Cô gái Thụy Sỹ có trái tim bồ tát

Aline Rebeaud – Tim.
Aline Rebeaud – Tim.
TP - Tên thật của cô là Aline Rebeaud nhưng mọi người xung quanh thường gọi cô là Tim (Nghĩa là trái tim). Chính vì thế tên tiếng Việt của cô là Hoàng Nữ Ngọc Tim. Tim sinh trưởng tại Thụy Sỹ, nhưng cô đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn hơn 20 năm chỉ vì một lần tình cờ đến Việt Nam du lịch.

Từ ngôi nhà mang tên May Mắn

Tim sinh ra trong một gia đình bình thường tại Thụy Sỹ, bố là nhà báo, mẹ là ca sỹ phòng trà. Bất hạnh đầu tiên ập xuống gia đình là đứa em trai của Tim bị câm điếc. Nhưng Tim bảo đó không phải là bất hạnh vì nhờ chăm sóc em, ngay từ nhỏ Tim đã có những hiểu biết đầu tiên về người khuyết tật khi phải học ngôn ngữ ra dấu để nói chuyện và chăm sóc em. Một lần đi thư viện, Tim khóc khi được đọc một cuốn sách nói về Việt Nam thời chiến tranh với nhiều người thương tật. Rồi một anh nhạc sỹ quen Tim đã kể cho cô nghe về Việt Nam, một mảnh đất hình chữ S với những phong cảnh đầy thơ mộng, những món ăn ngon và con người hiếu khách. Tim bảo lúc đó cô đã mong muốn được tới Việt Nam. Hơn 20 tuổi, khi đang là một họa sỹ có triển vọng, Tim quyết đi du lịch theo kiểu… Tây balô. Tự mình đi bằng xe lửa, xe buýt, xe tải, tàu thủy và cả xe ngựa lẫn đi bộ, Tim qua hết châu Âu, qua châu Á và tại Sài Gòn năm 1993, diễn ra một cuộc gặp gỡ định mệnh để Tim chọn Việt Nam là nơi dừng chân.

Tim kể: “Trong một hẻm nhỏ ngoại ô Sài Gòn, tôi đã gặp một cậu bé ăn mày tên Dũng. Cậu ta xin tiền, tôi không cho mà dắt cậu ra một quán hủ tiếu. Qua cách nói của bà chủ quán mà tôi hiểu vài từ thì cậu bé mồ côi cha mẹ, không nhà cửa, sống lang thang ở khu vực này. Ăn xong, tôi thấy tội nên bảo cậu ta về khách sạn với mình. Nhưng người quản lý khách sạn không cho cậu ta vào vì cậu ta không có giấy tờ gì. Thế là tôi phải bỏ cậu ta lại”. Suốt đêm đó, Tim nghĩ đến cậu bé, và thật bất ngờ sáng hôm sau khi cô vừa ra khỏi khách sạn thì cậu bé đã chờ ở đó từ bao giờ. Tim đã dắt cậu bé đi mua quần áo, ghé nhà người quen cho cậu bé tắm rửa. Rồi phát hiện cậu bé bị bệnh, Tim đưa đến bác sỹ khám. Tim bảo cô tự coi đó như em trai của mình và phải có nghĩa vụ chăm sóc. Rồi Tim tìm cách làm giấy tờ cho cậu bé, nhưng vì thủ tục quá khó khăn nên cô tìm đến với các cơ sở xã hội để hy vọng xin cho cậu bé chỗ trú chân. Tìm mãi mới được một nơi nhận nuôi cậu bé nhưng họ yêu cầu Tim phải bổ sung giấy tờ. Cô đi xin giấy chứng nhận, nhưng khi quay lại thì cậu bé đã bỏ trốn khỏi trung tâm, Tim đi tìm rất nhiều ngày mà không gặp. Một lần nữa định mệnh lại đến với Tim khi cô gặp một cậu bé tên Thành đang bị bệnh nặng tưởng như sắp chết tại một trung tâm chăm sóc người tâm thần. Tim đã bỏ công chăm sóc Thành, đưa Thành đi những bệnh viện tốt nhất để chữa trị. Nhờ đó, Thành khỏe trở lại. Tim thuê một căn nhà rồi tình nguyện ở lại chăm sóc cậu bé. Năm đó Tim chỉ vừa 21 tuổi.

Cô gái Thụy Sỹ có trái tim bồ tát ảnh 1 Đầm ấm bữa ăn trong ngôi nhà May Mắn.

Rồi một lần tình cờ gặp một cậu bé khác lang thang ngoài đường, Tim rủ cậu về ở chung. Thế là dần dần, ngôi nhà của Tim thành mái ấm cho những người cơ nhỡ, những người khuyết tật. Căn nhà dần trở lên chật chội và Tim nghĩ tới việc sẽ phải kiếm một căn nhà khác lớn hơn để có thể cho nhiều người cơ nhỡ đến ở. Những người chung quanh biết hoạt động từ thiện của Tim và họ cũng giới thiệu cho cô vài địa chỉ mà theo họ thì những người ở đó còn bất hạnh hơn rất nhiều. Tim bảo: “Những người bất hạnh tìm tới tôi thì sao tôi từ chối được. Tôi đã đem lại chút hy vọng với cuộc sống, nếu tôi bỏ đi, tôi sẽ tước đoạt đi niềm hy vọng của họ. Thế là tôi quyết định ở lại, mua nhà làm mái ấm cho họ”. Trước khi đến Việt Nam, Tim cũng đã có một số bức tranh được người mua đánh giá cao.  Rồi người nhà khi biết Tim ở lại Việt Nam cũng ủng hộ tiền bạc. Vì thế Tim có một số tiền nhất định để mở mái ấm. Nhưng về lâu dài thì số tiền đó còn quá nhỏ nhoi. Tim quyết định tìm nguồn viện trợ từ các tổ chức từ thiện nước ngoài. Và nhờ sự giúp đỡ đó cùng với những người hảo tâm tại Việt Nam, năm 1996, từ căn nhà thuê ban đầu, ngôi nhà mang tên May Mắn do Tim xây dựng đã ra đời với hơn 50 thành viên.

Nhờ sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện, từ ngôi nhà May Mắn đầu tiên, giờ Tim có 3 trung tâm và đang chuẩn bị hoàn thiện trung tâm thứ tư với quy mô có thể chứa tới cả ngàn người”.

Người phụ nữ có trái tim Vàng

Tôi tới thăm ngôi nhà May Mắn vào buổi trưa, khi tất cả những thành viên ở đây đang quây quần ăn cơm. Tim đi vắng và trước khi đi cô cẩn thận nhờ Hiền - một thành viên trong nhà hướng dẫn giới thiệu căn nhà cho tôi. Đó là những căn hộ được thiết kế dành riêng cho người khuyết tật với cầu thang dốc có thể đi được xe lăn. Hiện nay toàn bộ nhà May Mắn có hơn 30 căn hộ như vậy, trong đó có những căn hộ dành cho gia đình. Bên trong khuôn viên có cả hồ bơi để trị liệu. Và phía bên kia hồ bơi là một ngôi trường với đủ lớp học từ mầm non đến hết cấp 1. Theo Hiền, trường không chỉ dạy con của những người khuyết tật mà những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn bên ngoài đều có thể vào học. Ở đây còn có xưởng may, xưởng vẽ, xưởng làm hàng thủ công mỹ nghệ, xưởng làm bánh, phòng tin học, phòng chế tác đá quý, căng tin… Theo Hiền đây là những nơi vừa dạy nghề vừa làm việc để các học viên có thể tự làm ra sản phẩm, tự nuôi sống bản thân bằng lao động của mình.

Cô gái Thụy Sỹ có trái tim bồ tát ảnh 2 Đại gia đình nhà May Mắn.

Bản thân Hiền cũng là một người có hoàn cảnh khó khăn khi mồ côi và bị liệt 2 chân. 15 tuổi, Hiền sống vạ vật nhiều nơi nhờ lòng từ thiện rồi được giới thiệu vào nhà May Mắn. “Được sư động viên giúp đỡ của Tim, tôi đi học tiếng Pháp, học tin học rồi học nghề may. Cuối cùng tôi đã chọn nghề may vì phù hợp với tôi và tôi đã tự lo được cho bản thân. Hơn nữa ở đây tôi đã tìm được hạnh phúc của mình khi có một người đồng cảnh ngộ đã hiểu và thương tôi. Chúng tôi đã có 2 đứa con và được sống trong một căn hộ tại trung tâm. Giờ tôi chọn nhà May Mắn là nơi làm việc vì nơi đây phù hợp với tôi cũng như để giúp đỡ những người khác như chúng tôi”- Hiền kể.

Không chỉ Hiền mà mỗi người trong nhà đều có một câu chuyện riêng. Như trường hợp anh Đỗ Minh Tâm, bị liệt tứ chi nằm một chỗ và bị gia đình bỏ rơi ở bệnh viện. Tưởng cuộc đời như bỏ đi, nhưng anh Tâm may mắn được Tim nhận về Nhà May Mắn chăm lo thuốc thang chữa trị bệnh tật. Để xua tan đi những u ám trong cuộc đời Tâm, Tim dạy cho Tâm vẽ tranh bằng miệng và giờ anh có thể sống với nghề vẽ. Cũng cùng hoàn cảnh với Tâm, Vũ bị tai nạn trên đường đi học. Nhà nghèo không biết bấu víu vào đâu, Vũ được Tim đón về. Sau 8 năm được ở nhà May Mắn, từ một người không đi lại được do bị gãy đốt sống cổ, liệt tứ chi, bằng các phương pháp vật lý trị liệu, Vũ đã di chuyển được bằng xe lăn. Giờ đây, Vũ trở thành người quản lý phòng vi tính, dạy cho các bạn có cùng cảnh ngộ khác.

Tim về. Cô khoe đã được cấp quốc tịch Việt Nam vì cô mong muốn dự án này sẽ tồn tại mãi, dù sau này không có Tim. Hơn 20 năm ở Việt Nam, Tim đã lo cho cuộc sống của hơn 400 con người khuyết tật trở lên thành người có ích. Đã có 15 cặp vợ chồng được vun vén từ nhà May Mắn, hàng trăm đứa trẻ tưởng như bất hạnh giờ đã được ăn học đàng hoàng. Hiện trung tâm của Tim không chỉ có mình Tim, những người làm từ thiện ở Việt Nam, ở khắp nơi trên thế giới vẫn tìm đến với Tim, người giúp tiền, người làm tình nguyện. Vì thế Tim đã chuẩn bị ra ngôi nhà May Mắn thứ tại Đắk Nông với quy mô trên 300 thành viên. 

Hơn 20 năm, tuổi thanh xuân của Tim cũng trôi nhanh nhưng Tim không nghĩ đến bản thân mình. “Tụi nhỏ thương Tim lắm, muốn mình có hạnh phúc. Nhưng nếu lập gia đình riêng, rồi có con như người ta, thì làm sao còn đủ thời gian quán xuyến hết mọi việc ở nhà May Mắn. Lo cho mọi người là hạnh phúc của Tim rồi”.

MỚI - NÓNG