“Dân công sở” bán hàng qua mạng

Hàng hóa được chị Phùng Hiền Lương gói ghém cẩn thận để chuyển về Việt Nam.
Hàng hóa được chị Phùng Hiền Lương gói ghém cẩn thận để chuyển về Việt Nam.
TP - Mạng xã hội hiện không chỉ là kênh giải trí mà còn là một kênh buôn bán, kiếm thêm thu nhập từ nghề “tay trái” và thực hiện đam mê của nhiều chị em công sở.

Bán đam mê, đặc sản quê hương

Điều dễ nhận thấy, hầu hết chị em công sở bán hàng trên mạng xã hội Facebook chủ yếu là bán đặc sản quê hương, thực phẩm sạch, những mặt hàng do tự tay làm ra. Là phóng viên của một tòa soạn có tiếng ở Hà Nội nhưng bạn bè chị Lê Quỳnh Liên (SN 1986) nhớ đến chị với biệt danh: Liên chả cá.

Hàng tháng, chị bán hàng trăm kg chả cá do mẹ chồng cô tự làm. Liên chia sẻ, gia đình chồng quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), nhà chồng chuyên nghề đi biển, đánh bắt hải sản, mẹ chồng có thâm niên 20 năm làm chả cá. “Mỗi lần về quê được ăn hải sản rất ngon, biết được nguồn gốc rõ ràng. Vì thế, tôi nảy ra ý định bán đặc sản quê hương, giới thiệu cho bạn bè mình nguồn hải sản sạch, tin tưởng”, Quỳnh Liên chia sẻ.

Quỳnh Liên giới thiệu sản phẩm trên Facebook cá nhân, thường xuyên cập nhật hình ảnh hải sản tươi rói, hay món chả cá mới được rán vàng ruộm để bạn bè thân quen nhìn thấy vào đặt hàng. Lúc đầu, mọi người mua ăn thử, thấy ngon, giá cả phải chăng nên giới thiệu thêm cho bạn bè. Vì thế lượng khách hàng của Liên ngày càng đông. Để cân bằng giữa công việc chính và bán hàng online, chị nhờ sự hỗ trợ của bà nội, bà ngoại. Hàng tuần, gia đình chỉ chuyển hàng ra một lần vào dịp cuối tuần. Khách hàng ở gần nhà, Liên tự ship, còn xa thì thuê ship.

“Làm thêm nghề tay trái này tuy vất vả nhưng vui và hạnh phúc. Mỗi lần đọc được phản hồi của khách hàng khen chả cá, hải sản ngon là mình vui quên cả ăn. Vừa có thêm đồng vào đồng ra vừa tạo thêm thu nhập cho các shipper khác”, Liên chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Nga, SN 1986, đến với bán hàng online một cách khá đặc biệt. Chị có sở thích tự may váy, quần áo cho cô con gái nhỏ. Mỗi lần may xong một sản phẩm, chị lại háo hức chụp ảnh đăng lên Facebook để... khoe. Mỗi lần như thế đều nhận được lời khen ngợi, ngưỡng mộ của bạn bè và nhờ may hộ. Được sự động viên, khích lệ của bạn bè, chị Nga quyết định may váy trẻ con để bán. Ban ngày làm việc ở cơ quan, tối về lo cơm nước cho chồng con xong, chị lao vào ôm máy may, cặm cụi đến 2, 3 giờ sáng. Cuối tuần, lại rong ruổi các chợ vải tìm vải về may. Bên cạnh đó, chị còn tìm các mẫu váy, áo thời trang, tư vấn cho khách hàng chọn may cho con cái của họ.

“Có khi đơn hàng ngập đầu, nợ cả chục đơn không may kịp để trả. Thức đêm nắn nót từng đường kim, mũi chỉ để cho ra đời những sản phẩm ưng ý nhất khiến mình nhiều lúc thấy mệt. Nhưng rồi khi nhận được phản hồi của khách hàng, hình ảnh những “công chúa nhỏ” xúng xính trong chiếc váy của mình may là lại thấy vui, thêm động lực để làm tiếp”, chị Nga vui vẻ cho biết. Dù đam mê với việc may váy, bán hàng online nhưng chị Nga chia sẻ vẫn luôn cố gắng không để đam mê làm ảnh hưởng đến công việc ở cơ quan.

“Dân công sở” bán hàng qua mạng ảnh 1

Con gái nhỏ của chị Hiền Lương bên thùng hàng chuẩn bị chuyển về Việt Nam.

Làm bằng đam mê, tâm huyết

Gần một năm nay, chị Phùng Hiền Lương, SN 1986, bán hàng xách tay từ CHLB Đức. Kênh bán hàng duy nhất của Hiền Lương là Facebook cá nhân. Tất cả hàng hóa, tư vấn khách hàng được Hiền Lương cập nhật thường xuyên trên Facebook của mình. Vừa chăm nuôi con nhỏ gần 2 tuổi, vừa đi học, vừa bán hàng online khiến cô lúc nào cũng “quay như chong chóng”. Dù vậy, Hiền Lương chưa bao giờ xem nghề “tay trái” này là nghề “làm tạm” mà luôn đam mê, tâm huyết.

Lương tâm sự, ngày nào cũng phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng, khi con đã ngủ để xem lại hàng hóa, đơn hàng, nhập hàng, tính tiền hàng. Từng sản phẩm mua về được dán băng dính, đóng hàng từng cái, bốc vác đi gửi. Ngoài ra, chị còn tư vấn sản phẩm, dịch và tìm hiểu trên mạng thông tin sản phẩm, cập nhật hàng sale, tìm hàng sale, tìm sản phẩm cho khách lẻ, sỉ… 

“Ngày nào, nhà cũng như bãi chiến trường với đủ thứ mặt hàng khác nhau như nồi, niêu, xoong, chảo đến mỹ phẩm, quần áo, trang sức, túi xách, thuốc thang… Nhưng chồng đi làm về là hàng đã được gửi xong, nhà cửa từ bãi chiến trường lại trở về ngăn nắp. Sau đó lại vào bếp nấu nướng, miệng hát líu lo, quên hết mệt nhọc”, Hiền Lương vui vẻ kể.

“Không có nghề nào là thấp hèn, chả có nghề nào gọi là làm tạm, khi một công việc mà bạn say mê, làm đầy sự nghiêm túc, suy nghĩ, trăn trở thì sẽ đem lại cho bạn trái ngọt mà thôi”. 

Chị Phùng Hiền Lương, người bán hàng qua mạng từ CHLB Đức

Bên cạnh những vất vả, chị nhiều lúc “méo mặt”, “dở khóc, dở cười” với những rủi ro của việc bán hàng xách tay. Hàng về có khi bị rạch mất, có khi mất cả thùng hàng đồng hồ trị giá hàng chục triệu đồng, hay khách đặt hàng rồi không lấy. Thậm chí có khách đặt hàng theo hình thức COD (gửi hàng trả tiền cho nhân viên bưu điện), nhưng khi nhân viên bưu điện giao hàng gọi điện không nghe máy, không lấy hàng, phải trả lại mất thêm 2 lần phí gửi.

Tuy vất vả, rủi ro nhưng là người kỹ tính, cầu toàn và chăm chút từng sản phẩm nên công việc bán hàng online của Hiền Lương ngày càng đắt khách. Trung bình mỗi tuần có khoảng 100kg hàng gửi về Việt Nam. Thu nhập đủ để chi tiêu, mua sắm cho bản thân, gia đình nhỏ, chị còn có để gửi về giúp đỡ gia đình hai bên nội, ngoại ở Việt Nam. Đặc biệt, chị còn bỏ mối sỉ, cộng tác viên kiếm thêm thu nhập cho hàng chục chị em công sở ở Việt Nam. Ước mơ của Hiền Lương là sẽ mang những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam (ví dụ như ẩm thực, hàng thủ công, mỹ nghệ…) kinh doanh ở Đức.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chuyên gia tư vấn, đào tạo bán hàng Trần Văn Tuấn, CEO Cty TASA cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội ngày một đa dạng và trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống thường nhật. Các trang mạng xã hội không chỉ giúp con người trao đổi thông tin liên lạc, nó còn là một công cụ giúp con người kinh doanh với những lợi nhuận đáng kể.

Theo vị chuyên gia này, áp dụng 10 tuyệt chiêu bán hàng trên Facebook sau đây chắc chắn sẽ đạt thành công: Chọn sản phẩm chất lượng để tạo uy tín; Giao diện Facebook đẹp và bắt mắt; Chọn phân khúc khách hàng phù hợp và bán sản phẩm mình thực sự yêu thích; PR bằng hình ảnh có sẵn của sản phẩm; Lấy số lượng sản phẩm ít sau đó tăng dần lên; Kỹ thuật bán hàng (khuyến mại, giảm giá, quà tặng…); Liên tục chia sẻ câu chuyện về hiệu quả của sản phẩm mà khách hàng đã sử dụng; Viết những câu chuyện về lợi ích, giá trị của sản phẩm; Thường xuyên có các chương trình sale chào mừng các ngày lễ, tết, đặc biệt trong năm; Tham gia vao các group bán hàng.

MỚI - NÓNG