Đoản khúc trong ngày Tình nhân

Một buổi sinh hoạt đầy chia sẻ và yêu thương
Một buổi sinh hoạt đầy chia sẻ và yêu thương
TP - Chiều chiều, Tú (một nữ đồng tính) thường ngồi cà phê ở gần Công viên Lê Thị Riêng, một mình trong quán cóc, chờ trời tối rồi về. Có thời gian Tú lái xe taxi, thậm chí môi giới buôn bán đất khá thành công ở quận 7, TPHCM, nhưng rồi, như lời Tú nói thì “tiền đem bao gái hết rồi”. Trải qua ba cuộc tình với ba người đàn bà, Tú nói rằng đã cho đi tất cả mà không hề nuối tiếc.

“Anh đừng bỏ em”

Cách đây mấy hôm, những người quanh Công viên Lê Thị Riêng bùi ngùi thấy hai “cô gái” tóc dài, một người quỳ xuống đất, người kia vẫn ngồi trên xe máy. Người quỳ dưới đất gọi cô gái trên xe máy là “chồng” và kêu khóc: “Chồng ơi! Xin đừng bỏ em!” nhưng cô gái trên xe vẫn nổ máy lạnh lùng đi. “Chị Tú”, một người hay qua lại nơi đây nói với tôi: “Les - Tình yêu đồng giới nữ, là thế đó! Nửa đường  đứt gánh rồi!”.

“Chị Tú” – phóng viên gọi chị như vậy, bởi chị nói chị đang mang một cơ thể đàn bà như mọi người đàn bà khác, chỉ có tính cách và tâm hồn là của một đàn ông. “Chị” kể: “Tôi năm nay hơn 40 tuổi, lẽ ra gia đình con cái yên ấm như bạn bè rồi, thế mà lớn lên tôi chỉ thích chơi những trò con trai và chỉ thích làm chỗ nương tựa cho đàn bà con gái. Trong lòng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình cần một bờ vai của đàn ông”.

Chỉ tiếc một mái ấm gia đình không có được. Tú bảo: “Khi mới yêu, tôi cứ nghĩ đến một mái ấm của riêng mình, vì vậy ra sức chiều chuộng người mình yêu, một thân làm việc hùng hục ngày đêm, để nuôi “vợ”. Nhưng rồi dần dà nhận ra việc không có con cái khiến hôn nhân đồng tính bấp bênh. Tôi đã tự nguyện để “vợ” mình đi lấy chồng”.

Zinzin, cùng hoàn cảnh như “chị” Tú, hiện làm việc ở quận 1 nói với tôi: “Mình luôn thấy mình là đàn ông và chỉ muốn phẫu thuật để trở thành một người đàn ông đích thực, nhưng người yêu không đồng ý, sợ ảnh hưởng sức khỏe. Nghe nói phẫu thuật chuyển đổi giới tính giảm tuổi thọ đến 20 năm(?)”. Zinzin nói, phẫu thuật chuyển đổi nữ thành nam tốn mấy trăm triệu, trong đó phẫu thuật cắt bỏ ngực, tạo dương vật, sau đó uống thuốc giúp chuyển đổi giới tính và sẽ mọc râu, tăng cường cơ bắp. Không phẫu thuật nên nom bề ngoài “anh chàng” vẫn nguyên nét con gái, mặc dù theo “chàng” thì: “Toàn bộ quần áo trang phục, kính, đồng hồ, xe cộ… em đều mua sắm ở cửa hàng dành cho nam giới”.

Zinzin cùng người yêu của mình là một cô gái thứ thiệt về quê ra mắt bố mẹ người yêu. Ban đầu cả gia đình đón tiếp cực kỳ nồng hậu, bởi nghĩ họ là những người bạn tâm giao. Đến khi thấy hai người xưng hô “anh anh, em em” và lộ ra chuyện muốn sống chung với nhau thì bố mẹ cô gái ngay lập tức thay đổi thái độ và đuổi Zinzin ra khỏi nhà. “Em bị xua đuổi, một mình lang thang trong đêm tối ở nơi đất khách quê người, không biết đi về đâu”. Máy điện thoại rung lên thì chỉ một dòng chữ: “Thôi, anh đừng tìm em nữa!”.

Ngậm ngùi

Hồng, một “cô gái” mang trong mình “dòng máu anh hùng”, như cách cô thường nói, chỉ thích vai con trai, không muốn phụ thuộc ai. Bố mẹ cô can thiệp khá thô bạo bằng cách không cho Hồng làm việc ở Sài Gòn nữa. Biết cô làm ở đâu, gia đình cũng đến xin con về. “Cô gái” tự lập này cũng đến lúc mệt mỏi: “Bố mẹ em không hiểu rằng nếu em về thành phố quê của em thì ở đó cũng không thiếu gì những bạn les giống như em, chứ chẳng phải Sài Gòn. Ở quê thì tìm công việc còn khó khăn hơn nhiều!”.

Đoản khúc trong ngày Tình nhân ảnh 1

Danny muốn giới les có thể bước ra ánh sáng. Ảnh: T.N.A và tư liệu

Lan, một cô gái từng trải qua mối tình đồng giới tâm sự rằng: “Gia đình bắt em lấy chồng, em cũng nhắm mắt đưa chân, cố gắng kiếm cho bố mẹ một đứa cháu. Nhưng ngay trong đêm tân hôn, em không thể nào chịu được cảnh ái ân với một gã đàn ông. Thế là anh ta xông vào đánh em, cuộc hôn nhân chấm dứt”.

Ở quận 6, chị Bích khá cao ráo, quyến rũ, nhưng tuổi đã “băm tới băm lui” mà vẫn không lấy chồng vì “chị” theo đuổi mối tình đồng giới với một cô gái đã có chồng con. Hai người thuê cửa hàng bán chung, ngày ngày đi lại với nhau, tối thì cô kia bế con về với chồng theo kiểu “ở chung, ngủ riêng, che mắt thế gian”.

Bước ra ánh sáng

Danny là người dũng cảm đối diện với “con người thật” mà cô cảm nhận và muốn sống. Danny mở một quán cà phê dành cho người đồng tính, trong đó có giới đồng tính nữ tại quận 1 TPHCM. Danny nói với tôi: “Nhiều người thấy hai đứa con gái ôm nhau, tâm sự thì họ rất kỳ thị. Em mới mở quán này để các bạn tới đây thoải mái tâm sự, trò chuyện mà không bị ai xét nét”.

Quán cà phê đồng tính khá nổi tiếng bởi nó là điểm sinh hoạt công khai của nhiều chương trình về bình đẳng giới tại TPHCM. Minh, đồng chủ quán với Danny tâm sự: “Em không phải là người đồng giới, nhưng em cảm thông với những gì mà các bạn phải chịu kỳ thị. Khoa học đã công nhận sự đa dạng về giới là có thật và luật pháp Việt Nam cũng như nhiều nước đang từng bước tiếp cận, giải quyết vấn đề xã hội này”.

Minh nói rằng: “Phía gia đình vẫn cho rằng các bạn les là nữ và vẫn thường áp dụng các biện pháp cứng rắn để buộc họ trở lại với giới tính nữ như gia đình mong muốn. Chẳng hạn ngăn cấm các cặp đôi, chia cắt, mắng chửi, đôi khi đánh đập… Những hành vi thiếu kiềm chế ấy không mấy hiệu quả và đôi khi dẫn đến thảm kịch”.

Băn khoăn

Danny và các bạn les cho phóng viên biết việc kết hôn giữa người đồng giới, chưa được công nhận, “chưa được cấp giấy phép kết hôn”. Cũng theo Danny: “Theo như chúng em hiểu thì nếu muốn được công nhận là giới tính nam thì phải phẫu thuật và phải uống thuốc để chuyển đổi giới tính, nhưng hiện tại mới chỉ vài người phẫu thuật 100% chuyển đổi từ nữ sang nam, còn lại phần lớn các bạn đều khó khăn về kinh tế, không thể phẫu thuật và lại sợ dùng thuốc có nhiều phản ứng phụ. Vậy việc công nhận sẽ như thế nào?”.

Đoản khúc trong ngày Tình nhân ảnh 2

Hai thành viên tích cực truyền thông về bình đẳng giới cho đồng tính nữ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề đồng tính nữ, Th.S. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm tư vấn Ý Tưởng Việt nói: “Nếu đồng tính nữ được quy định bởi cấu trúc sinh lý ngay từ khi sinh ra thì họ thuộc về tự nhiên và chúng ta không thể nói đến việc khắc phục hay không. Họ như bao con người khác trong xã hội, họ cũng đang tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng năng lực của mình.Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một nghi vấn là có một số bạn lại thích theo trào lưu và tự cho mình là người đồng tính, hẳn nhiên điều này không được hoan nghênh vì vô tình đã làm ảnh hưởng đến cộng đồng các bạn đồng tính nữ”.

Bà Lê Thị Hạnh, Chuyên viên  của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Xã hội  thuộc Đại học Hoa Sen, một trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu về giới, cũng nhận xét: “Bất kể bạn là đồng tính nam hay nữ, bạn hãy sống thoải mái theo tính cách thật của mình mà không cần phải trình diễn ra ngoài cho mọi người. Hãy vui vẻ, hưởng thụ cuộc sống này, bạn cũng  hãy sống có ích cho những người thân yêu của mình và giúp ích cho toàn xã hội. Các phụ huynh hãy yêu thương con em mình, bất kể giới tính thế nào”.

Danny  hoạt động tích cực cho phong trào đồng tính nữ nói rằng: “Em tự thấy mình có tâm hồn và tính cách nam và giữ vai trò đàn ông trong cuộc sống với bạn gái, nhưng em không dám chuyển đổi giới tính. Nếu sau này bạn gái muốn có con thì vẫn sinh cho bạn ấy một đứa bé bằng thụ tinh nhân tạo”.

Th.S. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Giám đốc Trung tâm tư vấn Ý Tưởng Việt nhận định: “Luật và những quy định chung về đồng tính nữ thường đi sau nhu cầu được bảo vệ và hợp thức hóa các giá trị của các bạn đồng tính nữ.  Trong thời gian tới vẫn rất cần các điều luật để có thể thừa nhận những giá trị của đồng tính nữ. Những quy định vẫn còn rất chung chung và chưa có tính thực tế để có thể áp dụng tốt vào thực tế hiện nay. Quan trọng nhất cần có cái nhìn nhân văn để tôn trọng giới tính của con người. Nhưng chính những người trong cuộc cũng cần hoàn thiện bản thân và tuân thủ những quy định chung để dần dần được tôn trọng và khẳng định mình hơn nữa trong cuộc sống”.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.