Công nhân khu công nghiệp với nỗi khổ "nhiều không"

Công nhân khu công nghiệp với nỗi khổ "nhiều không"
1.000 đồng/bữa trưa, 1,5m2 nhà trọ/người. Nhiều công nhân lao động các KCN, KCX ở Hà Nội đang sống thiếu thốn đủ bề với nhiều ngày nhịn đói và tình trạng "mù văn hóa tinh thần".

"Năm nay em 23 tuổi, vào làm công nhân ở Công ty Denso đến tháng 10 này là tròn 3 năm. Lương em mỗi tháng 850.000 đồng. Trừ các chi phí, em dành được gần 300.000 gửi về cho bố mẹ nuôi 2 em ăn học" - Nguyễn Kim Thanh, quê Vĩnh Phúc tâm sự.

Những chi phí mà Thanh kể là 150.000 đồng tiền trọ cùng 3 bạn nữ khác trong căn phòng 6m2 nóng nực, hơn 200.000 tiền điện, nước, mừng sinh nhật, đám cưới và thuốc thang khi ốm đau; 150.000 tiền ăn cho 30 ngày mỗi tháng...

"Không riêng em, hầu hết các bạn nữ công nhân khác cùng dãy nhà trọ đều sống như vậy. Chúng em cố gắng tằn tiện để có tiền gửi về nhà. Ai cũng nghèo, cũng khó khăn" - Thanh bộc bạch.

Khổ về vật chất, sinh hoạt đã đành, Thanh và nhiều nữ công nhân khác còn thiệt thòi đủ thứ khi phải sống trong môi trường "3 không": không tivi, không đài báo, không có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài.

Thanh cho biết, mỗi ngày, em và các bạn làm ca cố định hơn 8 tiếng, đăng ký làm thêm cũng mất vài ba tiếng nữa. Mỗi giờ làm thêm, công nhân chỉ được trả ... 4.000 đồng.

"Làm ca mệt phờ nên về đến nhà trọ là chúng em lăn ra ngủ. Một vài công nhân khác, do thiếu chất lâu ngày nên khi làm việc trong môi trường chạy máy lạnh, không chịu được nên bị ngất" - Thanh kể.

Cùng điều kiện sống tương tự, nhiều nữ công nhân Công ty Dệt may Phù Đổng (Gia Lâm) cũng đang vật lộn để vừa có thể tồn tại, vừa gom góp chút tiền gửi về nuôi mẹ, nuôi em.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một công nhân của Dệt may Phù Đổng cho biết: Mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng quan tâm hỗ trợ cho người lao động song vì phần lớn công nhân đến từ tỉnh lẻ, hoàn cảnh nghèo khó nên để có tiền gửi về gia đình, nhiều người phải nhịn ăn nhịn mặc. Bữa trưa được nghỉ 45 phút, nhiều nữ công nhân chỉ dám ăn một cái bánh ngọt giá 1.000 đồng!

Tăng lương = chờ mất việc!

Công nhân khu công nghiệp với nỗi khổ "nhiều không" ảnh 1
Ông Đinh Văn Bào: "DN phải xác định cùng trên một con thuyền với Công đoàn thì mới làm ăn khấm khá".

Thú nhận lý do nhiều DN trốn đóng bảo hiểm và các khoản phúc lợi cho công nhân, Giám đốc Công ty TNHH Phù Đổng - Dương Đức Thanh cho biết: Vì đó là khoản chi phí cố định lớn mà DN phải chi trả thường xuyên. Đặc biệt, khi Nhà nước có chính sách tăng lương, khó khăn lại nhân lên gấp bội đối với DN phải vay vốn ngân hàng làm ăn, chi phí sản xuất ngày một lớn trong khi lợi nhuận, doanh thu đều không biến chuyển.

"Vì vậy mà mỗi khi nghe tin có quyết định tăng lương, DN chúng tôi lại nơm nớp như ngồi trên đống lửa, chỉ lo phá sản, đồng nghĩa với việc giải thể và công nhân mất việc"- ông Thanh nói.

Cũng theo phân bua của ông Thanh, Công ty có thể thực hiện chi ăn trưa cho công nhân 15.000 đồng/ngày như quy định, hoặc xây nhà cho công nhân ở trọ, nhưng như vậy thì hết sạch lãi, không còn vốn tái đầu tư sản xuất.

"Vốn làm ăn thì phải vay ngân hàng, thò được đồng lãi nào ra, chưa kịp làm phúc lợi thì ông ngân hàng đã xơi hết. Buộc lòng các DN chúng tôi muốn tồn tại phải co kéo, giảm bớt số lượng công nhân được đóng bảo hiểm. Đi vay ngân hàng bây giờ để kinh doanh thì không thể có lãi, trừ đi buôn lậu" - ông Thanh kết luận.

Ông Đinh Văn Bào, Giám đốc Công ty LADODA lại nêu một quan điểm hoàn toàn khác. Theo ông Bào, chỉ khi DN xác định "cùng đi trên một con thuyền với công đoàn" thì DN đó mới có thể làm ăn khấm khá.

Ông này dẫn chứng bằng kinh nghiệm chủ động giải quyết chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những lo lắng, khó khăn với người LĐ của mình. Thậm chí, Ban Giám đốc DN này còn đứng ra "thầu" tổ chức đám cưới cho công nhân theo nếp sống mới, giản dị mà hiệu quả. Số tiền mừng dôi ra, đem tặng hết cho cô dâu, chú rể.

"Ngoài việc chăm lo đời sống tinh thần, chúng tôi đang phấn đấu năm nay sẽ nâng mức lương tối thiểu của công nhân lên 700.000đồng, còn tối đa thì không hạn chế" - ông Bào phấn khởi nói.

"Nên lập quỹ hỗ trợ cho công nhân"

Để giúp công nhân lao động bớt khó khăn, tại buổi tọa đàm do Liên đoàn LĐ TP.Hà Nội tổ chức sáng 17/5, đại diện nhiều cơ quan ban ngành đều cho rằng: cần phải nâng cao nhận thức về pháp luật cho công nhân để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.

Giám đốc điều hành Công ty Nhật Quang nêu suy nghĩ khác: Điều quan trọng cần làm cho công nhân LĐ hiện nay không phải là nâng cao pháp luật hay cái gì đó cao siêu mà phải trang bị cho họ những kiến thức mới nhất về công nghệ sản xuất hiện đại.

Từ quan điểm đó, DN này đã dành khá nhiều kinh phí để mời các chuyên gia nước ngoài về dạy cho công nhân, cụ thể hóa những khái niệm thế nào là nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí bằng những bài học trực quan, sinh động.

"Nhờ được đào luyện những kiến thức, kỹ năng về công nghệ sản xuất hiện đại, công nhân ở đây có bỏ đi nơi khác cũng không bị bỡ ngỡ trước những dây chuyền công nghệ sản xuất tương tự" - đại diện Công ty  Nhật Quang lý giải.

Trước những đòi hỏi đặt ra cho phía chủ DN, bà Đoàn Thị Hữu Nghị, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Việt Hưng cho rằng, Nhà nước phải xắn tay cùng DN tháo gỡ những khó khăn của công nhân LĐ chứ không thể để gánh nặng này cho một mình DN.

"DN chúng tôi thành lập từ 1988. Từ đó đến nay đã bỏ ra không biết bao nhiêu kinh phí đào tạo LĐ, trung bình mỗi LĐ làm ở Công ty, chúng tôi mất ít nhất 5 triệu cho chi phí này. Nếu để một mình DN phải gánh chi phí đó, trong khi các cơ quan chức năng chỉ biết yêu cầu nào là phát triển bền vững, nào là phải chăm lo cho con người vì "con người là vốn quý", trong khi vốn đấy là vốn lưu động, hôm nay ở DN này, mai sẵn sàng chạy theo DN khác, thì DN không thể gánh nổi" - bà Nghị trần tình.

Theo đề nghị của bà Đoàn Thị Hữu Nghị, nên lập một quỹ hỗ trợ cho nữ công nhân LĐ nhập cư vào thành phố. Quỹ này sẽ dành để giúp họ nâng cao pháp luật, tiếp cận với những điều kiện sinh hoạt tinh thần và đặc biệt là nâng cao kỹ thuật công nghệ. Biện pháp quan trọng nữa là định kỳ hàng năm, thành phố nên tổ chức thi nâng cao tay nghề cho công nhân. "Nếu công nhân nào tay nghề năm sau cao hơn năm trước thì nên nâng bậc lương và các chế độ ưu đãi cho họ" - bà Nghị đề xuất.

Nguyệt Minh

MỚI - NÓNG