5 chàng lính sinh viên và công trình làm đẹp cho đời

5 chàng lính sinh viên và công trình làm đẹp cho đời
Với công trình nghiên cứu về tạo hình sẹo bỏng, nhóm sinh viên Học viện Quân y được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao giải “Nhà Sáng tạo trẻ xuất sắc”

Công trình “Nghiên cứu nhân trắc vùng cổ cằm trên người trưởng thành ứng dụng trong tạo hình sẹo bỏng” đã mang về cho nhóm sinh viên Học viện Quân y gồm Lê Việt Anh, Đỗ Như Bình, Lê Đức Mạnh, Lại Bá Thành và Mai An Giang  giải “Nhà Sáng tạo trẻ Xuất sắc”  do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng trong lễ trao Giải thưởng Sáng tạo KH&KT VN (VIFOTEC 2004) hôm 26/3.

 Giải thưởng là nguồn sức mạnh tiếp thêm cho các nhà sáng tạo tiếp tục công trình giúp những người không may bị bỏng ở vùng cổ, cằm tự tin trở về với cuộc sống bình thường.

Công trình nhân bản

KTX Học viện Quân y chiều Chủ nhật thật yên tĩnh. Lên tầng 4 vào phòng của nhóm bạn lớp DH3B chỉ gặp Việt Anh, Thành và Bình. Đời sống của sinh viên – lính cũng giản dị như SV bao trường khác. Ngoài đống sách vở ngồn ngộn, trên bàn học của Việt Anh, thư sinh, trắng trẻo với cặp kính cận cùng nụ cười thường trực, còn có bằng khen WIPO được đặt ở vị trí rất trang trọng.

Không học chung lớp (Giang năm cuối, bốn bạn còn lại năm thứ tư) nhưng họ có chung niềm đam mê nghiên cứu nhân trắc vùng cổ cằm từ những ngày thực tập tại Viện Quân y 108 chứng kiến rất nhiều ca bỏng thương tâm. “Nhiều người bị bỏng ở vùng cổ cằm sau khi điều trị luôn tỏ ra mặc cảm với hình hài xấu xí, thậm chí gớm ghiếc của mình” – Thành ngậm ngùi.

Để có được công thức tính diện tích khuyết da chính xác, Việt Anh, Thành, Bình, Mạnh, Giang tiến hành đo cổ cằm trên hơn 400 sinh viên của Học viện Quân y. “Nghiên cứu đề tài này chỉ tốn vài nghìn mua thước, bút, giấy nhưng ngốn của bọn mình rất nhiều thời gian và công sức trong quá trình nhân trắc” – Thành giãi bày. Suốt từ tháng 3 đến tháng 6 năm ngoái, ngày nào 5 bạn trẻ cũng lăm lăm tay thước tay bút đứng chờ các lớp tan học để “tóm cổ” bất kỳ ai theo đúng nghĩa đen rồi đo đạc theo các mốc giải phẫu vùng cổ cằm. Nhiều người ủng hộ và sẵn sàng để cho các bạn “hành sự” nhưng cũng không ít tỏ ra khó chịu khi bị thước, bút kề vào cổ, nhất là các bạn SV nữ.

Đến tháng 5/2004, kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng điều trị cho 12 bệnh nhân. Bệnh nhân Nguyễn Thị H 28 tuổi bị bỏng đầu, vùng cổ cằm và ngực nên có sẹo rất lớn. Sau khi phẫu thuật bằng phương pháp nhân trắc của nhóm nghiên cứu, vùng cổ, cằm của bệnh nhân vận động rất tốt. Vùng da trở lại trạng thái gần như bình thường.

Mãi làm đẹp cho đời

Việt Anh cho biết có nhiều công trình nghiên cứu về kích thước các bộ phận đầu, mặt, cổ nhưng chưa có nghiên cứu nào về số đo vùng cổ, cằm trên người tại Việt Nam. Dẫu vậy, đây không phải là đề tài quá phức tạp mà chỉ dựa trên kiến thức giải phẫu cơ bản. Nhưng công trình có tính ứng dụng cao của họ đoạt giải nhất SV nghiên cứu khoa học (SVNCKH) hệ Đại học – Học viện Quân y, giải ba cấp trường, giải nhất SVNCKH của Bộ GD&ĐT.

“Mong mỏi của nhóm là nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các tổ chức, cơ quan, đặc biệt trong ngành y để đề tài được ứng dụng rộng rãi hơn nữa, giúp cho bệnh nhân bỏng bớt đi phần thiệt thòi” – Việt Anh bộc bạch – “Hạn chế của đề tài là mới chỉ khảo sát những người thuộc nhóm tuổi từ 19-23. Bọn mình muốn mở rộng đối tượng nghiên cứu, đặc biệt là trẻ em vốn dễ bị tổn thương do bỏng.” Khi chúng tôi viết những dòng này, đề tài của các nhà sáng tạo trẻ đã có Mạnh Thường Quân. BS Vũ Ngọc Lâm ở Viện Quân y 108 nhận lời áp dụng phương pháp đo của nhóm vào điều trị cho các bệnh nhân của mình.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.