Bi hài thực tập ở bệnh viện

Sinh viên thực tập tại bệnh viện. Ảnh: Lê Ngọc
Sinh viên thực tập tại bệnh viện. Ảnh: Lê Ngọc
TP - Sinh viên (SV) các trường y, dược thường bắt đầu thực tập từ năm thứ hai, đi học nửa buổi, thời gian còn lại chủ yếu là ở bệnh viện.

> Khi bác sỹ thú nhận chuyện 'phong bì'

Sinh viên thực tập tại bệnh viện. Ảnh: Lê Ngọc
Sinh viên thực tập tại bệnh viện. Ảnh: Lê Ngọc.
 

SV thực tập ở bệnh viện thường được giao rất nhiều việc: Từ đi lấy thuốc, tiêm, truyền, rửa vết thương đến thực hành trong nhà xác và thậm chí khám chữa bệnh ở các khoa tế nhị.

Lan Hương (Y4 ĐH Y Hà Nội) tâm sự, hãi nhất là những khi được giao chuyển bệnh nhân đã tử vong vào nhà xác. Nhiều bạn nữ thực tập vào một lần rồi lần sau xin bác sĩ tha cho.

Lê Thanh Nhã (SV năm 2 CĐ Y tế Hà Nội), cho biết chỉ những việc như sơ cứu người bị tai nạn giao thông (gãy vụn xương, mất một số bộ phận trên cơ thể) hoặc tiêm thuốc và băng bó vết thương... cũng khiến nhiều SV thực tập sợ cứng người.

Chuyện SV nam thực tập ở khoa sản và SV nữ làm ở nam khoa cũng trở nên bình thường. "Đụng chạm vùng kín của người khác đã ngại, đằng này lại là người khác giới. May mà đeo khẩu trang, nếu không bệnh nhân sẽ thấy mặt mình đỏ như gấc!", Lê Thị Thúy Ngà (CĐ Y tế Hà Nội) tâm sự.

"Đi thực tập mới thấy nghề y thật vất vả, có hôm trực suốt đêm không được ngủ, chạy đi chạy lại. Sáng hôm sau bọn mình vẫn phải đảm bảo lên lớp nghe giảng đầy đủ", Nguyễn Trọng Phán (SV năm 3 - Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam) chia sẻ.

Mang danh thực tập nên SV gian nan nhất là việc bệnh nhân bất hợp tác. Tại khoa ung bướu, bệnh nhân bị ung thư thường rất khó tính vì bị bệnh gây đau đớn, ức chế. Không ít lần nhìn thấy SV thực tập là bệnh nhân tỏ thái độ bất hợp tác. Các bạn thường kiên trì thuyết phục, nhưng không ít lần bật khóc vì bất lực.

Cũng mang danh thực tập nên các bạn thường phải làm những nhiệm vụ như thụt tháo, rửa ruột...cho bệnh nhân. Do thiếu kinh nghiệm, SV thực tập thường gặp rủi ro nghề nghiệp mà không biết giãi bày với ai như bị lây bệnh, tiêm không đúng cách khiến bệnh nhân phàn nàn...

Bài học cuộc sống

Đối với bạn trẻ mới vào nghề, ngoài việc học nghề, trau dồi kinh nghiệm, mỗi tình huống, câu chuyện trong môi trường bệnh viện đều là một bài học cuộc sống.

“Bọn mình còn trẻ đã phải chứng kiến bệnh nhân, người thân đau đớn, vật vã giữa sự sống và cái chết mới hiểu hết giá trị cuộc sống. Vì thế ai cũng cảm thấy vui khi người bệnh qua cơn nguy kịch, cũng đau đớn khi bất lực nhìn bệnh nhân ra đi. Qua đợt thực tập, mình thêm yêu cuộc sống và những người xung quanh”, Lê Thanh Nhã (CĐ Y tế Hà Nội), chia sẻ.

 

Nhiều nữ sinh sau khi thực tập ở khoa sản sợ không dám lấy chồng có con vì nhiều lần chứng kiến cảnh sản phụ sinh em bé kêu la, đau đớn. "Khi giúp sản phụ sinh em bé, mình vừa thương mẹ đã sinh ra mình, vừa thấy sợ", Nguyễn Hoài Thu (Học viện Y dược cổ truyền), nói.

Tuy nhiên, chuyện sinh nở cũng mang lại niềm hạnh phúc. "Có sản phụ vừa nằm lên bàn đẻ thì đầu em bé đã ...chui ra”, Hoàng Hà (Y3 Đại học Y HN) kể.

Nguyễn Hoàng Lan (Y4 - ĐH Y Hà Nội) có lần khám răng cho bé 4 tuổi, bảo bé há miệng ra không xong, bạn phải dùng mẹo nói "Há miệng ra để xem răng có đẹp không nào!" mới có kết quả. Với Lan đây không đơn giản là khám bệnh mà còn là bài học cuộc sống: Cần ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG