600 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã nghèo: Hầu hết đều lo đầu ra

Các trí thức trẻ phát biểu, đề xuất về đầu ra khi kết thúc dự án. Ảnh: Thuỳ Linh
Các trí thức trẻ phát biểu, đề xuất về đầu ra khi kết thúc dự án. Ảnh: Thuỳ Linh
TP - Ngày 23/9, tại Lào Cai, diễn ra hội nghị “Trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế- xã hội” với mong muốn các trí thức trẻ chia sẻ những kinh nghiệm, chương trình, mô hình phát triển cho địa phương. Hầu hết các đội viên dự án đều bày tỏ băn khoăn về đầu ra khi kết thúc dự án.

Hội nghị do Bộ Nội vụ và T.Ư Đoàn tổ chức, nhằm lắng nghe ý kiến các trí thức trẻ nhưng không có bất cứ đại diện nào của Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch (PCT) xã có mặt giải đáp.

Địa phương ủng hộ 

Bà Hà Thị Nga, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, Lào Cai có 3 huyện tham gia dự án (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai). Đa số các trí thức trẻ đều phát huy được năng lực chuyên môn với vai trò là PCT xã, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nông thôn mới ở các xã nghèo khó. Có 3 trí thức trẻ được bầu làm phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã; 24 đội viên được quy hoạch làm PCT xã nhiệm kỳ 2016-2021. Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc, hiện hộ nghèo còn hơn 12%. Đời sống người dân giữa vùng cao và đô thị còn chênh lệch.

“Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chung của cả nước và tỉnh nên rất cần đội ngũ trí thức trẻ có năng lực về vùng khó khăn làm cán bộ. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện cho đội viên phát huy năng lực, yên tâm tiếp tục công tác tại các địa phương thực hiện dự án”, bà Nga nói.

“Ngoài tinh giản 10% biên chế theo chỉ đạo của T.Ư, Lào Cai đề xuất tiếp tục giảm thêm 10% số cán bộ, công chức bằng đề án vị trí công tác và tinh giản biên chế của tỉnh. Do đó, sẽ có vị trí, biên chế cho các trí thức trẻ có năng lực, hiện đã và đang gắn bó với địa phương để tăng cường nguồn cán bộ các cấp. Lào Cai đảm bảo đầu ra cho các trí thức trẻ khi dự án kết thúc”.

   Bà Hà Thị Nga, Phó Bí thư thường trực 

Tỉnh ủy Lào Cai

Tại huyện Mường Ẳng, Điện Biên, có 7/10 xã tiếp nhận đội viên làm PCT xã. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch huyện Mường Ẳng cho rằng, dự án này có ý nghĩa, tạo nguồn cán bộ bổ sung cho địa phương. “Khi dự án triển khai, nhiều người ái ngại về kinh nghiệm công tác, lãnh đạo quản lý vì nhiều bạn chưa ngày nào làm công chức, chưa có kinh nghiệm công tác. Nhưng chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền tới các xã để tạo sự đồng thuận, ủng hộ tiếp nhận, tuyển chọn được cơ bản các trí thức trẻ là người địa phương, người dân tộc tại tỉnh nên dễ hoà nhập, phù hợp chuyên ngành đào tạo”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Lê Tiến Dũng, đến nay, có 2 trí thức trẻ là đại biểu HĐND huyện, một người là đại biểu HĐND xã; 3 trí thức trẻ được bầu vào BCH Đảng bộ xã, trong đó có một đội viên là Ủy viên BTV Đảng ủy xã; 6/7 trí thức trẻ được quy hoạch các chức danh: bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016-2021 và phó trưởng các phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Một đội viên được cử đi học lớp bồi dưỡng quản lý chương trình chuyên viên.

Bên cạnh việc đánh giá mặt tích cực, hạn chế của các đội viên, Điện Biên đặc biệt quan tâm đến đầu ra của các trí thức trẻ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, ưu tiên vị trí công tác cho trí thức trẻ có năng lực thực sự nhằm xoá nghèo cho những vùng khó khăn, nâng cao đời sống nhân dân.

Chưa biết đi đâu về đâu

Mặc dù Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 06 (ngày 29/4) về chỉ đạo các tỉnh thực hiện dự án thí điểm về đầu ra cho các PCT xã. Theo đó, bất cứ đội viên nào hoàn thành công việc trở lên đều được bố trí công tác khi kết thúc dự án. Nhưng dường như chỉ đạo này chưa “ngấm” tới các đội viên. Sơn La có 49 trí thức trẻ làm PCT xã, về tham dự hội nghị có 29 người, nhưng ai cũng băn khoăn không biết đi đâu, về đâu khi dự án kết thúc.

Đinh Thế Anh, PCT xã Tà Sùa (Bắc Yên, Sơn La) cho biết, đây là xã đặc biệt khó khăn với 100% dân tộc Mông sinh sống. Khi nhận nhiệm vụ, anh là người Mường duy nhất nên phải vượt qua mọi bất đồng ngôn ngữ. Sau 4 năm thực hiện nhiệm vụ, Thế Anh đề xuất: “Sau 5 năm thực hiện dự án, chúng tôi vẫn băn khoăn chưa biết đi đâu, làm gì khi hơn 30 tuổi, lúc đó đã có gia đình, cần ổn định công việc. Việc bổ nhiệm khi công chức đang sung sức phát triển, có khả năng cống hiến tốt nhất, tránh đề bạt công chức khi không còn khả năng phát triển hoặc có biểu hiện tụt hậu. Kiên quyết khắc phục tình trạng công chức bị kỷ luật hoặc không hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương này, lĩnh vực công tác này, lại được bố trí đảm nhận nhiệm vụ tương đương hoặc nhiệm vụ cao hơn ở địa phương khác, lĩnh vực công tác khác”.

Tráng Seo Pao, PCT xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) bày tỏ lo ngại khi nhiều địa phương lúng túng chưa đưa ra được hướng bố trí công tác cho các trí thức trẻ khi dự án chuẩn bị kết thúc. Anh Pao đề xuất các địa phương cần chủ động sắp xếp vị trí công tác, công việc phù hợp nhằm động viên trí thưc trẻ yên tâm công tác.

Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, những kiến nghị sẽ được tiếp thu và trao đổi với Bộ Nội vụ, xem xét bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, năng lực của trí thức trẻ. “Các bạn trí thức trẻ hãy khoan nghĩ đến việc cương vị, chức danh của mình mà phải xác định tâm thế nhận bất cứ công việc gì sau khi kết thúc dự án. Nhiệm vụ các bạn phải tiếp tục rèn luyện, thống kê lại qua dự án này đóng góp gì cho nhân dân, cho địa phương. Việc băn khoăn đầu ra cho các PCT xã không còn là vấn đề đáng lo ngại, vì thế, các trí thức trẻ hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, anh Huy nói.

Tranh thủ diễn đàn, nhiều trí thức trẻ quảng bá sản phẩm đặc sản đầu ra cho nhân dân. Chị Ninh Thị Kim Thao, PCT xã Bản Xen, Mường Khương (Lào Cai) giới thiệu giống lúa cho gạo Sén Cù nổi tiếng vùng Tây Bắc và sẵn sàng làm đầu mối cung cấp gạo ngon nhất đất Lào Cai cho khách hàng. Ngoài ra chị còn giới thiệu các loại ớt nhãn hiệu Bản Xen, trang trại nuôi tới 300 con lợn, xây dựng hệ thống bioga tận dụng phân thải làm bếp gas cho gia đình…

MỚI - NÓNG