Làm gì sau khi bị sa thải?

Làm gì sau khi bị sa thải?
Bị cho thôi việc là một trong các cú sốc lớn nhất. Những bí quyết lấy lại bình tĩnh từ các chuyên gia nghề nghiệp hàng đầu đảm bảo giúp bạn thấy con đường trước mắt vẫn rộng mở

>Tại sao bạn bị sa thải?

Làm gì sau khi bị sa thải? ảnh 1

Trong ngày “đen tối”

Đừng “qua sông phá cầu”!

Vào thời điểm bị sa thải, mấy ai hào hứng bắt tay sếp nữa. Thực tế là hầu hết chọn lựa nghề nghiệp tương lai của bạn sẽ nảy sinh từ công việc vừa phải ngừng lại, dù thông qua các mối quen biết hay sự tiến cử nào đó. “Dù khó chịu đến mấy, bạn cũng nên cố cư xử phải phép với sếp”, chuyên gia nghề nghiệp Nicole Williams, tác giả của Earn What You’re Worth, tư vấn. “Sếp là người ra quyết định cho bạn thôi việc và chuyện đó thật khó nuốt, nhưng nếu bạn tỏ ra lịch sự và điềm tĩnh, có thể sếp sẽ gọi cho những người quen để hỗ trợ bạn và biết đâu còn nuôi ý định thuê bạn lại sau này”.

Ngừng than thở

Không ai bực dọc vì bạn rơi nước mắt, nhưng bạn nên ngừng ca thán điệp khúc: “Tại sao lại là tôi?”. Bạn cũng không nên liên tục than thở về chuyện kẹt tiền. Điều đó không hề gây chút ấn tượng tốt nào mà còn cho thấy bạn đang tuyệt vọng, như thế, bạn dễ rơi vào thế yếu khi đề cập đến tiền bồi thường thôi việc hay chuyện cộng tác sau đó.

Tìm hiểu về phần trợ cấp thôi việc

Bạn nên hỏi những gì liên quan đến phần trợ cấp này và xem lại chính sách công ty, hợp đồng lao động để biết rõ quyền lợi của mình. Bạn cũng không quên thắc mắc về phần lương trả cho những ngày phép chưa sử dụng nhé!

Không cần quá vội vàng!

Bộ phận nhân sự có thể thúc giục bạn ký vào một số giấy tờ trong lúc đầu óc bạn vẫn còn choáng váng. Cứ thẳng thắn đề nghị họ cho bạn vài ngày xem xét lại phụ cấp thôi việc cùng các thủ tục. Đừng ký vào bất cứ thứ gì khi bạn đang trong “thế yếu về phương diện nghề nghiệp”. Nếu bạn thực sự không hài lòng hay không hiểu những gì được xem, tốt hơn hết là hỏi ý kiến của luật sư.

Sau khi nghỉ làm

Chăm sóc bản thân

Suốt khoảng thời gian khó khăn này, Ariane de Bonvoisin – tác giả cuốn The First 30 Days: Your Guide to Making Any Change Easier - khuyên bạn tập trung vào bốn việc: ăn, ngủ, tập thể dục và uống nước. “Khi bạn trải qua bất kỳ thay đổi nào, bốn yếu tố này thường bị bỏ quên. Nếu không biết làm gì cho đúng, bạn nên chú ý giữ gìn sức khỏe. Đây là chuyện tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân”, Bonvoisin cho biết.

 
Làm gì sau khi bị sa thải? ảnh 2

Thay vì không động tay động chân vào việc gì trừ nằm dài xem phim cả ngày, sao bạn không làm gì đó theo sở thích và tham gia các hoạt động xã hội. Biết đâu điều này lại khiến bạn thấy phấn chấn hơn và có thể giúp bạn mở rộng quan hệ.

Tỏ thái độ tích cực

Khi mọi người hỏi thăm, bạn sẽ phải chọn lựa “diễn vai” nạn nhân của công ty hoặc mạnh miệng nói: “Tôi đã cố gắng làm việc tốt, giờ tới lúc thử làm gì đó mới mẻ”. Giữ tâm trạng lạc quan trong tình huống này sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn và có động lực để bắt đầu lại. Như thế, bạn sẽ chứng tỏ cho người khác thấy mình đủ chín chắn để đương đầu với nghịch cảnh mà không cay cú. Điều đó khiến họ sẵn lòng giúp đỡ bạn nhiều hơn.

Để ý thông tin tuyển dụng

Bạn nên nghỉ ngơi vài ngày để bình tĩnh lại và xem xét loại công việc mình muốn theo đuổi sắp tới. Tuy nhiên, đừng quên đề ra ngày tháng cụ thể sẽ quay lại với thế giới công sở bởi “một tuần có thể biến thành hai tuần và thậm chí một tháng”. Ngay cả khi chưa sẵn sàng gửi CV, bạn cũng nên truy cập vào những trang web tuyển dụng và đăng ký nhận thông báo về những vị trí thích hợp qua email để không bỏ lỡ cơ hội tốt.

Tận dụng các mối quen biết

Gọi điện, gửi email, lên Facebook báo cho bạn bè, người quen biết loại việc bạn đang tìm. Chuyên gia Nicole Williams kể: “Người đầu tiên đầu tư cho tôi kinh doanh chính là hàng xóm sống cạnh nhà. Trước khi bắt chuyện, tôi không bao giờ ngờ được có ngày anh ta lại giúp mình”.

Đặt mục tiêu

Mục tiêu số một của bạn là tìm được việc làm, nhưng việc đề ra những mục tiêu nhỏ hơn sẽ giúp bạn hào hứng trên hành trình tiến đến đích. Nhà tư vấn kinh doanh Keith Ferrazzi - tác giả của Who’s Got Your Back? đề nghị nên lập ra mục tiêu hàng tuần, chẳng hạn: “Tôi sẽ gặp bốn đối tác tuần này” hoặc: “Tôi sẽ ghi danh vào một lớp học”. Điều này làm gia tăng cảm giác hoàn thành việc gì đó, ngay cả khi bạn chưa tìm ra công việc phù hợp. Ferrazzi còn nhấn mạnh: “Trên hết, bạn nhớ liên tục nhắc nhở bạn thân xác định bước tiếp theo phải làm gì”.

Theo Thời Trang Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.