Chơi đẹp vì muốn vui cả năm

Dân phượt gom rác ở những điểm du lịch sau khi du khách rút đi.
Dân phượt gom rác ở những điểm du lịch sau khi du khách rút đi.
TP - Sau Tết, song song với hội “bán than” về mặt trái lễ hội, về tình sầu Hoàng Kiều Ngọc Trinh… có một đội thanh niên chỉ share những hành động “chơi đẹp”. Tín ngưỡng của họ là: đẹp đầu năm, cả năm không xấu!

Faceart để “làm sạch” facebook

Faceart đơn giản là chỉ đăng trên tường facebook những tác phẩm nghệ thuật, thay vì những điều tiêu cực.

Khởi nguồn trào lưu này là nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức, người sáng lập Tadioto - một địa điểm sinh hoạt văn hóa, giải trí rất được các nghệ sĩ trẻ Hà Nội ưa thích. Đầu tháng 2, anh Đức kêu gọi những ai like ý tưởng của anh thì xướng tên một nghệ sĩ mà mình ngưỡng mộ và chia sẻ ảnh, viết đôi dòng cảm nhận về tác phẩm tâm đắc nhất của nghệ sĩ đó.

Anh Đức cho biết: ban đầu anh chỉ đặt mục tiêu thu hút sự chú ý của mọi người đến những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam, nhưng chỉ sau chưa đầy một tuần lan tỏa, faceart đã chia sẻ hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật bao gồm tranh, ảnh, phim, kịch, âm nhạc, kiến trúc và cả thời trang của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Có người gọi vui, đây là trào lưu “nghệ thuật xâm lấn facebook”. Số người “nghe thấy một tiếng vọng” và “thả con thuyền” theo faceart liên tục tăng lên. Giới trẻ có một câu tổng kết rất ăn khách về trào lưu này: muốn bổ mắt thì vào faceart!

 Một lý do khác khiến faceart thu hút đông người tham gia là càng tìm hiểu kỹ thì cơ hội một status thành một lớp học nghệ thuật càng cao. Trước một bức tranh hiếm hoặc một công trình nghệ thuật lạ, số lượng comment có thể lên đến hàng trăm lượt. Người đăng và người xem trao đổi với nhau về những thông tin xung quanh tác phẩm, về cái hay, cái dở cũng như những thang giá trị để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. Những câu cảm thán “hóa ra thế” xuất hiện càng thường xuyên thì dự đoán về “tuổi thọ” của trào lưu này càng lạc quan.

Một tuần sau khi faceart khuynh đảo facebook, người ta lại share nhau thông tin về một workshop “trị liệu nghệ thuật” do hanoigrapevine khởi xướng hướng dẫn người tham gia “yêu mình rồi mới yêu nhau”. “Trị liệu nghệ thuật” mới du nhập vào Việt Nam, là một phương pháp sáng tạo được sử dụng cho quá trình chữa lành và hàn gắn, giúp người chơi trải nghiệm làm giàu thêm công cụ ngôn ngữ, từ đó hiểu thêm về chính mình và thúc đẩy tình yêu thương bản thân.

Các phượt thủ dọn rác sau Tết

Dịp Tết năm nay “Đà Lạt thất thủ” vì lượng du khách khổng lồ đổ về đây. Nick Nguyễn Sơn chia sẻ: “Ngày mùng bốn Tết, tám giờ tối hầu hết nhà hàng đều đã đóng cửa từ chối phục vụ vì… hết lương thực”. Trong suốt tuần nghỉ Tết, mọi dịch vụ ở Đà Lạt đều quá tải. Và đến những ngày cuối cùng, khách du lịch rút đi, để lại rác gần như tràn ngập thành phố.

Trần Minh Hoàng (sinh năm 1997) quá bức xúc với ý thức của những người xả rác đã đứng lên kêu gọi bạn bè cùng tham gia dọn rác cho thành phố.

Lời kêu gọi của Hoàng đăng trên trang riêng của cộng đồng phượt đã lập tức được hưởng ứng và chia sẻ. Đến chiều tối, khoảng bốn mươi tình nguyện viên đã tập trung ngay quảng trường Lâm Viên để dọn rác. Mặc dù trước đó trời mưa nhưng nhóm vẫn “thu hoạch” được khoảng 30 túi rác to và còn lôi kéo được rất đông người dân xung quanh cùng tham gia.

Sức lan tỏa của hoạt động này lập tức tác động đến những người bán hàng rong ở Đà Lạt. Rất nhiều chủ quán nướng đã tự động chuẩn bị thùng và bịch lớn để gom rác của khách hàng.

Ngay sau thông tin của phượt Đà Lạt, một nhóm phượt Hà Nội cũng chia sẻ hình ảnh nhóm phải mất thêm nửa ngày để dọn rác tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Trên đường về Hà Nội, sau xe máy của nhiều phượt thủ còn lủng lẳng cả bao rác tái chế, để tìm đúng điểm đổ rác mới bỏ xuống được.

Tiếp đó, là thu hoạch của nhóm phượt Sài Gòn, trong hành trình đi dọn rác ở Núi Bà Đen. Thành viên Pmytrung kể: Với hơn chục con người chúng tôi nhìn như những người đi móc bọc nilon, tay trái bao tải đựng rác, tay phải thì cây sắt móc rác. Nhiều bạn trẻ lúc đầu tưởng chúng tôi bị khìn, những kẻ vô công rỗi nghề vì dọn rác ở nơi mà “có dọn cả năm cũng không hết”.

Bắt tay vào công việc mới thấy là khối lượng rác thải khổng lồ trên hai con đường leo lên đỉnh (đường cột điện và đường phía nhà chùa), phải cần rất nhiều người và nhiều đoàn mới có thể phần nào sạch được”.

Không ít phượt thủ, học sinh, sinh viên sau khi like những hình ảnh này đã hào hiệp để lại lời nhắn: “lần sau đi bới rác đâu nhớ ới em”! Những slogan kiểu như: đi du lịch đừng để lại gì ngoài những dấu chân thì được share liên tục!

Chơi đẹp vì muốn vui cả năm ảnh 1

Những bức ảnh “đọc sách thật phong cách” được dân mạng share nhiều kèm khẩu hiệu: năm mới tri thức mới!.

Tin vui từ sách

Trước Tết, dân mạng tung hô phong trào “đọc sách thật phong cách” thu hút rất đông người nổi tiếng tham gia. Sau đó, mode chụp ảnh cùng sách rộ lên một thời gian dài. Nhiều tác phẩm mới xuất bản vào cuối năm được nam thanh nữ tú lăng-xê không công, bao gồm cả những bản “khó gặm” kiểu như: Đợi đến lượt (tác giả Đinh Phương), Hoa cúc xanh (tác giả: Karel Capek), hay những cuốn khảo cứu như “Văn minh Việt Nam” (tác giả: Nguyễn Văn Huyên) cho đến những tên sách hot kiểu: “Cho xem đùi nào Leila” (tác giả: Rachid El-Daif, Thuận dịch) hay “Bên này thương bên kia” (tác giả: Tùng Leo)…

Hội yêu sách lập hẳn một nhóm mở để khoe năm mới mỗi người “nghiến” xong bao nhiêu cuốn, cuốn nào hay và lạ. Nhóm này không đông nhưng hoạt động bền bỉ và đều đặn, cũng đã bắt đầu gieo rắc được thói quen đọc sách ở một số bạn trẻ.

Nguyễn Thảo Phạm chia sẻ: “Trước kia toàn đọc ngôn tình qua mạng, khi có người tặng bộ “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào” của Ichikama Takuji mới thấy hóa ra ngôn tình cũng có thể viết tinh tế và xúc động như vậy. Thế là mình quay sang yêu sách giấy. Bây giờ đang tập đọc “Rừng Nauy”.

Trần Huy lại có một lý do khác: “Vì bác sĩ mắt yêu cầu phải giảm thời gian dùng máy tính nên đi đâu cũng phải dúi cuốn sách vào túi để giết thời gian. Đọc lâu thành quen, thành thích, giờ là nghiện”.

Hội yêu sách cũng là những người chia sẻ nồng nhiệt nhất thành công của hai hội chợ sách dịp Tết. Cụ thể, tại Hà Nội, sau một tuần trưng bày, phố sách bán được 250.000 đầu sách, đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê từ Sở thông tin và Truyền thông, doanh thu của đường sách Tết sau 8 ngày hoạt động là 3,37 tỷ đồng, thu hút hơn một triệu lượt người tham quan và mua sắm. Đặc biệt, dịch vụ xe sách lưu động phục vụ bạn đọc khiếm thị đã thu hút hơn 300.000 lượt người quan tâm.

Một trong số những tác giả trẻ có ý thức trong việc “xúi giục” mọi người đọc sách là nhà văn Đỗ Nhật Phi (giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 với tác phẩm “Người ngủ thuê”) thì thường xuyên tổ chức các workshop miễn phí nói về cách đọc và cách cảm thụ văn học. Các nhà văn khác như Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy, dịch giả Cao Việt Dũng, Lâm Vũ Thao… lại thường xuyên chia sẻ cảm nhận và giới thiệu sách mới trên trang cá nhân của mình. Bài viết của những người này thường được chia sẻ với tần suất cao và có lượng fan tương đối bền vững.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.