Để không... phí khi giận người yêu

Yêu
Yêu
Đương nhiên, trong quá trình yêu nhau có lúc (nhiều lúc) chúng ta sẽ giận người yêu vì hiểu lầm nào đó hoặc vì sự vô tâm của người ta. Nhìn nhận như vậy để thấy rằng yêu nhau phải có lúc đối mặt với “sóng gió”, giận hờn, để mỗi khi giận ta có thể dừng lại cho cơn giận đi qua trong êm thấm...

Có một bạn trẻ chia sẻ rằng bạn vừa đánh mất tình yêu hai năm của mình chỉ vì bản thân hay giận, mà mỗi lần giận bạn đều nói nhiều, đã vậy còn nói sai, áp đặt người yêu vào những việc không có hoặc có nhưng chưa đến mức đó. Bạn kể: “Mỗi lần như vậy mình đều chì chiết cô ấy rất nhiều, bằng những ngôn từ khó nghe, không ít lần cô ấy đã khóc. Nguôi giận mình lại thấy thương cô ấy, lại xin lỗi và... lại tái phạm”. Đến lúc người yêu không chịu nổi nói chia tay, bạn mới “ngộ” ra điều đó thì đã quá muộn màng.

Một bạn khác 23 tuổi kể với người viết: “Người yêu của mình mỗi khi giận là đòi chia tay. Anh ấy nghĩ tình yêu như trò đùa hay sao ấy, cứ giận là hết yêu, hết giận lại yêu”. Và sau một thời gian yêu nhau bạn cảm thấy bị xúc phạm, vì những lần cãi nhau đều là những lần người yêu chia tay mình một cách lạnh lùng. Dường như trong đôi mắt buồn thăm thẳm của bạn đã nói lên một điều: cái gì cũng có giới hạn, mà với sự chịu đựng thì giới hạn ấy càng là một ẩn số.

Khi giận người yêu đương nhiên ta sẽ mất bình tĩnh, nhưng đừng để cơn giận điều khiển mình nói bậy, làm bậy như xúc xiểm người yêu, khơi lại vết thương cũ... Bởi những thứ ấy đều là “vũ khí” làm tổn thương, thậm chí giết chết tình yêu.

Để cơn giận không điều khiển mình thì bản thân người ấy phải bình tĩnh hoặc có khả năng lắng nghe chính mình, lắng nghe người yêu. Lắng nghe chính mình để biết mình đang giận vì cái gì, đúng hay sai, có thái quá không. Còn lắng nghe người yêu đồng nghĩa với việc mình cho cô/ anh ấy có cơ hội giãi bày những điều làm mình giận.

“Cao tay” hơn một tí, những người yêu nhau sau những lần giận vô cớ hoặc có cớ đều phải tự sửa, vì nhau mà sửa. Nếu ghen, giận vô cớ thì chủ thể của cơn giận phải sửa, lần sau không ghen vô cớ, không giận vu vơ nữa.

Còn nếu có cớ hẳn hoi thì phải xem ai vô tình, vô tâm tạo ra lỗi để người yêu mình giận mà có cách sửa chữa về sau. Phải làm được như vậy thì những lần giận nhau mới không phí, mới có ý nghĩa trong việc xây dựng một tình yêu đẹp, lâu bền!

Theo Tấn Khôi
Tuổi Trẻ
MỚI - NÓNG