Chủ đề Bác Hồ với thanh thiếu nhi ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam

Chủ đề Bác Hồ với thanh thiếu nhi ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam
TP - Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam thuộc TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khánh thành vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đoàn (26/3/2006) thu hút nhiều khách tham quan từ Bắc vào Nam.
Chủ đề Bác Hồ với thanh thiếu nhi ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam ảnh 1
Bìa cuốn "Dấu chân trong rừng"  do NXB Kim Đồng in năm 1961 kể về một chuyến đi công tác của Bác Hồ.

Gây ấn tượng sâu sắc là phần trưng bày chủ đề “Bác với thanh thiếu nhi và thanh thiếu nhi với Bác” bởi những tư liệu, hiện vật độc đáo, quý hiếm.

Mở đầu phần trưng bày về con đường đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, người xem bắt gặp tại nơi trang trọng của bảo tàng một tập giấy đã ngả màu, sờn góc nhưng nét chữ viết tay nắn nót còn rất rõ.

Đây là bản dịch đầu tiên và duy nhất bản “Luận cương về thanh niên thuộc địa” nổi tiếng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì soạn thảo và trực tiếp trình bày trước Đại hội Quốc tế Thanh niên cộng sản lần thứ IV (7/1924) ở Matxcơva với tư cách là ủy viên trong Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Bên cạnh tư liệu vô giá này là tấm thẻ đại biểu số 94 mang tên Ái Quốc (phiên âm theo tiếng Nga) với chân dung của Bác – người đại biểu duy nhất của thanh niên Đông Dương và cũng là đại biểu duy nhất của thanh niên thuộc địa trên thế giới lúc ấy.

Khách tham quan Bảo tàng được thấy chân dung Đàm Minh Viễn (tức Đức Thanh), người được Bác giao xây dựng tổ chức Đoàn TN Cứu quốc ở Hà Quảng và tuyên truyền, giác ngộ, kết nạp 5 đội viên Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên ở Nà Mạ (Hà Quảng, Cao Bằng) cùng nhiều tài liệu, hiện vật gốc được sưu tầm tại chỗ vào thập niên 50 của thế kỷ trước.

Những hiện vật này mang đậm dấu ấn và hình bóng của Bác, gợi lại trong tâm trí người xem về một “Già Thu”, một “Ông Ké” rất yêu trẻ, “sáng ra bờ suối, tối vào hang” miệt mài làm việc cho cách mạng.

Cạnh những hiện vật nêu trên là cuốn sách “Dấu chân trong rừng” xuất bản cách nay đã 45 năm, bìa ba mầu khắc họa hình ảnh một ông “thầy cúng” đầu đội nón Nùng, y phục Nùng cùng một cậu bé đội mũ nồi khệ nệ xách bu gà đi trước.

“Dấu chân trong rừng” kể về một chuyến đi công tác của Bác từ Pắc Pó sang Pài Cốc trong vai bố con ông thầy cúng để che mắt địch thời kỳ hoạt động bí mật. Trước khi phát hành, sách được gửi lên văn phòng của Bác và được Văn phòng Phủ Chủ tịch đóng dấu cho phép lưu hành (xem ảnh).

Bên cạnh nhiều bức ảnh lịch sử có giá trị là lá cờ đỏ thêu chữ vàng của đơn vị “Thanh niên tự vệ Hoàng Diệu” kính tặng Bác làm cho người xem thêm xúc động trước ý chí của toàn dân và tuổi trẻ Thủ đô thề quyết tâm “Kháng chiến và Kiến quốc” theo lời kêu gọi của vị Cha già dân tộc.

Và trong khói lửa của những năm đầu kháng chiến đầy gian khổ, ta lại được thấy hình ảnh Bác xắn quần trèo đèo, lội suối cùng với các chiến sĩ.

Chủ đề Bác Hồ với thanh thiếu nhi ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam ảnh 2
Bức ảnh anh Trỗi trên trường bắn có lời đề của Bác in trên Tiên phong dịp 26/3/1965.

Vậy mà từ rừng sâu Việt Bắc, lúc nhận được tờ báo “Xung phong”, cơ quan của “trẻ em yêu nước” tỉnh Hải Dương gửi tặng Người (năm 1947), Bác lấy tấm danh thiếp của mình (hai mặt đều có in rõ tên của Người bằng hai thứ chữ Việt, Hán cùng dấu triện đỏ) và tự tay đánh máy 8 câu thơ gửi tặng các cháu thiếu nhi Hải Dương.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng và trong cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà, hình ảnh của Bác với tuổi trẻ và tuổi trẻ với Bác được thể hiện hết sức phong phú…

Bác đến thăm một cơ sở Đoàn thuộc tỉnh Hưng Yên đang đào mương làm thủy lợi, nghe Bí thư chi đoàn Phạm Thị Vách và Bí thư Tỉnh Đoàn báo cáo kết quả công tác.

Bác hỏi mọi người có mặt: “Cháu Vách có xứng đáng được thưởng huy hiệu của Bác không?”. Khi nghe mọi người đồng thanh: “Có ạ”, Bác rất vui lấy chiếc huy hiệu khen tặng chị.

Giờ đây, tấm ảnh quý báu, chiếc huy hiệu mang chân dung Bác và cả chiếc áo cánh nâu thấm đẫm mồ hôi của chị Vách tại công trường đang hiện diện tại Bảo tàng phản ánh một cách sống động sự quan tâm của Bác đối với tuổi trẻ cũng như gợi lại cho người xem về một thời tuổi trẻ Hưng Yên “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”.

Tại cuộc mít tinh hôm ấy, Bác nhắc nhở tuổi trẻ phải ra sức xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn cho miền Nam. Đối với Bác, miền Nam luôn trong trái tim của Người.

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể rằng khi nhận được bức ảnh anh Trỗi trên pháp trường do TW Đoàn gửi lên, Bác ngồi lặng, đặt tay lên trán rồi lấy bút ghi vào dưới ảnh hai câu sau đó bảo đồng chí gửi ngay lại cho TW Đoàn.

Bức ảnh anh Trỗi với lời đề của Bác trở thành một trong những sự kiện quan trọng vào dịp kỷ niệm 24 năm ngày thành lập Đoàn lúc bấy giờ (26/3/1965).

Báo Tiền phong đã cho in lên trang nhất (chữ lớn) lời đề của Bác và ảnh anh Trỗi có bút tích của Bác cùng bài xã luận cổ vũ tuổi trẻ cả nước anh dũng tiến lên theo lời Bác dạy.

NXB Thanh Niên cho phát hành với số lượng rất lớn bức ảnh này, gửi đến các cơ sở Đoàn từ Bắc vào Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, Thành Đoàn TP. HCM tìm thấy ảnh anh Trỗi (của NXB Thanh Niên) có lời đề của Bác in trên báo “Xung phong” cơ quan của tổ chức Đoàn miền Nam ở Tây Ninh và địa đạo Củ Chi (TP.HCM).

Có thể xem đây là những báu vật trong hàng nghìn hiện vật mà nhà sử học Văn Tùng đã hiến tặng cho TW Đoàn suốt gần 50 năm sưu tầm, bảo quản để xây dựng tư liệu cho Bảo tàng Tuổi trẻ hôm nay.

Kim Duyên
Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam

MỚI - NÓNG