Đổi đời nhờ ba kích

Cây ba kích thu hoạch tại vườn Lục Ngạn, Bắc Giang.
Cây ba kích thu hoạch tại vườn Lục Ngạn, Bắc Giang.
TP - Tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cây ba kích đang được coi là cây dược liệu “đổi đời”. Tuy nhiên, để có được thành công hôm nay, những nông dân đam mê dược liệu đã phải trải qua những con đường đầy mồ hôi và nước mắt.

Trải qua 7 năm trời nghiên cứu, Cty Cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để chọn, tạo giống ba kích, để phục vụ ước mơ phát triển vùng dược liệu tại tỉnh Bắc Giang. Dẫn PV đi đến vườm ươm giống, ông Vũ Long Vân, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn cho biết, bản thân tôi cùng các anh em Cty đều xuất thân từ nông dân. Có cơ hội được đi nhiều, biết nhiều, anh em nhận thấy làm nông mãi không cải thiện được thu nhập. Thế nên, chúng tôi mang hàng trăm giống dược liệu về vườn ươm, nhân giống. Ở vườn ươm của Cty tại xã Nghĩa Phương (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), có hàng trăm giống dược liệu: Đinh lăng, hà thủ ô, ba kích… Tuy nhiên, đến nay, mang lại thu nhập và thành công nhất là hai giống ba kích được đặt tên là BK 9, BK 11.

Ra khỏi vườn ươm, đi mất 20 phút đường rừng khúc khuỷu, chúng tôi có mặt tại vườn ba kích của Cty. Tại đây, có những cây ba kích đến kỳ thu hoạch đã cho bộ rễ khổng lồ, ước nặng chừng 3 - 4kg. Theo ông Vân, với diện tích 1 ha, mỗi gốc cho thu hoạch trung bình 3kg (giá bán khoảng 200 ngàn/kg tươi), thì mỗi vụ thu hoạch cả khấu trừ số cây chết (khoảng 20 - 25%) thì có thể mang lại thu nhập 1,5 tỷ đồng. Thời gian tới, Cty sẽ tiếp tục phối hợp với bà con nông dân, cung cấp giống để bà con trồng, đồng thời có kế hoạch bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Chia sẻ về kinh nghiệm ươm trồng ba kích, ông Vân chia sẻ, giai đoạn quan trọng nhất là giai đoạn trồng ban đầu, đưa cây giống từ vườn ươm đưa lên. Cây ba kích non vốn là cây ưa bóng mát ở rừng, nên khi đã đưa lên trang trại phải bắt buộc thích nghi với điều kiện khắc nghiệt. Bên cạnh đó, bộ rễ và chiều dài cây giống rất quan trọng. Theo kinh nghiệm, số cặp lá phải 6 cặp trở lên, rễ phân nhánh phải từ 5 phân trở lên mới đủ điều kiện trồng. Đặc biệt, ba kích nhỏ ưa mát, có tán che, nếu đưa ra điều kiện nắng trực tiếp phải liên tục duy trì độ ẩm cho cây.

Khi cây bén rễ, sinh trưởng tốt thì sẽ sống. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào năm thứ 2 cây dễ bị bệnh nở cổ rễ. Bệnh sinh ra là do gốc cây bị nấm phần tiếp giáp đất và mặt dưới, bị bong lớp vỏ, rễ hút nước không mang được lên trên, lá khô, rễ thối.

Gập ghềnh đi tìm giống dược liệu

Để có được thành quả như hôm nay, là cả quá trình mày mò, thậm chí trả giá rất lớn. 7 năm trước, những thành viên sáng lập đã mua hơn 100 cây giống đầu tiên từ một đơn vị sản xuất giống có uy tín tại Hà Nội, trồng xong cây chết. Sau này mới phát hiện số giống trên là giống trôi nổi được mua từ Thanh Hóa về bán lại. Sau đó là 200 cây giống được mua của một trung tâm giống ở  tỉnh Lạng Sơn, cây lên xanh tốt nhưng sau ba năm không có củ. Nhiều lần vay mượn, vỡ nợ, tưởng phải bỏ dở ước mơ làm cây dược liệu. Rất may, cuối cùng họ đã tìm được những giống ba kích phù hợp, mang lại năng suất, hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Vân lại gặp khó khăn khác về việc xin chứng chỉ giống. Lúc đầu Cty đề nghị Viện Dược liệu (Bộ Y tế) nhưng đơn vị này không cung cấp mà yêu cầu lên Bộ NN&PTNT. Tìm đến Sở NN&PTNT tỉnh thì đơn vị này lại cho rằng cây dược liệu Sở chưa có văn bản nào hướng dẫn công nhận giống dược liệu mà chỉ cung cấp chứng chỉ giống cây trồng. Tức là chỉ liên quan đến sinh trưởng, còn không quan tâm đến các hoạt chất dược liệu.

Tình trạng doanh nghiệp muốn trồng dược liệu phải tự đầu tư sản xuất giống như nêu trên đang phổ biến. Hiện nay, chưa có giống dược liệu nào được nhà nước công nhận, cho nên, dù mua giống của đơn vị có uy tín thì doanh nghiệp vẫn phải tự trồng khảo nghiệm lại trong nhiều năm. Ông Lê Văn Sản, Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần Nam Dược chia sẻ, mỗi năm Cty vẫn phải nhập khẩu năm đến sáu tấn kim ngân hoa để sản xuất thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, dự án trồng cây kim ngân hoa của Cty cũng “phá sản” vì nhiều lần mua hạt về gieo không nẩy mầm. Thậm chí, cả khi đặt hàng Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nhưng cũng không có cây giống.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định, tình trạng không quản lý các giống dược liệu như hiện nay thì các cá nhân, tổ chức nghiên cứu giống dược liệu sẽ gặp khó. Chính phủ đã có chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu có hiệu lực ngày 5/7. Theo đó, nghị định quy định giống dược liệu mới do các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo được xem xét công nhận đặc cách, bỏ qua bước sản xuất thử nghiệm, chỉ cần tiến hành khảo nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các địa phương lập danh sách, mô tả các giống dược liệu địa phương đang sử dụng trong sản xuất hiện nay vào Danh mục giống dược liệu được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều lần vay mượn, vỡ nợ, tưởng phải bỏ dở ước mơ làm cây dược liệu. Rất may, cuối cùng họ đã tìm được những giống ba kích phù hợp, mang lại năng suất, hiệu quả.

MỚI - NÓNG