Đâu khó có thanh niên

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long tặng quà đồng bào bị lũ lụt ở Mù Cang Chải. Ảnh: Xuân Tùng.
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long tặng quà đồng bào bị lũ lụt ở Mù Cang Chải. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Với tinh thần “đâu cần thanh niên có - đâu khó có thanh niên…”, tuổi trẻ cả nước thời gian qua tiếp tục để lại nhiều dấu ấn đẹp trên hành trình tình nguyện.

Bài 1: Sẻ chia với đồng bào vùng lũ

Những ngày đầu tháng 8, xứ sở ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) bất ngờ bởi trận lũ quét lịch sử. Nhiều gia đình trắng tay mất nhà, người thân. Ngay lập tức các hoạt động tình nguyện, cứu trợ của tuổi trẻ được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Những phận người trong hoạn nạn

Có mặt tại Mù Cang Chải (Yên Bái) ngay sau khi lũ quét cuốn phăng người và nhà cửa, mưa vẫn sầm sập. Một góc thị trấn tan hoang. Những dòng nước đục ngầu vẫn cuồn cuộn chảy. Anh Lê Doãn Dũng (SN 1985), trú ở tổ 8, vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Dũng vẫn nhớ bữa cơm tối trước lũ, 4 thành viên gia đình quây quần trong ngôi nhà khang trang mới được xây cất và hai vợ chồng còn tính chuyện chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới. Nhưng chỉ sau một đêm, lũ dữ về khiến anh đã trắng tay không nhà, không gia đình. “Lúc mờ sáng nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, tôi bật dậy chạy ra ngoài đã thấy lũ tràn đến cửa. Tôi chỉ kịp hô vợ và hai con lao ra ngoài nhưng vợ con tôi đã không kịp. Tôi bị nước lũ cuốn trôi 600m, may được người dân vớt kịp”, anh Dũng kể. Nằm điều trị tại Bệnh viện Nghĩa Lộ, anh Dũng đau đớn với nhiều chấn thương và nỗi đau chưa tìm thấy vợ con...

Ngược lên xã Kim Nọi, nơi có 5 hộ mất toàn bộ nhà cửa, tài sản, 5 người chết, mất tích- không khí tang thương bao trùm. Anh Giàng A Mùa (SN 1982) trú tại thôn Kháo Giống, có 2 con trai và hai cháu họ, một ông chú bị lũ cuốn đi. Mất con, người thân và toàn bộ tài sản, người đàn ông Mông này thất thần, mệt mỏi, gắng gượng tiếp chuyện phóng viên. “Hai đứa lớn nhà mình đi chăn trâu cùng với mấy anh em họ. Mọi lần, chúng đều về ăn cơm, ngủ ở nhà rồi hôm sau lên chăn trâu tiếp. Hôm đó, mấy anh em chúng ngủ lại trên rừng rồi không bao giờ trở về nữa...”. Chỉ tay về phía tường treo đầy giấy khen của hai đứa con trai, anh Mùa nghẹn ngào nói tiếp: “Chúng nó ngoan lắm, còn học giỏi nữa. Nhà tôi mới tìm được cháu đầu, nó bị cuốn mãi sang Than Uyên cách đây hơn 60km, còn một đứa nữa. Giờ cứ tìm thôi, chẳng biết chỗ nào...”.

Ông Phạm Xuân Thanh (SN 1963) một thời xông pha lửa đạn, đối diện với cái chết ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang), từng chứng kiến đồng đội ngã xuống và bản thân bị thương, vẫn rùng mình khi kể về trận lũ. “Dòng nước kéo theo đất đá ập xuống nhanh chóng giật đổ những ngôi nhà kiên cố chỉ trong tích tắc. Tôi chỉ kịp hô hoán cho một số hộ gia đình chạy thoát, nhưng vẫn còn nhiều gia đình không kịp mở cửa, nhìn mà thấy bất lực. Tôi và đứa cháu trai cũng bị dòng nước cuốn phăng đoạn dài, may bám víu được vào bờ. Giờ ngủ tôi vẫn mơ thấy cảnh tượng kinh hoàng”, ông Thanh nhớ lại.

Đâu khó có thanh niên ảnh 1 ĐVTN tham gia dọn dẹp vệ sinh khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: Xuân Tùng.

Áo xanh giúp dân

Ngay sau trận lũ quét, các chiến sĩ áo xanh tình nguyện đã có mặt, đằm mình giữa mưa lũ giúp dân khắc phục hậu quả. Các đoàn viên thanh niên Mù Cang Chải cùng với các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, dọn dẹp nhà cửa, khơi thông dòng chảy và vệ sinh môi trường tại khu trường học. Nhiều đoàn viên thanh niên tích cực tham gia điều phối, đưa các đoàn cứu trợ đến với đồng bào bị mất nhà, người thân trong trận lũ vừa qua...

Mặc dù gia đình có diện tích rừng thảo quả nằm trong vùng lũ, nhưng anh Giàng A Hành (SN 1989), Bí thư Đoàn xã Kim Nọi, cùng nhiều đoàn viên thanh niên trong xã vẫn tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân và tìm kiếm người mất tích. Anh Giàng A Hành đã cùng các đoàn viên thanh niên phối hợp với các lực lượng khác dầm mưa vượt rừng, lội suối tìm kiếm những người mất tích. “Tuy không thiệt hại về nhà cửa, người, nhưng lũ quét ảnh hưởng đến vườn thảo quả của gia đình, ước tính thiệt hại gần trăm triệu đồng, mình chưa có thời gian đi thăm. So với nhiều hộ gia đình mất nhà, mất người, nhà mình vẫn còn may mắn hơn nhiều. Giờ mình chỉ hy vọng sớm tìm thấy những người bị mất tích”, anh Hành nói.

Sân trường đã bớt ngổn ngang đất đá. Cô giáo Phạm Thị Thuỷ,  Hiệu trưởng trường Tiểu học &THCS thị trấn Mù Cang Chải cho biết: Sau trận lũ, toàn bộ dãy phòng học tan hoang, cả trường ngập ngụa đất đá dày tới thắt lưng người. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của các đoàn viên thanh niên cùng với các lực lượng khác đã khẩn trương thu dọn bùn đất để nhà trường chuẩn bị cho năm học mới đang tới gần.

Bí thư Huyện Đoàn Mù Cang Chải Phạm Đức Thịnh cho biết, với tinh thần tại chỗ, Huyện Đoàn đã huy động tối đa lực lượng phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ dân. Từ ngày 3/8 đến nay, Huyện Đoàn huy động trên 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên các xã thường xuyên có mặt tại hiện trường để tham gia khắc phục hậu quả trận lũ, hỗ trợ các đơn vị cứu hộ cũng như hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thăm hỏi, động viên, tặng quà người dân bị nạn. “Huyện Đoàn đang nỗ lực đẩy nhanh hoàn tất việc dọn dẹp vệ sinh môi trường để chuyển sang những hoạt động khác ổn định đời sống người dân, chuẩn bị năm học mới cho thanh thiếu nhi”, anh Thịnh nói.

Chị Đoàn Thị Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái cho biết, ngay sau khi xảy ra lũ quét tại Mù Cang Chải, Tỉnh Đoàn đã cử cán bộ vào hiện trường phối hợp chỉ đạo việc huy động lực lượng, triển khai các hoạt động ứng cứu, khắc phục hậu quả. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác tình nguyện khắc phục hậu quả, Tỉnh Đoàn chủ trương huy động lực lượng tại chỗ. Đồng thời, đảm nhiệm nhiệm vụ cầu nối tiếp nhận quà cứu trợ, ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại do lũ quét. “Hiện Mù Cang Chải vẫn còn nhiều điểm nguy cơ sạt lở, mong có các đội tình nguyện của các đơn vị, tỉnh thành phố khác lên tham gia hoạt động sẽ kết nối Tỉnh Đoàn để nắm rõ tình hình thực tế, nhu cầu để triển khai cứu trợ hiệu quả, thiết thực hơn”, chị Tâm nói.               

(còn nữa)

“Lúc khó khăn đau thương này, chúng tôi càng cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm của cộng đồng và nhất là các bạn trẻ. Điều này an ủi được phần nào nỗi đau mất mát của chúng tôi”.       

            Anh Giàng A Mùa

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.