Đám cưới sau 10 năm

Anh Tính sánh đôi cùng chị Chọn trong lễ cưới tập thể ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: Ngô Tùng.
Anh Tính sánh đôi cùng chị Chọn trong lễ cưới tập thể ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: Ngô Tùng.
TP - Đám cưới đã đến với họ như một giấc mơ, một giấc mơ mà họ tưởng chừng sẽ không bao giờ có được. Rất nhiều trong số họ thực sự biết ơn Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM (Thành Đoàn TPHCM) - đơn vị đứng ra tổ chức lễ cưới tập thể.

Gia đình ngăn cản cưới vì sợ bị lừa

Lê Văn Tính sống trong cô nhi viện từ bé. Anh không biết cha mẹ mình là ai, gốc gác ở đâu. Tuổi thanh xuân của anh là những ngày tháng nhọc nhằn khi phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề, từ bán vé số, bán báo dạo đến lượm ve chai. Vốn bị khuyết tật, đi lại khó khăn, đến năm 2005, anh được giới thiệu vào thử việc chăm sóc chó tại Công ty 27/7 đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn, TPHCM, một địa chỉ hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.

Rồi một ngày tình cờ anh Tính thấy một người thiếu nữ bước đi khập khiễng với ánh mắt dáo dác như đang muốn tìm kiếm một điều gì đó. “Em đi đâu, kiếm ai, anh giúp được gì không?”, anh Tính hỏi liên tiếp và có cảm nhận dường như cô gái này đã rất thân thuộc với mình.

Cô gái ấy có tên là Trần Thị Chọn, sau đó đã về làm cùng công ty với anh Tính. Chị Chọn được nhận vào làm bên thủ công mỹ nghệ.Làm cùng một chỗ, cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết, luôn chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống với nhau. Rồi họ yêu nhau. Và cuối cùng cả hai quyết định đi đến hôn nhân. “Có thể nói hai vợ chồng đến với nhau bằng chiếc xe đạp cũ. Đây là phương tiện duy nhất mà tôi dùng để đi đưa cơm nuôi chó cho chủ và dùng để chở cô ấy đi làm hoặc đưa về. Ngày đó tôi hay lui tới phòng trọ của bà xã riết nên dần quen thân nhau”, anh Lê Văn Tính tâm sự.

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng sau cơn sốt năm lên 6 tuổi đã khiến Trần Thị Chọn bị di chứng tật cột sống đến giờ. Sức khỏe yếu khiến chị Chọn gặp nhiều khó khăn trong mưu sinh cũng như trong tình duyên. “Ngày trước mỗi lần đi qua tiệm áo cưới tôi chỉ ước được một lần làm cô dâu mặc áo cưới thật đẹp. Về tâm sự với cha, cha lại kêu con tật nguyền như vậy không ai thương đâu mà làm cô dâu! Nhiều đêm thấy tủi thân, buồn lắm…”, chị Chọn thổ lộ và cho biết ngay cả khi chị quyết định cưới anh Tính cũng bị gia đình phản đối vì lấy một người không cha không mẹ, sợ bị lừa gạt. 

Đám cưới sau 10 năm ảnh 1 100 đôi thanh niên rạng rỡ trong ngày vui trọng đại của đời mình. Ảnh: Ngô Tùng.

Thể hiện tính nhân văn sâu sắc

Cha chị mất năm 2006. Ngày giỗ đầu cha chị làm mâm cơm cúng cũng chính là ngày chị báo cáo, xin phép cha, anh chị em trong nhà và họ hàng công nhận chị với anh Tính là vợ chồng. Trở thành vợ chồng, cả hai chả bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ có một đám cưới đúng nghĩa. Khi cô con gái đầu lòng Lê Thị Diễm Ngọc chào đời năm 2009, vợ chồng chị chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền để có điều kiện chăm lo cho con thật tốt. “Khi nghe tin Đoàn thanh niên đã lựa chọn vợ chồng cùng 99 đôi thanh niên, công nhân khó khăn khác để tổ chức đám cưới tập thể đúng ngày Quốc khánh 2/9, vợ chồng tôi mừng lắm, mấy đêm liền mất ngủ. Tôi cứ có cái cảm giác lâng lâng, khó tả lắm. Giấc mơ xưa đã trở thành hiện thực khi được mặc áo cô dâu”, chị Chọn nói. Năm nay anh Tính 42 tuổi, còn chị Chọn 36 tuổi.

Đúng ngày Quốc khánh 2/9, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và tại trung tâm tiệc cưới ở quận 10 (TPHCM), 100 đôi uyên ương tay trong tay, cười rạng rỡ đón niềm vui hạnh phúc trọng đại của đời mình trước sự chứng kiến của lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể. “Vợ chồng em rất biết ơn các bác, các anh chị đã cho những khoảnh khắc rất đẹp đẽ, xúc động này. Những khoảnh khắc này sẽ theo chúng em suốt cuộc đời, nó sẽ luôn nhắc nhở hai vợ chồng phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Sau này có con cái chúng em sẽ kể cho chúng nghe về ngày cưới tuyệt vời này của bố mẹ. Chúng em cũng sẽ cố gắng nuôi dạy chúng thật tốt”, anh Nguyễn Xuân Thành, công nhân ở một nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nói.

Qua 10 lần tổ chức lễ cưới tập thể, đến nay Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM (Thành Đoàn TPHCM) đã tổ chức lễ cưới cho 722 đôi thanh niên có hoàn cảnh khó khăn với sự quan tâm, hỗ trợ của toàn xã hội, tổng kinh phí thực hiện lên đến 20 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều đôi đã ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ăn học chu đáo, trở thành người tốt, có ích cho xã hội.

Anh Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM, cho biết, bên cạnh tinh thần nhân ái, sẻ chia, lễ cưới tập thể còn là nơi tôn vinh những nét đẹp của lễ cưới truyền thống Việt Nam, đề cao lối sống văn minh, tiết kiệm trong giới trẻ. Lễ cưới tập thể còn là chương trình thể hiện sự quan tâm, đồng hành của tổ chức Đoàn thành phố và của toàn xã hội đối với thanh niên công nhân, góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của thanh niên vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Thông qua những phần quà hỗ trợ và việc trao tặng “Căn phòng mơ ước”, chương trình cũng đã động viên và tiếp sức cho những đôi thanh niên khó khăn biết vươn lên, không chịu lùi bước trước số phận. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chương trình, cũng chính là hoạt động thiết thực để Đoàn tham gia xây dựng TPHCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình”, anh Dương Ngọc Tuấn nói.

“Những khoảnh khắc này sẽ theo chúng em suốt cuộc đời, nó sẽ luôn nhắc nhở hai vợ chồng phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Sau này có con cái chúng em sẽ kể cho chúng nghe về ngày cưới tuyệt vời này của bố mẹ. Chúng em cũng sẽ cố gắng nuôi dạy chúng thật tốt”.

Anh Nguyễn Xuân Thành

MỚI - NÓNG