Chiếc áo mưa…se tình đôi lứa

Thượng úy Thanh Hải và cô dâu Na Na trong ngày cưới
Thượng úy Thanh Hải và cô dâu Na Na trong ngày cưới
TP - Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thanh Hải, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Sư đoàn 968, Quân khu 4, lấy được vợ nhờ... chiếc áo mưa.

Tôi và Hải là bạn học chung trường, cùng làm công tác tuyên huấn và cùng quê xứ Nghệ nên hay chia sẻ với nhau chuyện riêng tư. Một đêm cách đây chưa lâu, nhận cuộc điện thoại “khẩn cấp” của Hải khiến tôi bất ngờ.  “Mình chuẩn bị cưới vợ. Mời bạn về dự nhé. Từ nay đừng gọi là Hải cô đơn, ngại lắm!”. Trước sự háo hức của tôi về “sự lạ” này, Hải ấp úng: “Cô ấy sinh năm 1990, quê ở Quảng Trị, đang làm việc tại một công ty cách đơn vị chỉ vài cây số”. Tôi “truy” tiếp: “Quen và yêu nhau lâu chưa?”, Hải cười và nói “Bí mật, hôm nào về cưới sẽ biết”.

Bên ly rượu nồng trong ngày vui trọng đại, bao kỷ niệm tình yêu lại ùa về,  Hải kể: Tháng 7 năm ngoái, anh được đơn vị giao nhiệm vụ ra thành phố Đông Hà, Quảng Trị mua một số trang thiết bị chuẩn bị cho hội nghị quân chính. Trên đường quay về đơn vị, bất ngờ mưa giông ập đến mà anh lại không mang theo áo mưa. Trời bỗng chốc tối sầm, Hải cố gắng điều khiển xe máy rẽ vào hành lang của một công ty tài chính ở bên đường để trú mưa.

Mưa càng lúc càng nặng hạt, Hải lóng ngóng không biết tìm mua áo mưa ở đâu vì xung quanh vắng tanh. Đúng lúc đó, vừa hết giờ làm việc buổi chiều, một cô nhân viên trẻ bước ra từ trụ sở công ty. Sau một thoáng ngập ngừng, anh đánh liều lại gần hỏi nhỏ: “Cháu có mang thêm chiếc áo mưa nào không? Cho chú mượn, ngày mai chú đến trả”.

Đang khấp khởi hy vọng và cũng lo sẽ bị từ chối vì sự đường đột của mình thì Hải thấy cô gái cười hiền và đáp: “Hôm qua cháu bị mắc mưa nên mua dư một cái giờ vẫn còn. Chú dùng đi không phải trả lại mô”. Mặc vội chiếc áo mưa, Hải nói lời cảm ơn rồi khẩn trương về đơn vị. Suốt quãng đường về, hình bóng mảnh mai, má lúm đồng tiền cùng ánh mắt biết nói của cô gái cứ tràn ngập tâm trí anh…

Hôm sau anh đến công ty trả lại chiếc áo mưa và mời ân nhân đi uống nước nhưng vì trong giờ làm việc nên cô gái từ chối. Trước lúc về anh xin số điện thoại để liên lạc, ban đầu cô ngại không cho nhưng sau đó lại “xiêu lòng” khi anh khẳng định: “Cháu yên tâm, chú bộ đội sẽ không làm phiền cháu”.

Kể từ hôm ấy, mỗi lúc rảnh rỗi Hải và cô gái có cái tên dễ thương Nguyễn Thị Na Na lại nhắn tin trò chuyện với nhau. Có khả năng hội họa, những ngày nghỉ cuối tuần, Hải vẽ những bức tranh để làm quà tặng Na Na nhân các ngày lễ. Tình cảm giữa hai người từ xa lạ đến gần gũi yêu thương từ khi nào không hay. Ngày 8/3 năm nay, khi trao cho Na Na bức ký họa chân dung vẽ tặng cô, “chú Hải” nâng nhẹ bàn tay mềm mại của “cháu Na Na” và ngỏ lời: “Anh xin được ở lại Quảng Trị để làm bờ vai cho Na Na tựa vào suốt đời nhé!”. Tháng 7 vừa qua, đám cưới diễn ra trong niềm vui, hạnh phúc của hai đình, bạn bè và đồng đội.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.