Dự án 600 Phó chủ tịch xã: Cần thời gian để đội viên trẻ thể hiện năng lực

Dự hội nghị tổng kết có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy; lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ và Bắc Giang.
Dự hội nghị tổng kết có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy; lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ và Bắc Giang.
TPO - Đối với các trí thức trẻ là đội viên, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, quy định về thời gian đào tạo, học hỏi, trải nghiệm công việc thực tế tại cơ sở ít nhất là 1 đến 2 năm. Qua đó, đội viên sẽ bộc lộ năng lực, khả năng lãnh đạo rồi mới tính bầu, bổ nhiệm chức danh.

Ông Lê Tiến Hưng, Phó giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh trong Hội nghị tổng kết Dự án 600 phó chủ tịch xã khu vực Đông Bắc Bộ tại Cao Bằng sáng nay.

Dự án 600 Phó chủ tịch xã được triển khai ở 15 huyện khu vực Đông Bắc Bộ, gồm 5 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ và Bắc Giang. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao được các đội viên áp dụng vào sản xuất như: Nuôi dê cái sinh sản và nuôi lợn; trồng 600.000 bầu chè chất lượng cao (Phú Thọ). Xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối và giun đất; nhân giống và trồng cây dược liệu bản địa trà hoa vàng dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả; phát triển đàn ong mật gắn với khu du lịch sinh thái (Bắc Giang). Trồng cây hồi và cây trúc sáo (Cao Bằng)... được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Chia sẻ tại hội nghị, chị Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết: “Để giúp đỡ đồng bào vùng cao phát triển kinh tế, xoá bỏ các hủ tục cần có lộ trình, không nóng vội. Cần thay đổi cái sai mà bà con đang cho là đúng. Đội viên cần hiểu nhiệm vụ của mình, đánh giá cụ thể từng khó khăn ở cơ sở để tìm ra giải pháp, sáng kiến và luôn phải luôn đặt lợi ích của người dân lên đầu”.

Được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, chị Hương rất bất ngờ khi bà con không cho ban thú y tiêm phòng, rất nhiều lý do lạ: Bò đang chửa, tiêm bò không chịu đi cày, tiêm bò bị đau và sưng cổ, có người ở thôn nói nếu tiêm gia súc hộ này, hộ kia sẽ làm ma mình. Có chuyên môn chăn nuôi, thú y nhưng chị Hương không thể thuyết phục được bà con ngay mà phải để “mưa dần, thấm lâu”.

“Đến từng nhà vận động tiêm phòng cho bò, tôi bảo bò tiêm sau không cày sẽ nhờ 23 đồng chí cán bộ xã xuống cày hộ (đã trao đổi với cấp trên-PV). Những hộ có gia súc chửa phải giải thích cho hộ hiểu lợi ích của tiêm phòng và tiêm trong giai đoạn nào thì tốt, không bị ảnh hưởng.

Đối với hộ dân bảo nhà này làm ma, tôi trực tiếp thay các đồng chí thú y đến tiêm để khẳng định không có chuyện vậy. Kết quả sau lần tiêm phòng đó, những lần sau đều được sụ nhất trí của bà con”, chị Hương chia sẻ.

Dự án 600 Phó chủ tịch xã: Cần thời gian để đội viên trẻ thể hiện năng lực ảnh 1 Đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã khu vực Đông Bắc Bộ tại Cao Bằng phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết.

Cần thời gian để hiểu bà con

Tại hội nghị, nhiều đội viên cũng phản ánh, trong quá trình thực hiện Dự án, mặc dù có kiến thức chuyên môn nhưng do hạn chế trong kinh nghiệm công tác; rào cản ngôn ngữ với đồng bào địa phương… nên việc cống hiến cho các xã nghèo gặp nhiều khó khăn. Các đội viên cũng bày tỏ nguyện vọng muốn đem sức khỏe, trí tuệ tiếp tục cống hiến cho địa phương; đồng thời mong muốn được ổn định vị trí việc làm để yên tâm công tác.

Ông Lê Tiến Hưng, Phó giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh Phú Thọ cho rằng, để nâng cao chất lượng của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, phải chú trọng đào tạo các kiến thức về quản lý nhà nước mà còn cả những kỹ năng mềm. “Đối với các trí thức trẻ là đội viên, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, quy định về thời gian đào tạo, học hỏi, trải nghiệm công việc thực tế tại cơ sở ít nhất là 1 đến 2 năm.

Qua đó, đội viên sẽ bộc lộ năng lực, khả năng lãnh đạo rồi mới tính bầu, bổ nhiệm chức danh. Việc bổ nhiệm chức danh ngay có thể tạo áp lực, làm các đội viên quá sức, và cũng gây băn khoăn trong cấp uỷ, chính quyền cơ sở”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Hưng, bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng kiến nghị: Tiếp tục nhân rộng mô hình đưa đội viên về làm Phó chủ tịch xã để tăng cường lực lượng phát triển kinh tế- xã hội ở các xã khó khăn.

Tuy nhiên, cần thu hẹp phạm vi chuyên ngành tuyển dụng và tuyển chọn những thí sinh có chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ cơ sở. Cần có thời gian để đội viên trẻ thể hiện năng lực sở trường công tác trước khi giới thiệu, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý tại địa phương”, bà Kiều Oanh nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.