Đâu khó có thanh niên: Bài 2: Nâng bước em tới trường

Đến nay lực lượng biên phòng đã nhận đỡ đầu cho gần 3 nghìn em học sinh, mỗi em được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Ảnh: N.S.
Đến nay lực lượng biên phòng đã nhận đỡ đầu cho gần 3 nghìn em học sinh, mỗi em được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Ảnh: N.S.
TP - Nhiều năm qua, cùng với tuổi trẻ cả nước, những người lính Cụ Hồ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các mô hình, phong trào giúp đỡ cộng đồng và đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Nhận đỡ đầu gần 3.000 học sinh

Là thôn khó khăn bậc nhất của xã Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), Lùng Vùi chỉ cách đường biên khoảng 100m, là nơi sinh sống của gần 100 hộ dân người Mông. Cuộc sống của người dân nơi đây cơ cực, chông chênh như chính con đường đi vào vùng đất này.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của bà Giàng Thị Hoảng. Bà Hoảng là bà nội của hai cháu Ma Seo Vần (9 tuổi) và Ma Thị Ly (8 tuổi) đang được Đồn Biên phòng Pha Long đỡ đầu. 4 năm trước, bố của Vần và Ly qua đời vì bệnh tật, người mẹ sau đó chán nản và túng quẫn nên bỏ nhà đi biệt tích. Chăm 2 đứa cháu nội, cuộc sống cơ cực của bà Hoảng hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, rám nắng với những nếp nhăn hằn sâu. Từ ngày con trai chết, con dâu bỏ đi để lại 2 đứa cháu nhỏ dại, vợ chồng bà gắng làm lụng, đi sang cả Trung Quốc làm thuê để lo cái ăn cái mặc. Cuộc sống của gia đình bà cứ dần rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Cảm thương với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Hoảng, từ năm 2014, Đồn Biên phòng Pha Long đã giúp đỡ hai cháu nhỏ mỗi tháng 300.000 đồng. Tới năm 2015, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn đã nhận đỡ đầu, trợ giúp mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng cho tới khi học hết lớp 12.

Bà Hoảng cho biết: “Có cán bộ biên phòng giúp hàng tháng, các cháu của tôi mới no cái bụng, ấm cái thân. Bây giờ, bộ đội giúp được cái gì tôi cũng quý”. Nhìn ngôi nhà chật hẹp của bà không có gì đáng giá. Ngay cả chỗ ngủ của hai cháu nhỏ cũng chỉ là một ổ rơm chứ không có giường chiếu. Duy chỉ chiếc chăn đắp còn mới là của bộ đội biên phòng gửi tặng.  

Thượng tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long chia sẻ: “Hai cháu còn quá nhỏ mà đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Trước cuộc sống khổ cực của hai cháu, chúng tôi không giúp sẽ thấy không yên lòng”.

Ngoài Vần và Ly, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long còn trích lương giúp đỡ 3 em nhỏ khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Nhờ sự “tiếp sức” của Đồn, trong số này, 2 em Sùng Thị Pằng và Giàng Thị Thanh Huệ (học sinh lớp 7, trường THCS Dân tộc bán trú Pha Long) đã vươn lên học tập tốt. Năm học 2016-2017, Pằng và Huệ đã đạt học sinh giỏi môn văn cấp huyện.

“Trên địa bàn Đồn quản lý, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục còn rất thiếu thốn. Các thôn bản xa chưa có lớp học, các điểm trường bán trú thiếu phòng ở cho học sinh bán trú, học sinh không có chăn ấm, áo ấm về mùa đông. Từ năm 2012 đến 2017, Đồn chúng tôi đã trực tiếp kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng 4 phòng học cho học sinh mầm non thôn Sín Chải B và thôn Lùng Vùi. Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị xây dựng 4 phòng ở, 1 nhà đa năng cho học sinh bán trú, khu nhà vệ sinh cho các cháu học sinh mầm non Pha Long”, thượng tá Mạnh nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, thiếu tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng ban Thanh niên Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết: “Đến nay, lực lượng biên phòng đã nhận đỡ đầu 2.844 em học sinh, trong đó có 415 em mồ côi, 19 em được nuôi dưỡng tại các đồn biên phòng, 161 em là người Lào và Campuchia ở các tuyến biên giới”.

Lan tỏa Ngôi nhà 100 đồng

Dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn, bài dự thi Hiến kế cho Đoàn của tác giả Nguyễn Văn Hạnh (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) đã xuất sắc giành giải Nhất với ý tưởng mang tên “Ngôi nhà 100 đồng”. Từ ý tưởng độc đáo, có tính khả thi này, Ban Thanh niên Quân đội đã phát triển và mô hình hóa trong thực tiễn hoạt động của tuổi trẻ toàn quân.

Theo trung tá Trần Viết Năng, Phó Trưởng ban Thanh niên Quân đội, từ đầu năm 2012, việc thực hành phong trào tiết kiệm mỗi ngày 100 đồng trong tuổi trẻ toàn quân bắt đầu được triển khai, nhân rộng. Theo đó, cấp chi đoàn lập danh sách để cán bộ, ĐVTN tự nguyện đăng ký thực hiện tiết kiệm xây dựng Ngôi nhà 100 đồng. Thực hiện phong trào này, nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo như tổ chức cho ĐVTN thu nhặt phế liệu trong cơ quan, đơn vị rồi bán đi gây quỹ, vừa giữ sạch môi trường lại thêm phần kinh phí cho Đoàn hoạt động.

Từ số tiền tiết kiệm do cán bộ, ĐVTN đóng góp, cơ quan chính trị cấp trực thuộc Quân ủy T.Ư trực tiếp chỉ đạo việc xét các gia đình được tặng Ngôi nhà 100 đồng theo tiêu chí đúng đối tượng, được chính quyền địa phương, các đơn vị phối hợp thẩm định và có hồ sơ xác nhận.

Ngày chị Nguyễn Thị Thùy, nhân viên tổ sản xuất 7 (Xí nghiệp may Bình Minh, Công ty CP X20, Tổng cục Hậu cần) cùng chồng con nhận ngôi nhà mới xinh xắn nhờ công sức đóng góp của đồng đội, người thân và đồng đội ai cũng mừng cho chị. Nhiều năm qua, vợ chồng chị và hai con nhỏ luôn sống trong điều kiện tạm bợ, phải ở nhờ nhà của một người em họ. Mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình đều trông vào đồng lương công nhân của chị Thùy và thu nhập bấp bênh của chồng chị, anh Giáp Văn Quyền. Anh Quyền chưa có công việc ổn định nên làm công việc tự do, lao động thời vụ. Con gái thứ hai của anh chị chưa đầy 3 tuổi, do sinh non nên suy dinh dưỡng, thường xuyên ốm đau và nằm viện khiến gia cảnh càng thêm khó khăn, túng thiếu.

“Tôi được thừa kế từ cha mẹ một mảnh đất nhỏ ở xóm Phúc Thành, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên, nhưng vì quá khó khăn nên không có đủ tiền xây nhà. Được đơn vị hỗ trợ xây dựng Ngôi nhà 100 đồng đã giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho gia đình tôi và giúp tôi yên tâm gắn bó với công việc”, chị Thùy cho biết. 

Là một trong những đơn vị thực hiện rất hiệu quả phong trào xây dựng Ngôi nhà 100 đồng, đến nay, Đoàn Thanh niên Tổng công ty Viễn thông Viettel đã xây tặng được 116 căn nhà với tổng trị giá gần 9,3 tỷ đồng tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên toàn quốc. Trung tá Trần Huy Tuấn, Trợ lý Thanh niên Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết: Ngoài số tiền 80 triệu đồng dành tặng xây mỗi căn nhà, ĐVTN đơn vị còn tham gia đóng góp ngày công, mua tặng thêm những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt để gửi tặng các hộ gia đình được tặng nhà.  

“Đến nay, tuổi trẻ toàn quân đã tiết kiệm, đóng góp công sức trao tặng được 673 Ngôi nhà 100 đồng cho đồng bào nghèo, gia đình chính sách và đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng trị giá hơn 43 tỷ đồng”, Trung tá Trần Viết Năng, Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội cho biết.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” được Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai từ năm 2014. Mục tiêu của chương trình là chia sẻ những khó khăn của các em học sinh vùng biên giới, giúp đỡ vật chất và tạo động lực tinh thần để các em có thể tới trường vươn tới một tương lai tươi sáng hơn. Mỗi học sinh được nhận đỡ đầu sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho tới khi học hết lớp 12. Số tiền này được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

MỚI - NÓNG