Để ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn

Để ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn
Một tình yêu bền vững cần rất nhiều yếu tố. Trước hết, hai tâm hồn phải cùng hòa nhịp, đồng điệu. Khi yêu nhau cả hai phải cùng nhìn về một hướng dù cho có ở 2 đầu xa cách.

Cái thời “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” cũng không còn hoàn toàn đúng nữa. Bởi lẽ người ta không thể uống nước lã và hít khí trời để nuôi dưỡng một tình yêu được… Nhưng, theo tôi, có lẽ yếu tố đầu tiên để giữ vững một tình yêu “mãi màu xanh”, đó là sự cảm thông và biết chia sẻ với nhau về hoàn cảnh gia đình, về nghề nghiệp hiện tại.

Khi yêu nhau ai chẳng muốn có những chiều thứ bảy được chở nhau đi trên những cung đường hạnh phúc; ai chẳng mong sau giờ tan sở có người yêu đứng đón đợi cổng cơ quan; ai chẳng mong lỡ khi ốm đau có người yêu bên cạnh chăm sóc ân cần v.v…

Thế nhưng vì hoàn cảnh khách quan mà phải xa nhau cả về không gian và thời gian thì sao đây? Bạn có dám chắc rằng, khi xa nhau tình yêu trong bạn đối với “người ấy” vẫn đậm đà chung thủy không? Các cụ ta có câu “xa mặt, cách lòng” mà.

Tôi có  một người bạn cùng nhập ngũ. Trước khi đi bộ đội, cậu ta đã có bạn gái. Cô ấy là em họ tôi, một sinh viên sư phạm. Hai năm đầu quân ngũ, hai người vẫn còn yêu nhau lắm, bằng chứng là những lá thư nồng đượm của 2 người gửi cho nhau và lòng “vui như trẩy hội” của cậu ta sau lần nghỉ phép về thăm gia đình và người yêu.

Thế rồi, đến năm thứ 3, sự im lặng bắt đầu bao trùm lên mối tình của họ. Cô em họ tôi không còn hồi âm cho người yêu nữa, mà viết một lá thư cho tôi và nói rằng “Em không biết chuyện tình cảm của bọn em sẽ như thế nào nữa. Ba năm xa nhau… ra trường em làm giáo viên, anh ấy về xuất ngũ. Cuộc sống sau này thế nào đây? Thôi thì bây giờ đang ở xa nhau sẽ dễ nói lời chia tay hơn…”.

Tôi đã viết thư cho cô em họ nói hết lời mong sao tình yêu của họ vẫn tồn tại. Nhưng cuối cùng cậu bạn tôi vẫn không thể cứu vãn được tình yêu nữa, bởi cô bạn gái đã không thông cảm cho cuộc sống của người lính xa nhà như chúng tôi.

Lẽ ra, cô em họ tôi phải biết chia sẻ những khó khăn vất vả, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm của bạn tôi chứ, đằng này lại… dứt áo ra đi.

Là những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nên chúng tôi thường xuyên phải xa nhà. Một năm có khoảng 30 ngày phép. Trong 30 ngày nghỉ ấy, rất muốn trọn vẹn cả 30 ngày dành cho “em”, nhưng, các bạn gái thân mến ơi, “con người là tổng hòa các mối quan hệ của xã hội” mà.

Do vậy, chúng tôi phải chia 30 ngày nghỉ phép ra nhiều phần nhỏ: mươi ngày cho gia đình, dăm ngày đi thăm bà con họ hàng nội ngoại, thầy cô và bạn bè cũ; và số ngày còn lại (tất nhiên là nhiều hơn) sẽ dành cho em, nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với 11 tháng trời xa cách!

Mọi người thường quan niệm “lính thời bình” ấy mà! Nhưng đã là “lính” thì thời chiến cũng như thời bình, luôn luôn phải giữ nghiêm kỷ luật huấn luyện quân đội, không thể cứ thấy nhớ người yêu hay gia đình là có thể về liền ngay được.

Chính vì thế, trong tình yêu nam nữ nói chung, tình yêu của người lính nói riêng, rất cần sự chia sẻ và cảm thông thì tình yêu mới bền vững đậm đà. Và, trong thâm tâm tôi vẫn luôn tin rằng “ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn”.

MỚI - NÓNG