Bức họa đồng chí Trường Chinh và kỷ niệm của một chi đoàn

Bức họa đồng chí Trường Chinh và kỷ niệm của một chi đoàn
TP - Cách đây 43 năm, ngày 22/3/1964, một vinh dự lớn đối với đoàn viên trong chi đoàn thanh niên lớp tiếng Nga 4C, 4D khoa tiếng Nga (khóa 1960 – 1964) trường ĐHSP Hà Nội là được đồng chí Trường Chinh tiếp tại nhà riêng.
Bức họa đồng chí Trường Chinh và kỷ niệm của một chi đoàn ảnh 1
Bức họa chân dung cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Chúng tôi đã báo cáo với đồng chí Trường Chinh về những thành tích trong học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng, trong việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: Dạy bổ túc văn hóa, gặt lúa giúp dân, lao động tại nông trường Lương Sơn, Hòa Bình.

Đặc biệt, các đoàn viên trong chi đoàn đã tham gia rất tích cực, có hiệu quả trong việc xây dựng vườn hoa và dựng tượng Lý Tự Trọng, phòng truyền thống của trường cùng các hoạt động văn hóa, thể thao.

Đồng chí Trường Chinh chú ý lắng nghe và hỏi han tỉ mỉ đến những kết quả cụ thể trong học tập, sinh hoạt, đời sống của chúng tôi và nhắc nhở cần giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đối với các thầy, cô giáo Liên Xô đang giảng dạy tại trường.

Đồng chí nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Người cách mạng cần phải nắm được tiếng nói của Lênin”. Do vậy, các em phải học giỏi tiếng Nga để sau này dạy cho mọi người nắm được thứ tiếng này để làm công cụ phục vụ cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Ngồi chăm chú nghe từng lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh, tôi mạnh dạn vẽ chân dung của đồng chí. Bức chân dung tôi vẽ khá đạt. Đồng chí Trường Chinh xem qua gật đầu mỉm cười và đã đồng ý ký tên kỷ niệm của mình ở phía dưới bức chân dung. Năm tháng trôi qua, đến nay tôi vẫn lưu giữ cẩn thận bức chân dung đồng chí Trường Chinh. Đối với tôi đó là kỷ vật vô giá về một vị lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp, anh chị em trong chi đoàn chúng tôi sẵn sàng nhận mọi công tác được phân công ở mọi miền của đất nước: Giảng dạy tiếng Nga ở các trường đại học và phổ thông, làm công tác biên dịch và phiên dịch ở các vụ, viện, phục vụ trong quân đội, còn có người đã đi B tham gia chiến đấu và đã hy sinh.

Chi đoàn lớp tiếng Nga 4C, 4D năm ấy nay gặp lại bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm xưa và không quên, nhớ lại buổi gặp mặt đầy kỷ niệm với cố Tổng Bí thư Trường Chinh, người lãnh đạo dễ gần, dễ mến, luôn có tác phong sâu sát gần gũi quần chúng, thanh niên.

Phan Văn Bảo
(Nguyên Giảng viên tiếng Nga trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội và trường ĐHSP TPHCM)

MỚI - NÓNG