với nghề chài lưới và làm muối. Khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cả xã gần như lúng túng; nghèo đói quanh năm. Hiện nay, xã vẫn đang được hưởng cơ chế ngang chương trình 135 (mỗi năm Ngân hàng Thế giới tài trợ 700 triệu đồng). Trong bối cảnh đó, mới thấy những thanh niên như Hồng thật có bản lĩnh; biết đi lên từ mảnh đất nghèo xơ xác.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.