Những ẩn họa rình rập trẻ em - Kỳ cuối:

Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ mình

Đuối nước là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với trẻ em trong dịp hè. Ảnh: Internet.
Đuối nước là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với trẻ em trong dịp hè. Ảnh: Internet.
TP - Theo TS Nguyễn Kim Quý, Trưởng phòng tham vấn trị liệu tâm lý trẻ, Hội Khoa học giáo dục và tâm lý Việt Nam, cần quan tâm hơn đến trẻ em và có những chương trình, hoạt động cụ thể giúp các em có những kỹ năng cần thiết phòng tránh, bảo vệ bản thân.

TS Nguyễn Kim Quý cho rằng, cứ mỗi dịp hè, các vụ việc tai nạn thương tích của trẻ gia tăng đột biến vì đây là thời điểm trẻ được nghỉ học, nhiều gia đình không có thời gian chăm sóc, quản lý, để cho trẻ thoải mái vui chơi, theo đám bạn xấu, rồi sa đà vào các tệ nạn xã hội…

Báo động đuối nước, xâm hại tình dục gia tăng

Từ đầu hè đến giờ, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra, theo TS đâu là nguyên nhân?

Mỗi lần đọc được thông tin về các vụ đuối nước thực sự tôi rất xót xa. Ở Việt Nam, việc dạy kiến thức và trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn thực sự chưa được chú trọng. Việt Nam có nhiều sông, kênh rạch nhưng các hoạt động ngoại khóa ở trường học như: Dạy bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước chưa được chú trọng, hiệu quả chưa cao. Nhiều gia đình chưa ý thức được tầm quan trọng của việc dạy bơi, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Bố mẹ phải là người đầu tiên dạy cho con những kỹ năng cần thiết để con bảo vệ bản thân, biết bơi chưa đủ mà phải biết cả kỹ năng lánh nạn, phòng tránh đuối nước.

Bên cạnh đuối nước, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em cũng là một tình trạng hết sức nhức nhối?

Đối tượng XHTD thường là những người thân quen: anh em, họ hàng, bạn bè của bố mẹ. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của XHTD. Nhiều vụ XHTD để lại hậu quả rất kinh khủng. Tôi đã từng gặp, tư vấn rất nhiều vụ việc XHTD nhưng ám ảnh nhất là vụ cháu bé mới hơn 1 tuổi ở Nam Định bị bạn của bố mẹ xâm hại. Ai nhìn thấy cũng xót xa. Gia đình cháu bé ôm đơn đi kiện khắp nơi nhưng đối tượng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hay như vụ hai mẹ con sống tại bãi rác Vân Đình, Hà Nội. Người con gái bị kẻ xấu hãm hại, người mẹ ôm đơn đi kiện 4 năm ròng rã, kết quả là con số không.

Theo TS, cần làm gì để giảm bớt tình trạng XHTD ở trẻ?

“Tháng hành động vì trẻ em hàng năm được phát động rất rầm rộ nhưng thực sự chưa có những nội dung cụ thể thấm sâu vào dư luận. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em phải là hoạt động thường xuyên, quy nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành. Phát động tháng hành động vì trẻ em là hoạt động rất ý nghĩa nhưng để tạo nên sự thiết thực cần phải tổ chức những chương trình, những nội dung cụ thể đi vào từng ngóc ngách, từng phường, tổ dân phố, thôn xóm”. 

TS Nguyễn Kim Quý

Trước tiên phải dạy cho trẻ kiến thức về giới tính một cach rõ ràng và những kỹ năng phòng tránh. Trên thế giới, việc giáo dục giới tính cho trẻ được gia đình, nhà trường chú trọng rất sớm, từ bậc mầm non. Theo tôi, từ một tuổi các bậc phụ huynh đã có thể dạy cho trẻ các kỹ năng để bảo vệ bản thân. Các bậc phụ huynh dạy cho bé hiểu rằng, cơ thể của bé những ai được phép đụng vào và những ai không được phép đụng vào. Nếu có người chạm vào cơ thể bé mà bé không thích thì bé tỏ thái độ rõ ràng, nói rằng: “Con không thích”. Nếu bé không thích nhưng người khác vẫn cố tình đụng chạm vào cơ thể, lúc đó bé hét to lên: “Hãy tránh ra” và báo lại với bố mẹ, thầy cô giáo hay những người thân cận nhất.

Kẻ XHTD thường không chộp ngay đối tượng mà theo một chu trình: Tìm đối tượng, làm quen và lên kế hoạch xâm hại khi có cơ hội. Vì vậy, cần chặt đứt mắt xích ban đầu, không để đối tượng phát triển ý đồ xấu của mình. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần có sự quan tâm sát sao, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ rình rập quanh con mình. Điều quan trọng nhất, pháp luật cần xử lý nghiêm minh, triệt để những đối tượng XHTD để răn đe, giáo dục; qua đó góp phần bảo vệ trẻ em.

Dạy trẻ kỹ năng bảo vệ mình ảnh 1

TS Nguyễn Kim Quý.

Rầm rộ nhưng chưa thấm sâu

Tháng 6 hàng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em, theo TS những chương trình của tháng hành động đã thực sự phát huy hiệu quả?

Tháng hành động vì trẻ em hàng năm được phát động rất rầm rộ nhưng thực sự chưa có những nội dung cụ thể, tạo dấu ấn sâu sắc cho dư luận. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em phải là hoạt động thường xuyên và cần quy nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành. Phát động tháng hành động vì trẻ em là hoạt động rất ý nghĩa nhưng để tạo nên sự thiết thực cần phải tổ chức những chương trình, những nội dung cụ thể đi vào từng ngóc ngách ở từng phường, tổ dân phố, thôn xóm. Ngoài ra, phải có những tài liệu tập huấn cho cộng tác viên về từng địa phương để hướng dẫn cụ thể cho các em những kiến thức cần thiết trong bảo vệ, chăm sóc bản thân cũng như kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Theo TS, làm thế nào để trẻ có một mùa hè bổ ích, tránh những tai nạn không đáng có?

Với những đứa trẻ ở thành phố, nếu có điều kiện, bố mẹ nên gửi con về quê với ông bà một thời gian. Điều này rất tốt, vừa giúp trẻ có sự trải nghiệm thú vị ở làng quê, vừa giúp gắn kết tình cảm của trẻ với ông bà, quê hương, làng xã. Ngoài ra, cách này còn giúp các bậc phụ huynh liên kết thành nhóm nhằm chia sẻ, luân phiên nhau trông trẻ, đưa đón trẻ. Cùng tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho nhóm trẻ cùng tham gia như: ôn tập bài, học kỹ năng sống, đi bơi, thể thao...

Xin cám ơn bà.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (phụ trách Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.

Theo bà Lan, không phải chỉ có tháng 6 mới có hoạt động bảo vệ trẻ em, mà Chính phủ đã phê duyệt chương trình trong 5 năm 2016-2020. Trong đó, có rất nhiều giải pháp hay nói cụ thể là có rất nhiều hoạt động quan trọng để bảo vệ trẻ em như công tác tuyên truyền, dạy bơi, việc tham gia của gia đình và xã hội... Việc bảo vệ trẻ em, điều quan trọng phải bắt đầu từ gia đình. Gia đình quan tâm, chương trình mới hiệu quả, thiết thực, đi vào cuộc sống.

Thực tế, nhận thức của toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực. Vì không phải chỉ trong tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em mới có các nguy cơ, mà nguy cơ đối với trẻ diễn ra trong suốt cả năm. “Nhận thức của các gia đình đã cao hơn. Các cấp bộ ngành địa phương đã thực sự quan tâm hơn tới bảo vệ trẻ em. Nhiều địa phương đã lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ, mở các lớp kỹ năng... để dạy cho trẻ tránh bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục và tránh bị tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra”, bà Lan nói.        

Phong Cầm

MỚI - NÓNG