Đám cưới cô dâu Việt ở xứ Sương mù

Lâu đài nơi đám cưới diễn ra.
Lâu đài nơi đám cưới diễn ra.
TP - Nhận được thiếp mời dự đám cưới của con gái vợ chồng anh bạn thân tổ chức ở Anh, tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc chương trình lễ cưới kéo dài từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm - việc ở Việt Nam chưa có.

Sau chặng bay dài đến Luân Đôn, chúng tôi tiếp tục đi bằng xe ô tô xuống vùng quê nơi tổ chức đám cưới. Nước Anh mùa hè thật đẹp. Hai bên đường là những bức tranh kỳ vỹ, nên thơ được vẽ bởi những thảm lúa mì màu vàng óng, những cánh đồng cỏ xanh tít tắp, những đàn cừu ung dung gặm cỏ… Một điều ngạc nhiên và thú vị là ở các quán ăn, các trạm dừng chân ở thị trấn và dọc theo các con phố rồi trên xa lộ không hề thấy bóng dáng cảnh sát hay một trạm cảnh sát nào.

Chú rể chính gốc người Anh và cả hai gia đình cũng khá giả nên đám cưới được tổ chức cưới tại lâu đài Bovey thuộc công viên quốc gia Dartmoor- Devon, một trong những lâu đài tráng lệ của Anh quốc được xây dựng năm 1907. Nó đã được nâng cấp  thành khách sạn 5 sao, có sân gôn và là nơi thường xuyên diễn ra các giải vô địch gôn 18 lỗ.

Đám cưới được chuẩn bị chu đáo. Từ sáng sớm, những chiếc ghế bọc vải trắng cùng nơ màu đỏ được lễ tân xếp thành hình vòng cung quanh lễ đường phía sau lâu đài. Trên ghế có đặt những chiếc còi và những đồ chơi nho nhỏ. Các giỏ hoa tuyệt đẹp nhiều màu sắc cũng nổi bật trên những chiếc cột đá xinh xinh.

Đồng hồ điểm 12 giờ. Các nhạc công làm cho cả sân lâu đài tràn ngập những âm thanh vui nhộn của những cây vĩ cầm, ghi ta trong ánh nắng rực rỡ. Không giống với các đám cưới ở Việt Nam, khách mời của đám cưới này chỉ khoảng năm mươi người. Họ đến với trang phục dạ hội đẹp mắt. Mọi người nghe nhạc, ăn món kem nhiều màu, uống rượu vang đỏ và chờ chú rể, cô dâu.

Đám cưới cô dâu Việt ở xứ Sương mù ảnh 1

Mọi người vội về chỗ của mình khi vị chủ hôn lễ gõ chuông thông báo thời khắc quan trọng đã đến. Nhóm phù dâu với những bộ váy màu xanh lơ cắt rất khéo đứng đối diện với nhóm phù rể mặc những bộ com lê kiểu quý tộc thế kỷ 19.

Những tràng vỗ tay vang lên cùng tiếng còi thổi dồn dập khi bố cô dâu dắt tay con gái đi lên trong tiếng nhạc bài hát The Scientist (Nhà khoa học) của Pat Mclntyre :“Anh say mê khoa học nhưng anh phải đến gặp em với lời xin lỗi và nói với em rằng em không biết em đáng yêu biết nhường nào đâu. Anh rất cần em, rất yêu em…”

Chú rể tươi cười đón cô dâu từ ông bố rồi cùng đi lên lễ đường, nơi vị chủ hôn tóc bạc màu với nụ cười thân thiện đang chờ. Ông cầm tay của cô dâu đặt vào tay chú rể và hỏi : Anh có hứa sẽ chung thủy với vợ anh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như khi mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng vợ suốt đời không?

Chú rể nắm chặt tay cô dâu và hứa sẽ làm được.

Vị chủ hôn cũng hỏi cô dâu một câu như thế và cô dâu cũng nhẹ nhàng trả lời với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc.

Chú rể và cô dâu trao nhẫn cưới cho nhau và nghi lễ kết thúc bằng việc chú rể hôn cô dâu trong tiếng reo hò của mọi người.

Bản nhạc Marry you (Cầu hôn em) của Pat Mclntyre được cất lên tiễn chân chú rể và cô dâu ra khỏi lễ đường cùng khách mời vào phòng dự tiệc.

Bữa tiệc được chuẩn bị công phu. Trên bàn ăn là những vỏ sò to, trong đó ghi tên khách với nét chữ cầu kỳ. Khách đọc thấy tên của mình ở bàn nào thì sẽ ngồi vào bàn đó. Cô dâu và chú rể phải mất mấy ngày để sấy khô vỏ sò và viết chữ mới có được những tuyệt phẩm như vậy. Cùng với các món ăn và rượu vang đỏ đặc trưng của xứ sở Sương mù là các bản nhạc nhẹ êm đềm. Nhạc chỉ tạm dừng khi bố cô dâu - một người rất yêu con gái- nói những lời yêu thương chân thành từ trái tim mình.

Chú rể cảm động, thể hiện tình cảm của mình bằng cách kể những câu chuyện tình yêu của hai người và kết thúc bằng những lời của chú gấu Pul trích từ sách “The Bridge Across Forever” (Nhịp cầu bắc qua vĩnh viễn) của Richard Bach đang được yêu thích ở nước Anh: “Sẽ thật may mắn nếu trong cuộc đời này chúng ta tìm thấy ai đó khiến mỗi lần phải nói lời tạm biệt đều trở nên khó khăn”  và  “Nếu bạn sống được một trăm tuổi thì tôi muốn sống một trăm trừ đi một ngày để tôi không phải sống thiếu bạn”.

Đám cưới cô dâu Việt ở xứ Sương mù ảnh 2 Tặng quà.

Mọi người nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng, không khí không còn là của một đám cưới mà đã trở thành một ngày hội.

Biết trước ở đây dự cưới không mừng phong bì nên mấy anh em chúng tôi tặng chú rể, cô dâu một bức tranh Hồ Gươm thêu tay rất đẹp để cô dâu hàng ngày được nhìn thấy quê mình.

Không khí tiệc cưới càng vui hơn khi vị chủ hôn tuyên bố sau bữa tiệc sẽ chuyển sang phòng nghe nhạc để giao lưu, nghe nhạc và khiêu vũ đến 12 giờ đêm.

Máy bay cất cánh. Nước Anh đã ở lại sau lưng nhưng dư âm một tiệc cưới nhẹ nhàng, tình cảm như một ngày hội của cô dâu, chú rể, của hai gia đình, của bạn bè thân thiết là nét văn hóa của người Anh vẫn còn mãi trong tôi.

MỚI - NÓNG