Đến với Trường Sa

Đến với Trường Sa
Tàu HQ996 chở trên một trăm thành viên Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Đoàn TNCS HCM, Ban Tư tưởng Văn hoá TW...cập đảo đầu tiên trong hành trình thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa.
Đến với Trường Sa ảnh 1
Đại diện Văn phòng TW Đảng và Tỉnh Đoàn Hưng Yên với các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn          

Đất liền mang đến cho hải đảo nhiều niềm vui, nhất là đội văn nghệ xung kích. Đón tàu, cả Trường Sa Lớn sôi nổi khác thường. Các chiến sỹ nhanh chóng chia thành nhiều bộ phận vừa tiếp khách, nấu cơm, dựng phông cắt chữ chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm, giao lưu và kiểm tra đảo.

Nhóm thanh niên tình nguyện, ca sỹ đến từ thành phố Hồ Chí Minh có lẽ là những người sớm trở nên thân thiết với lính đảo nhất. Gần mười bạn trẻ vừa ôm đàn ca hát vừa thái rau, rửa bát, quét nhà và hỏi chuyện bộ đội dù mới ít phút trước đó còn nhợt nhạt vì say sóng. Nhóm phóng viên trẻ không ai rủ ai, chỉ một loáng đã lấp ló trong khắp những phân đội, nơi học tập, ăn nghỉ, trồng rau, nuôi lợn của chiến sỹ để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn.

Cán bộ Đoàn tranh thủ tìm hiểu, trao đổi với lính đảo về cách xây dựng những công trình thanh niên, lập tủ sách, báo tường, nhận đồng hương...Vui nhất là đêm văn nghệ đầu tiên trên đảo. Cả sỹ quan chỉ huy, đảo trưởng và chiến sỹ cùng hát và giao lưu với đội văn nghệ xung kích.

11 đảo và 3 nhà giàn trong hành trình, mỗi nơi đều giúp chúng tôi có khám phá mới. Những bãi san hô muôn màu sắc tại đảo Trường Sa Đông, đảo Tốc Tan, Tiên Nữ; vườn rau thanh niên “treo” thách thức sóng biển tại đảo Đá Đông A; kỹ thuật câu cá biển tại nhà giàn chênh vênh; những người lính tình nguyện cắt tóc làm đẹp cho đồng đội hết năm này qua năm khác. Những câu chuyện cảm động về tình yêu, về sự hy sinh của người lính đảo xa.

Đến với Trường Sa ảnh 2
Đồng chí Đoàn Văn Thái, Bí thư TW Đoàn tặng quà cho bộ đội Trường Sa

Đời sống của các chiến sỹ trên các đảo đã có nhiều cải thiện đáng kể. Bộ đội đều có nơi ăn ngủ thoáng mát, ngăn nắp. Nhiều khu nhà mới đã được xây dựng. Trên tất cả các đảo đều có máy phát điện, ti vi, đài thu thanh. Tại tất cả các đảo, bữa ăn đều có rau xanh và cá biển do bộ đội tự tăng gia, đánh bắt.

Sự quan tâm hỗ trợ của đất liền với lính đảo đã tăng nhanh qua những năm gần đây. Đảo Trường Sa Lớn đã được ngành bưu chính viễn thông tặng thiết bị liên lạc qua vệ tinh và thường xuyên cử cán bộ ra bảo dưỡng. Hàng chục tỉnh, thành Đoàn và Đoàn cơ sở đã có hoạt động kết nghĩa với các đảo, tổ chức viết thư thăm hỏi, tặng quà cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đảo.

Theo Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Uỷ viên TW Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo là rất lớn, dành nhiều kinh phí xây dựng các công trình trên đảo. Đã có chính sách tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ, tạo mối quan hệ gắn bó với bộ đội bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Nhiều ngành, nhiều địa phương đã có những hành động thiết thực hướng về Trường Sa. Đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội đã có nhiều cải thiện đáng mừng. Tinh thần chiến đấu và ý chí quyết tâm của các chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đảo rất đáng được biểu dương.

Đến với Trường Sa ảnh 3
Thanh niên tình nguyện TP. Hồ Chí Minh cùng đồng ca với bộ đội trên đảo

Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại đó là khả năng mất an toàn, rủi ro trong hoạt động của các lực lượng trên đảo còn rất cao, ví dụ như khi xảy ra động đất, sóng thần, bão biển, âm mưu đen tối của một số thế lực thù địch...

Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, thời gian tới cần tập trung giúp các chiến sỹ trên đảo nâng cao hơn đời sống tinh thần, nhất là sớm tạo điều kiện cho bộ đội được liên lạc thường xuyên với gia đình và người thân. Bên cạnh đó, làm sao giải quyết việc làm, tạo thêm cơ hội học tập cho chiến sỹ sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.

Nhà nước cần có giải pháp hiệu quả hơn hỗ trợ ngư dân phát triển đánh bắt hải sản xa bờ, xây dựng dịch vụ nghề cá trên biển nhằm tăng lực lượng cùng bộ đội tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tạo điều kiện để Đoàn thanh niên, nhất là những doanh nhân trẻ có nhiều hoạt động hướng về các chiến sỹ Trường Sa ví dụ như lập các dự án phát triển và xây dựng các công trình, dự án trên biển, đảo; tham gia nghiên cứu khoa học về biển, đảo; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với các chiến sỹ trên đảo.

Đồng chí Đoàn Văn Thái, Bí thư TW Đoàn khẳng định, ngay sau đợt đi thăm , các cấp bộ Đoàn sẽ có nhiều hành động thiết thực hơn hướng về Trường Sa thân yêu.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi giữa tuổi trẻ đất liền với bộ đội tổ chức Đoàn còn lập dự án nghiên cứu những phương án hỗ trợ mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho lính đảo như: hỗ trợ trồng rau xanh, xây dựng trạm điện sức gió trên một số đảo, giúp bộ đội tiếp cận với công nghệ thông tin, học ngoại ngữ...  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.